Hà Nội cần dừng ngay việc cho học sinh uống sữa bổ sung trái phép 17 vi chất

16/08/2019 09:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Đây là chương trình sử dụng hàng ngàn tỷ đồng ngân sách, vì vậy cần nhanh chóng rà soát từ khâu đấu thầu; xem xét trách nhiệm cá nhân nếu có vi phạm...
Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vitamin, khoáng chất vào Sữa học đường Hà Nội
Vinamilk pha vượt quy định 14 loại vitamin, khoáng chất vào Sữa học đường Hà Nội

Ngày 15/8/2019, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế đã trao đổi với truyền thông quan điểm chính thức của Bộ Y tế bác bỏ các cáo buộc sai sự thật gần đây trên một số phương tiện báo chí rằng Bộ Y tế chậm trễ/chưa ban hành quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường.

Đồng thời, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa quyết định sẽ bổ sung vi chất nào vào sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường.

Bộ này cũng nhấn mạnh rằng, việc bổ sung vi chất cần phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học (bổ sung vi chất nào, hàm lượng bao nhiêu, tình trạng thiếu hụt vi chất ở trẻ em ra sao, khả năng hấp thu và chuyển hóa như thế nào...?).

Bộ Y tế sẽ quyết định việc có bổ sung vi chất vào sữa tươi hay không và bổ sung bao nhiêu vi chất một cách công khai, minh bạch trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Từ nay cho đến khi ban hành quy định mới, các địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường theo quy chuẩn hiện hành đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường mà Bộ Y tế đã ban hành và hướng dẫn các địa phương.

Bộ Y tế chỉ đạo rõ ràng, nhất quán và minh bạch ngay từ đầu

Đề nghị lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ thêm 14 chất khác vào Sữa học đường
Đề nghị lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ thêm 14 chất khác vào Sữa học đường

Ngày 26/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Chương trình Sữa học đường Nguyễn Thị Kim Tiến ký văn bản số 7162/BYT-BM-TE gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Công văn nêu rõ:

Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Ngày 15/5/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Viết Tiến thay mặt Bộ trưởng ký công văn số 2673/BYT-BM-TE gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường triển khai thực hiện chương trình Sữa học đường. Công văn chỉ đạo rõ:

Trong khi chưa có quy định mới về tiêu chuẩn đối với sản phẩm Sữa học đường, đề nghị các tỉnh thực hiện theo Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Cho đến nay, một lần nữa, Bộ Y tế khẳng định chưa quyết định sẽ bổ sung vi chất nào vào sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường, bởi việc bổ sung vi chất cần phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học càng cho thấy sự nhất quán, rõ ràng và thận trọng với sức khỏe trẻ em của Bộ Y tế.

Hà Nội cần dừng cho trẻ em uống sữa pha thêm 17 vi chất trái quy định

Quy chuẩn sữa học đường đã có từ 2016, sao lại quy chụp Bộ Y tế chưa ban hành?
Quy chuẩn sữa học đường đã có từ 2016, sao lại quy chụp Bộ Y tế chưa ban hành?

Bài viết "Sữa học đường 17 vi chất làm 'nóng' giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội" đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 16/4/2019 dẫn lời ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tuyên bố, chương trình sữa học đường ở Hà Nội triển khai đúng quy định. [1]

Cùng đưa tin về sự kiện này, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, Báo Hà Nội Mới dẫn lời ông Phạm Xuân Tiến khẳng định cụ thể hơn:

Chương trình Sữa học đường được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ nhằm nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học. 

Ngành giáo dục đào tạo Hà Nội là đơn vị chủ trì. Trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, chấm thầu đều có ý kiến tư vấn của các đơn vị liên quan, đúng theo quy định pháp luật.

Đến nay đã có hơn 90% học sinh các trường mầm non, tiểu học công lập tham gia chương trình. Ý kiến của đa số phụ huynh đều rất ủng hộ. [2] [3]

Thực tế cho thấy, sản phẩm cung cấp cho chương trình Sữa học đường Hà Nội pha thêm 17 vi chất không chỉ trái với Hồ sơ mời thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát hành, mà ngay từ đầu nó đã không đúng với Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Chỉ có Bộ Y tế mới là cơ quan có thẩm quyền được Thủ tướng Chính phủ giao ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường theo Quyết định 1340/QĐ-TTg.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị.

Bộ Y tế đã rất thận trọng và có tinh thần trách nhiệm cao với sức khỏe trẻ em khi cân nhắc kỹ việc bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường cần phải có nghiên cứu khoa học (bổ sung vi chất nào, hàm lượng bao nhiêu, tình trạng thiếu hụt vi chất ở trẻ em, khả năng hấp thu và chuyển hóa...).

Thiết nghĩ đã đến lúc Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nên chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dừng ngay việc cung cấp sản phẩm sữa bổ sung 17 vi chất trái phép cho chương trình sữa học đường Hà Nội;

Đồng thời cần rà soát lại toàn bộ quá trình đấu thầu, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân nào đưa sản phẩm không đúng quy định, không đúng hồ sơ mời thầu vào chương trình sử dụng hàng ngàn tỷ đồng ngân sách.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội né tránh cung cấp thông tin?

Ngày 30/11/2018 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có văn bản số 107/GDVN-HC gửi lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt lịch phỏng vấn các vấn đề liên quan đến chương trình Sữa học đường tại Thủ đô.

Ngày 14/12/2018, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản số 9866/VP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, ông Ngô Văn Quý:

Bộ Y tế chưa hề cấp phép công thức sữa học đường chuyên biệt nào cho Hà Nội
Bộ Y tế chưa hề cấp phép công thức sữa học đường chuyên biệt nào cho Hà Nội

"Giao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trường hợp cần thiết tổ chức họp báo để thông tin chi tiết về triển khai, thực hiện chương trình Sữa học đường tại Hà Nội".

Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã không thực hiện chỉ đạo này của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố.

Đến ngày 30/7/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục có văn bản số 72/GDVN-HC gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị làm việc về Chương trình Sữa học đường thủ đô.

Ngày 12/8/2019, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản số 7471/VP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ngô Văn Quý chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội:

"Giao Sở Giáo dục và Đào tạo cử cán bộ làm việc, cung cấp thông tin với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện."

Chúng tôi đã liên hệ với ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phó trưởng ban Thường trực ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường Hà Nội đề nghị thực hiện chỉ đạo nói trên của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, tuy nhiên vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/sua-hoc-duong-17-vi-chat-nong-giao-ban-bao-chi-thanh-uy-ha-noi-2019041618035338.htm

[2]https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-y-te-noi-ve-chat-luong-sua-hoc-duong-17-vi-chat-828380.html

[3]http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/932351/sua-hoc-duong-o-ha-noi-dat-tieu-chuan-cua-to-chuc-y-te-the-gioi

Hồng Thủy