Hoa hồng chính là thủ phạm sinh ra lạm thu

09/08/2018 06:23
Đỗ Quyên
(GDVN) - Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng lạm thu trong nhà trường phải kể đến thủ phạm là món tiền “hoa hồng” béo bở mà nhiều nhà cung ứng bỏ ra.

LTS: Cho rằng, chính những phần trăm tiền hoa hồng đang làm tăng tình trạng lạm thu trong các trường học hiện nay, tác giả Đỗ Quyên đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vào đầu mỗi năm học, câu chuyện thu hút sự chú ý và bức xúc nhiều nhất của dư luận là chuyện lạm thu.

Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng lạm thu trong nhà trường phải kể đến thủ phạm là món tiền “hoa hồng” béo bở mà nhiều nhà cung ứng bỏ ra.

Vấn nạn tiền hoa hồng trong các nhà trường (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn).
Vấn nạn tiền hoa hồng trong các nhà trường (Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn).

“Ôm rơm” vì tiền

Có thể kể ra đây hàng chục loại tiền mà nhiều trường đã thu hộ, đã làm thay việc của phụ huynh.

Đó là tiền 2 loại bảo hiểm (y tế và tai nạn), tiền sách vở, quần áo, tiền đồ dùng học tập, tiền tham quan, tiền sổ điện tử…

Chỉ tính riêng hai loại tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn, số tiền một học sinh phải đóng khoảng hơn 800 ngàn đồng/năm.

Nếu thật sự bảo hiểm là quyền lợi của người tham gia, nếu các cơ sở khám chữa bệnh bằng bảo hiểm đạt chất lượng như mục tiêu đề ra, nếu công ty bảo hiểm làm tốt công tác tuyên truyền thì người dân sẽ tình nguyện đi mua bảo hiểm cho chính con cái họ.

Thế nhưng chất lượng phục vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của người tham gia. Vì thế, công ty bảo hiểm phải cậy nhờ đến các trường học bán theo kiểu bắt buộc.

Cũng vì điều này, phần trăm bảo hiểm và nhiều quyền lợi trích lại cho trường học không hề nhỏ.

Chỉ tại...hoa hồng

Hay việc sử dụng sổ liên lạc điện tử của một vài nhà mạng với mức phí là 40.000 - 60.000 đồng/học sinh/tháng (nơi sử dụng ít khoảng 60.000 đồng/năm).

Tức là với hơn 20 ngày học/tháng, học sinh sẽ mất 2.000 - 3.000 đồng/ngày để có 1 - 2 tin nhắn qua điện thoại di động với những thông tin sơ sài về thực đơn trong ngày (đã có trên bảng tin của trường), về bài tập về nhà (học sinh đã ghi vào vở ghi bài), về điểm kiểm tra giữa kì, cuối kỳ...

Với lý do cho học sinh trải nghiệm để giáo dục kĩ năng sống, khá nhiều trường học đã đưa ra mục tiêu một năm tổ chức cho học sinh tham quan một lần mà nguồn kinh phí từ sự đóng góp của phụ huynh.

Bởi thế, số tiền thu học sinh thường giao động từ 200 đến vài trăm ngàn đồng tùy vào chuyến đi xa hay gần.

Cho con đi học, cha mẹ các em phải lo từ chuyện đồng phục, giày dép, sách vở… nhưng nhiều trường học lại đứng ra lo hết những chuyện này.

Chỉ tính riêng bộ đồng phục có trường phụ huynh phải bỏ khoảng vài trăm ngàn đồng.

Một bộ sách giáo khoa đủ loại cũng ngót nghét nửa triệu, cái cặp sách, đến từng cuốn vở luyện viết thêm, từng cái bìa bao, từng cục gôm tẩy cũng tính tiền trăm…

Hoa hồng vào túi ai?

Tóm lại, Hiệu trưởng đừng ăn hoa hồng nữa

Một số giáo viên ở tỉnh Kiên Giang cho biết, hàng năm nhà trường công bố mức hoa hồng 2 loại bảo hiểm trích lại khoảng 11% (bảo hiểm y tế 4%, bảo hiểm tai nạn 7%).

