Sau khi gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng ở Quảng Nam, nhóm giáo viên hợp đồng nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cũng đã gửi đơn cầu cứu đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để trình bày nguyện vọng của mình.
Những giáo viên hợp đồng nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội ở Quảng Nam. Ảnh: AN |
Theo trình bày của chị LTTTh. (hiện đang là giáo viên hợp đồng môn Tin học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thì:
Chị cùng rất nhiều anh chị em đang là giáo viên hợp đồng theo chế độ thỉnh giảng, nhân viên hợp đồng ở các trường tại huyện Thăng Bình trong rất nhiều năm.
Có người từ năm 2011, có người năm 2012, riêng chị Th. được hợp đồng năm 2013 và rất nhiều giáo viên khác sau năm 2013 nữa.
Giáo viên hợp đồng bồng con lên Hà Nội níu kéo chút hy vọng mong manh |
“Mặc dù được đi dạy, được làm việc nhưng chúng cháu chưa một lần được đóng bảo hiểm xã hội.
Có trường cho kí hợp đồng nhưng trong hợp đồng ghi rõ là: Dạy theo chế độ thỉnh giảng, hưởng lương theo quy định, không đóng bảo hiểm xã hội.
Cũng có trường không làm hợp đồng trong nhiều năm, năm học 2018 – 2019 có trường cho kí hợp đồng theo từng tháng.
Với mong muốn được làm việc, có một công việc làm sau khi ra trường, được sống với niềm đam mê là dạy học nên dù thấy hợp đồng không thỏa đáng nhưng chúng cháu vẫn kí, nếu không kí sẽ không được tiếp tục dạy”, chị Th. trình bày trong đơn.
Tuy là dạy hợp đồng theo chế độ thỉnh giảng nhưng nhóm giáo viên hợp đồng này vẫn dạy, vẫn làm việc trong suốt 1 năm học và đã giảng dạy, làm việc trong nhiều năm liền.
“Đã rất nhiều lần chúng tôi có ý kiến lên Ban Giám hiệu nhà trường với mong muốn được đóng bảo hiểm xã hội nhưng được Ban giám hiệu trả lời là phòng giáo dục không đóng nên trường không đóng được.
Khi chúng tôi hỏi lãnh đạo phòng thì được trả lời: do công văn số 555 của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ngày 30/11/2015 quy định từ ngày 1/1/2016 không kí hợp đồng lao động và không đóng bảo hiểm nên phòng không đóng được.
Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình thì cho phép các trường được 3 tháng kí hợp đồng 1 lần để không phải đóng bảo hiểm xã hội, không phải sai luật bảo hiểm.
Vậy những lao động lâu năm từ trước ngày 1/1/2016 như chúng tôi và rất nhiều giáo viên khác vì sao vẫn không được đóng bảo hiểm xã hội?”, chị PTN. (giáo viên hợp đồng tại Trường tiểu học Cao Bá Quát từ tháng 9/2011) phản ánh.
Quảng Nam, Đà Nẵng đỏ mắt tìm giáo viên trước thềm năm học mới |
Những giáo viên này cũng đặt vấn đề, vì sao những vị trí việc làm mà các giáo viên này đang làm trước đó vẫn thiếu nhưng vẫn cứ đưa vào chế độ thỉnh giảng để không phải đóng bảo hiểm xã hội?
Đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức xét biên chế cho giáo viên đã hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước.
Mặc dù đã làm đơn kiến nghị gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Sở giáo dục nhưng khả năng những giáo viên này sẽ không được xem xét.
"Vậy trong việc này quyền lợi của người lao động như chúng tôi bị mất đi thì ai chịu trách nhiệm? Cơ hội việc làm của các giáo viên này gần như không còn.
Cũng là giáo viên, nhân viên hợp đồng nhưng các huyện khác của tỉnh Quảng Nam đều được đóng bảo hiểm xã hội, riêng huyện Thăng Bình gần 10 năm nay không đóng bảo hiểm xã hội cho rất nhiều giáo viên.
Chẳng lẽ một cơ quan nhà nước, thi hành pháp luật của nhà nước lại phạm luật Bảo hiểm xã hội, luật lao động đến như vậy nhưng vẫn không phải chịu trách nhiệm trước dân?
Luật Bảo hiểm xã hội của Đảng, Nhà nước đưa ra để bảo vệ quyền lợi cho dân nhưng sao không bảo vệ quyền lợi cho các giáo viên", một giáo viên bức xúc phản ánh.
Trong bức tâm thư của những giáo viên này gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ mong muốn được quan tâm, xem xét;
Và có những chỉ đạo kịp thời để những giáo viên hợp đồng này có cơ hội được có một công việc làm ổn định và được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.