Thông tin tuyển sinh 2019 của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

31/03/2019 06:06
Thúy Vi
(GDVN) - Năm 2019, Viện Báo chí tuyển 240 chỉ tiêu cử nhân với 3 ngành Báo chí, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện.

6 chuyên ngành đào tạo báo chí – truyền thông

Các chuyên ngành đào tạo gồm Báo in, Ảnh báo chí, Sản phẩm truyền thông đại chúng, Truyền thông đại chúng ứng dụng, Sản phẩm truyền thông đa phương tiện, Phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện.

Ngành học

Chỉ tiêu

Năm 2019

Tổ hợp bài thi/môn thi xét tuyển

Điểm xét tuyển năm 2018

Báo in

50

- Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Toán (R15)

- Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Tiếng Anh (R05)

- Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Khoa học tự nhiên (R06)

- Ngữ văn, Năng khiếu báo chí, Khoa học xã hội (R16)

20.60

21.40

20.60

23.35

Ảnh báo chí

40

- Ngữ văn, Năng khiếu Ảnh báo chí, Toán (R07)

- Ngữ văn, Năng khiếu Ảnh báo chí, Tiếng Anh (R08)

- Ngữ văn, Năng khiếu Ảnh báo chí, Khoa học tự nhiên (R09)

- Ngữ văn, Năng khiếu Ảnh báo chí, Khoa học xã hội (R17)

19.35

21.75

19.35

22.45

Truyền thông

đa phương tiện

50

- Ngữ văn, Toán, Khoa học xã hội (C15)

- Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên (A16)

- Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh (D01)

23.00

21.25

21.75

Truyền thông

đại chúng

100

- Ngữ văn, Toán, Khoa học xã hội (C15)

- Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên (A16)

- Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh (D01)

22.00

20.25

20.75

Giảng viên, sinh viên Viện Báo chí tham gia Hội báo toàn quốc 2019
Giảng viên, sinh viên Viện Báo chí tham gia Hội báo toàn quốc 2019

Cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho sinh viên

Sinh viên sau khi tốt nghiệp Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có thể đảm nhận nhiều vị trí:

Báo in:phóng viên, biên tập viên tại tất cả các cơ quan báo chí như báo in, báo mạng điện tử, đài phát thanh - truyền hình và trang thông tin điện tử; chuyên viên báo chí - truyền thông – PR trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu báo chí – truyền thông.

Ảnh báo chí: phóng viên ảnh, biên tập viên ảnh tại các cơ quan báo in, báo mạng điện tử, đài phát thanh - truyền hình và trang thông tin điện tử; chuyên viên báo chí - truyền thông – PR trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu báo chí – truyền thông.

Truyền thông đại chúng: chuyên viên sáng tạo nội dung; nhà sản xuất sản phẩm truyền thông quảng bá, quảng cáo, gói nhận diện thương hiệu, video âm nhạc, phim, sản phẩm truyền thông số;

Phụ trách kinh doanh và phát triển các dự án hợp tác, liên kết truyền thông; chuyên viên quản lý hình ảnh, quản trị thương hiệu – danh tiếng, quản trị khủng hoảng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Chuyên viên nghiên cứu, ứng dụng và tư vấn phát triển các kênh truyền thông đại chúng...

Truyền thông đa phương tiện: giám đốc sản xuất, giám đốc sáng tạo, đạo diễn, biên kịch, biên tập viên, dẫn chương trình, sản xuất và kinh doanh bản quyền format sản phẩm truyền thông đa phương tiện…;

Chuyên viên quảng cáo, marketing, quan hệ công chúng, truyền thông xã hội, quản trị thương hiệu, quản trị truyền thông trong khủng hoảng, quản lý hình ảnh;

Quản trị Cổng thông tin điện tử, quản trị website; nhà tư vấn tổ chức, quản lý chương trình, chiến dịch truyền thông, quản lý và phát triển dự án truyền thông đa phương tiện…

Điều kiện xét tuyển mở rộng cho thí sinh

Điều kiện xét tuyển chung của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với khối ngành báo chí – truyền thông là học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có kết quả xếp loại học lực trong từng năm từ 6.0 trở lên; hạnh kiểm từng năm xếp loại Khá trở lên.

Thí sinh tham gia dự tuyển phải đạt điểm xét tuyển theo quy định của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đối tượng là người nước ngoài được tuyển sinh theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Đối với ngành truyền thông đa phương tiện và truyền thông đại chúng xét tuyển dựa trên kết quả cả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. 

Ngành báo chí có hai chuyên ngành là báo in và ảnh báo chí sẽ xét tuyển dựa trên kết quả cả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và môn năng khiếu tương ứng của từng chuyên ngành.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhiệt tình và trách nhiệm

Viện Báo chí tiền thân là khoa Báo chí được thành lập từ năm 1962, đến tháng 01/2019, Viện Báo chí ra đời trên cơ sở hợp nhất Khoa Báo chí và Viện nghiên cứu báo chí truyền thông, là đơn vị cấp Viện duy nhất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Hiện nay, ngoài lực lượng cán bộ cơ hữu, Viện Báo chí có nhiều cán bộ kiêm nhiệm, thỉnh giảng, cộng tác viên nghiên cứu chuyên nghiệp, nổi tiếng đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông, doanh nghiệp trên cả nước.  

Phương thức đào tạo của Viện Báo chí là lý thuyết cốt lõi và thực hành thông qua các câu lạc bộ nghiệp vụ như Đặc san Báo chí Trẻ, Câu lạc bộ Báo chí truyền thông CJC, Câu lạc bộ Báo chí điều tra IJC và các toà soạn Báo, đài Phát thanh Truyền hình và các doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí; Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Huy Phượng, Tổng biên tập Đặc san Báo chí Trẻ và Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, giảng viên Viện Báo chí nhận Giải thưởng Công trình Nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ báo chí
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí; Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Huy Phượng, Tổng biên tập Đặc san Báo chí Trẻ và Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, giảng viên Viện Báo chí nhận Giải thưởng Công trình Nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ báo chí

Sinh viên báo chí – truyền thông năng động và sáng tạo

Ngoài việc được cung cấp kiến thức và đào tạo chuyên môn trong các môn học, sinh viên Viện Báo chí có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động thực hành.

Ngay từ khi mới bước vào trường, các em có thể bắt đầu học nghề từ các câu lạc bộ nghiệp vụ báo chí của Viện.

Ngoài ra, khi đã có kinh nghiệm và khả năng tác nghiệp, các em còn được giới thiệu làm việc với các cơ quan báo chí, cơ quan/doanh nghiệp truyền thông.

Không chỉ năng động trong rèn luyện nghề nghiệp, sinh viên còn được tham gia tổ chức nhiều chương trình như ngày hội chào mừng tân sinh viên, cuộc thi viết báo, ảnh báo chí, hoa khôi báo chí Press Beauty, thi MC... để trau dồi kĩ năng mềm phục vụ cho công việc sau này. 

Bên cạnh đó, sinh viên được tham gia nhiều đợt thực tế chính trị xã hội, thực tập nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí – truyền thông uy tín, các địa phương để có cơ hội trải nghiệm thực tế nhiều hơn trong quá trình học tập.

Đặc san Báo chí Trẻ tổ chức trao giải Ấn tượng Báo chí trẻ 2019
Đặc san Báo chí Trẻ tổ chức trao giải Ấn tượng Báo chí trẻ 2019
Thúy Vi