Thu nhập bèo bọt
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, phụ huynh Trường mầm non Đông Khê (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) không chỉ phải ủng hộ nhiều khoản gắn mác tự nguyện, còn ủng hộ thêm thu nhập cho giáo viên hợp đồng.
Trao đổi với phóng viên, một giáo viên hợp đồng tại Trường mầm non Đông Khê rớt nước mắt khi nói về mức lương của giáo viên hợp đồng.
“Nếu không vì yêu nghề tôi đã không thể trụ nổi. Tôi đi dạy học nhưng vẫn được bố mẹ nuôi.
Giáo viên hợp đồng như tôi được huyện hỗ trợ 1 triệu đồng, sau khi trừ bảo hiểm tôi nhận được 700.000 đồng.
Ở Trường mầm non Đông Khê, phụ huynh phải tự trả lương giáo viên hợp đồng |
Mỗi tháng tôi được thêm khoảng 400.000 đồng tiền trông trưa. Tổng cộng tôi được 1,1 triệu đồng. Mức thu nhập này quá thấp để giáo viên trang trải cuộc sống”, giáo viên hợp đồng Trường mầm non Đông Khê chua xót nói.
Giáo viên này cũng chia sẻ: “Để đảm bảo mức thu nhập bằng mức lương tối thiểu, lãnh đạo nhà trường kêu gọi phụ huynh ủng hộ thêm cho giáo viên hàng tháng.
Như năm học này 2019-2020, nhà trường kêu gọi mỗi học sinh ủng hộ thêm thu nhập cho giáo viên 900.000 đồng/học sinh/năm học.
Tính ra nếu phụ huynh ủng hộ từ đầu năm học thì mỗi giáo viên hợp đồng cũng có thêm khoảng hơn 1 triệu nữa. Nếu cả phụ huynh ủng hộ và ngân sách huyện cấp 1 triệu đồng, tổng thu nhập của giáo viên hợp đồng khoảng 2,7 triệu đồng/tháng.
Nhưng trên thực tế, giáo viên hợp đồng Trường mầm non Đông Khê chỉ nhận khoản tiền hỗ trợ của phụ huynh vào cuối năm học”.
Nói về lý do phụ huynh đã đóng tiền ủng hộ từ đầu năm, vậy vì sao cuối năm giáo viên hợp đồng mới được nhận tiền, giáo viên này cho hay: “Theo lý giải của hiệu trưởng, đến cuối năm phụ huynh mới đóng đủ, khi đó sẽ trả cho giáo viên hợp đồng.
Vào dịp Tết âm lịch, giáo viên sẽ được tạm ứng 1-2 triệu đồng”.
Cũng theo giáo viên hợp đồng Trường mầm non Đông Khê, năm học trước 2018-2019, mỗi học sinh cũng ủng hộ 850.000 đồng/năm để tăng thêm thu nhập cho giáo viên hợp đồng.
Ngày 5/11, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Cao Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường mầm non Đông Khê cho biết: “Trường có 7 giáo viên hợp đồng, trong đó có 5 giáo viên hợp đồng với huyện còn 2 giáo viên hợp đồng của trường.
Ngân sách của huyện chỉ cấp 1 triệu đồng cho giáo viên hợp đồng với huyện.
Sau khi trừ bảo hiểm xã hội, giáo viên hợp đồng chỉ còn 700.000 đồng/tháng. Ngoài ra còn tiền trông trưa mỗi cháu 2.000 đồng/ngày, mỗi tháng cô giáo có thêm khoảng 400.000 đồng nữa.
Ngoài ra, ngân sách không có thêm khoản nào chi trả cho giáo viên hợp đồng. Bởi vậy, nhà trường mới kêu gọi phụ huynh ủng hộ thêm thu nhập để giáo viên yên tâm công tác giảng dạy, yêu nghề”.
Phụ huynh Trường mầm non Đông Khê phải ủng hộ giáo viên hợp đồng, nhưng giáo viên cuối năm mới nhận được. Mỗi tháng giáo viên chỉ được 1,1 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Mọi khoản đổ lên đầu phụ huynh
Giải thích về khoản tiền phụ huynh ủng hộ giáo viên hợp đồng, nhưng cuối năm nhà trường mới trả, cô Cao Thị Thu Huyền phân bua: “Đặc điểm người dân vùng này còn khó khăn, phụ huynh không nộp vào đầu năm học mà nộp rải rác đến cuối năm.
