Ngày 4/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, một phóng viên đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Y tế có mặt tại cuộc họp, phóng viên này cho rằng:
“Hiện nay đã bước vào năm học mới, tuy nhiên thông tư về sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường chưa được ban hành. Đây chính là cơ sở pháp lý cho các địa phương, doanh nghiệp, nhà trường căn cứ vào đó để thực hiện. Lý do cho việc chưa ban hành là gì?
Việc cho 21 vi chất vào sữa học đường thì cơ sở pháp lý, khoa học là gì?”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trả lời tại họp báo. Ảnh: Đỗ Thơm |
Đại diện Bộ Y tế tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 là Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có trả lời chính thức. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải nguyên văn trả lời của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn về vấn đề nêu trên tại cuộc họp báo:
“Chương trình Sữa học đường được phê duyệt triển khai từ tháng 7 năm 2016 theo Quyết định 1340 của Thủ tướng.
Sau đó hơn 2 tháng, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình.
Sau đó, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn đến các địa phương thực hiện chương trình theo Quyết định 1340 này.
Cần biểu dương Bộ Y tế đã nhanh chóng quy định rõ sản phẩm cho Sữa học đường |
Cho đến bây giờ, đã có gần 20 tỉnh, thành phố đã đưa chương trình Sữa học đường vào thực hiện.
Đặc biệt một số tỉnh khó khăn như Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn dành kinh phí của địa phương để thực hiện chương trình.
Như vậy, có thể khẳng định cho đến bây giờ, với việc triển khai Quyết định 5450 của Bộ Y tế, chúng ta đã có một cơ sở pháp lý cho các địa phương quan tâm đến chương trình, triển khai chương trình Sữa học đường của Chính phủ có thể dựa vào đó lựa chọn các loại sữa tươi đảm bảo chất lượng.
Đến bây giờ, trong thời gian chờ đợi thông tư mới, Bộ Y tế vẫn khuyến nghị cho các địa phương, đồng thời đề nghị sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp để tiếp tục triển khai chương trình Sữa học đường hiệu quả.
Về vấn đề xây dựng Thông tư như các nhà báo quan tâm, bắt đầu từ năm 2017, Bộ Y tế đã giao cho các đơn vị liên quan của Bộ chuẩn bị dự thảo thông tư, ban hành các hướng dẫn (về sản phẩm) sữa tươi cho chương trình Sữa học đường.
Tuy nhiên, quá trình này thật sự không thể làm ngắn gọn được. Nó liên quan đến việc bổ sung 21 vi chất theo đề nghị của Viện Dinh dưỡng.
Và việc bổ sung vi chất vào sữa tươi đòi hỏi có cơ sở khoa học, phải có nghiên cứu để đánh giá tác dụng của các loại vi chất này đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe của lứa tuổi vàng.
Bộ Y tế chưa cho bổ sung vi chất, bác bỏ mọi cáo buộc về quy chuẩn sữa học đường |
Nó đòi hỏi có rất nhiều nghiên cứu, cũng như ý kiến của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh, các đơn vị nghiên cứu, các Ủy ban của Quốc hội cũng như Chính phủ.
Chính vì vậy, trải qua một thời gian lấy ý kiến, ngày 22/8/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp và mời các doanh nghiệp sữa, các hiệp hội, Hiệp hội Thực phẩm chức năng, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Dinh dưỡng…
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Bộ Y tế có kết luận như sau:
Thứ nhất, quan điểm của Bộ Y tế, khi ban hành văn bản quản lý Nhà nước thì chú ý đến quyền lợi của người dân, đảm bảo tính pháp lý, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khoa học, thực tiễn và tính khả thi.
Đối với chương trình Sữa học đường, phải đảm bảo an toàn và hiệu quả sản phẩm. Bộ Y tế ủng hộ chủ trương bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa tươi của chương trình Sữa học đường.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu đều thống nhất tiếp tục thực hiện chương trình theo Quyết định 1340 của Thủ tướng, cũng như Quyết định 5450 của Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành thông tư trong tháng 9/2019 này.
Và thông tư này có một số đặc điểm, đối với sản phẩm sữa tươi để phục vụ chương trình Sữa học đường thì sẽ có 2 nhóm sữa tươi sẽ được ưu tiên. Đó là sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng trong 4 nhóm sữa tươi thuộc QCVN 5-1:2010/BYT.
Bổ sung vi chất vào sản phẩm cho Sữa học đường liệu có trái luật? |
2 nhóm sữa tươi thanh trùng không được ưu tiên lựa chọn vì khả năng bảo quản, thời gian bảo quản không đảm bảo với vùng sâu, vùng xa.
Về vi chất, Bộ Y tế đã giao cho Viện Dinh dưỡng có báo cáo cấp Bộ về vấn đề này.
Nếu đến thời gian ban hành thông tư, Viện Dinh dưỡng chưa có dữ liệu khoa học chứng nhận được tác động có lợi đối với sự phát triển của học sinh khi bổ sung 21 vi chất, lúc này chúng tôi sẽ ban hành thông tư theo hướng trước mắt sẽ bổ sung 3 vi chất nằm trong Quyết định 1340 được Thủ tướng phê duyệt.
Đó là 3 vi chất sắt, can xi, vitamin D, đồng thời sẽ tiếp tục giao cho Viện Dinh dưỡng nghiên cứu về việc bổ sung 21 vi chất.
Sau này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành để kiểm tra các địa phương triển khai chương trình Sữa học đường. Sau đó sẽ tiến hành các các hội nghị sơ kết và hoàn tất các nội dung”.