Ngày 14/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, liên quan đến công tác xét tuyển giáo viên thì hiện cơ quan này đã nhận được 21 hồ sơ xét tuyển giáo viên bậc trung học phổ thông theo Nghị định 140 năm 2017 của Chính phủ.
Nhiều giáo viên hợp đồng nhiều năm nay nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội ở Quảng Nam kêu cứu. Ảnh: AN |
Sắp tới, Sở này sẽ tiến hành tổ chức xét tuyển. Theo kế hoạch, ngành giáo dục địa phương này sẽ xét tuyển 146 chỉ tiêu giáo viên trung học phổ thông hạng 3.
Nội dung xét tuyển sẽ gồm hai vòng. Trong đó, vòng 1 sẽ xét kết quả học tập và nghiên cứu (nếu có).
Vòng 2 là phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển theo yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Hàng chục giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm ở Quảng Nam kêu cứu |
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã thành lập Ban Giám sát kỳ xét tuyển viên chức ngành giáo dục theo Nghị định số 140 của Chính phủ để tránh các trường hợp sai sót, tiêu cực có thể xảy ra.
Trước đó, tại buổi làm việc giữa ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam ngày 12/11;
Sở Nội vụ Quảng Nam cho hay, đã có tổng cộng 488 trường hợp giáo viên đang hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước theo Nghị định 29 (năm 2012) và Nghị định 161 (năm 2018) của Chính phủ được đề nghị tuyển dụng.
Bao gồm: 158 giáo viên mầm non, 168 giáo viên tiểu học, 159 giáo viên trung học cơ sở, 3 giáo viên trung học phổ thông.
Những giáo viên này sẽ bổ sung cho đội ngũ giáo viên của toàn tỉnh vốn đang bị thiếu hụt.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các Sở, ngành liên quan báo cáo đầy đủ, cụ thể về kế hoạch xét tuyển giáo viên.
Trong đó có tình hình giáo viên hợp đồng, nhu cầu tuyển dụng... để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Sau đợt xét tuyển này, nếu còn chỉ tiêu biên chế sẽ tổ chức thi tuyển cạnh tranh.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có phản ánh về việc nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có nhiều năm giảng dạy nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội.
Hầu hết những giáo viên này có thời gian giảng dạy hợp đồng từ 9-10 năm trở lên (trước tháng 12/2015) nhưng không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng theo Nghị định 29 (năm 2012) và Nghị định 161 (năm 2018) của Chính phủ vì không có bảo hiểm xã hội.
Những giáo viên này đã viết thư cầu cứu gửi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các Sở, ngành vì cuộc sống quá khó khăn, có nguy cơ phải rời bục giảng.