Bởi vậy, cuối năm học, trường mới tổng hợp và chi trả cho giáo viên hợp đồng”.
Cô Cao Thị Thu Huyền cũng giải thích về một số khoản đóng góp tự nguyện như vận động ủng hộ 400.000 đồng, hoạt động lễ hội 150.000 đồng hay tiền củi, tiền điện nước: “Nhà trường rất khó khăn, ngân sách cấp có hạn.
Bởi vậy, nhà trường phải huy động tự nguyện từ phụ huynh. Trên cơ sở những thứ cần thiết, những việc phải làm, nhà trường có đưa ra gợi ý phụ huynh ủng hộ con số tối thiểu.
Ví dụ quạt hỏng nếu chờ làm đơn gửi lên các cấp chắc vài năm trường cũng chưa nhận được tiền để thay… tường trường lớp cũ, quét ve mới trường cũng phải huy động phụ huynh ủng hộ.
Các khoản chi khác như điện, nước, trường cũng phải thu từ phụ huynh vì ngân sách không cấp.
Một năm trường có nhiều ngày kỷ niệm như khai giảng, ngày 20/11.. trường cũng phải thu khoản hoạt động hỗ trợ từ phụ huynh để có kinh phí tổ chức, thuê trang phục…”.
Các khoản phụ huynh Trường mầm non Đông Khê phải đóng góp đầu năm học mới. Ảnh: NVCC. |
Một vấn đề phụ huynh bức xúc đó là việc mỗi tháng trường tự ý cho học sinh nghỉ 2 buổi chiều thứ 6 với lý do để trường họp và làm vệ sinh, về việc này, cô Cao Thị Thu Huyền cho rằng: “Chúng tôi không thể đi họp vào ngày nghỉ.
Bởi vậy, một tháng phải cho học sinh nghỉ 2 buổi chiều thứ 6 để ban giám hiệu họp với giáo viên về chuyên môn, công tác đoàn, đội, chi bộ…. Ở Đoan Hùng trường nào cũng vậy”.
Đáng chú ý, giáo viên hợp đồng Trường mầm non Đông Khê gồm giáo viên hợp đồng với huyện và giáo viên hợp đồng với trường.
Trường hợp giáo viên hợp đồng với trường còn khó khăn hơn nhiều vì mức lương thấp chỉ từ 1,8 triệu đồng – 2 triệu đồng/tháng. Hàng tháng họ cũng chỉ được trường trả một khoản, còn lại nợ lương đến cuối năm.
Theo thông tin lãnh đạo Trường mầm non Đông Khê, năm học 2019-2020, tổng số học sinh toàn trường chỉ có trên dưới 130 học sinh.
Như vậy, riêng tiền học sinh ủng hộ giáo viên hợp đồng 900.000 đồng năm học này số tiền trên 113 triệu đồng.
Nếu chia cho con số 7 giáo viên hợp đồng, bình quân mỗi giáo viên hợp đồng nhận được hơn 1,6 triệu đồng.
Lạm thu cấp lớp! |
Trước đó, phụ huynh Trường mầm non Đông Khê phản ánh mấy năm học gần đây trường thu nhiều khoản ngoài quy định. Có nhiều khoản thu tự nguyện nhưng thực chất là ép buộc.
Ngoài khoản tiền ủng hộ giáo viên hợp đồng, Trường mầm non Đông Khê còn thu nhiều khoản thu thỏa thuận khác như tiền điện nước 100.000 đồng/học sinh/năm.
Tiền vận động ủng hộ 400.000 đồng/học sinh. Tiền cấp dưỡng 270.000 đồng (30.000 đồng/tháng x 9 tháng).
Tiền củi 72.000 đồng (8.000 đồng x 9 tháng). Tiền vệ sinh 100.000 đồng.
Tiền hoạt động lễ hội 150.000 đồng. Mua đồ chơi cho trẻ 100.000 đồng.
Quỹ hội phụ huynh 100.000 đồng. Tiền quỹ lớp 100.000 đồng (mua chổi, nước lau sàn, giấy vệ sinh…).
Ngoài ra còn tiền đồ dùng học tập 159.500 đồng, đồ dùng bán trú 41.500 đồng.
Phục vụ bán trú 360.000 đồng/học sinh/năm học.