Nhà trường đưa mức chi 60% giáo viên hưởng và 40% Ban giám hiệu cùng kế toán. Với tỉ lệ như thế, giáo viên được khoảng 400 - 600 ngàn đồng tùy sĩ số học sinh.

Riêng Ban giám hiệu và kế toán nhận được khoảng 4 -5 triệu đồng/người.

Đây là mức chi công khai, ngoài ra còn có tiền bồi dưỡng riêng cho hiệu trưởng và kế toán (cái này không công khai giữa hội đồng).

Không được như Kiên Giang, một số địa phương khác giáo viên chỉ được trả 1% công tác thu khoảng vài chục ngàn đồng. Thế nhưng hiệu trưởng và kế toán lại nhận được phần trăm khá cao.

Ngoài ra hàng năm, còn được phía bảo hiểm tài trợ miễn phí những chuyến du lịch mà mức chi phí lên đến vài triệu đồng/người.

Một số nhà mạng đã trả tiền hoa hồng khá cao cho hiệu trưởng khi có nhiều lớp trong trường đăng kí sổ liên lạc điện tử.

Cũng chỉ là những tin nhắn thông báo đến phụ huynh nhưng tại Hà Nội cha mẹ học sinh phải bỏ từ 40-60 ngàn đồng/tháng. Một số địa phương khác chỉ phải bỏ 50-60 ngàn đồng/năm.

Hiệu trưởng, kế toán sao cưỡng nổi “hoa hồng”

Số tiền chênh lệch khủng như thế thì tiền % hiệu trưởng nhận được sẽ càng cao.

Chuyện quần áo, giày dép hay cặp sách, đồ dùng học tập, sách vở… mức trích hoa hồng thấp nhất từ 10 đến 30% tùy theo số lượng đặt mua.

Hay tiền đặt tua du lịch tham quan cho học sinh cũng được trả tới 20-30%. Những khoản hoa hồng này ít có trường học công khai trước hội đồng.

Trả về đúng vị trí sẽ hạn chế tình trạng lạm thu

Phụ huynh than tiền trường nhiều nhưng nếu nhìn lại thì gần như toàn các khoản thu hộ, làm hộ.

Trong thực tế, tiền thu cho trường chẳng đáng kể (trừ một số trường tự đẻ thêm một số khoản thu vô lý khác).

Nếu chúng ta thực hiện, tiền bảo hiểm để chính công ty bảo hiểm thu. Có như thế họ mới làm tốt vai trò của mình là đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Nếu phục vụ không tốt ắt sẽ giảm người mua. Phục vụ tốt người tham gia sẽ tích cực tình nguyện mà không hề than vãn.

Việc sử dụng dịch vụ nhắn tin đến phụ huynh của một số nhà mạng nên để chính cha mẹ các em mua theo nhu cầu.

Bởi có gia đình cần thông tin cập nhật về con cái nhưng có nhà chuyện này trở nên thừa. Cũng như chuyện đồng phục, sách vở, đồ dùng nhà trường cần để cha mẹ các em tự quyền quyết định.

Hoa hồng bao nhiêu phụ thuộc vào lương tâm người lãnh đạo

Nhà trường hãy nên làm tốt vai trò và nhiệm vụ của mình là dạy chữ, dạy người.

Chỉ thu đúng, thu đủ những khoản tiền học sinh phải đóng theo quy định như tiền học phí (bắt buộc ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông), tiền học buổi 2 ở bậc tiểu học.

Hay việc tổ chức cho các em đi tham quan, nhà trường không nên áp đặt và thu tiền vào đầu năm học.

Ngay tại thời điểm tổ chức đi cần lấy ý kiến của phụ huynh. Nếu tất cả đồng nhất thì họ sẽ nộp tiền, nếu nhiều ý kiến phản đối nên hủy bỏ.

Bởi, học sinh học và rèn kĩ năng sống bằng nhiều cách đâu cứ tổ chức tham quan rình rang một hôm mà có được.

Đỗ Quyên