Trên một huyện có quá nhiều trung tâm, lãng phí

27/12/2019 06:59
Tùng Dương
(GDVN) - Luật đầu tư thì thấy rất chi tiết, nhưng tại sao chúng ta vẫn có những lãng phí? Tôi cho đây là vấn đề của năng lực đội ngũ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Đến dự và phát biểu tại cuộc Hội thảo “Tái cấu trúc nguồn lực nhà nước đầu tư cho giáo dục để tăng hiệu quả, chống lãng phí”, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 24/12, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ:

Video: Trên một huyện có quá nhiều trung tâm, lãng phí

“ Chúng ta đã chỉ ra một số nguyên nhân của lãng phí trong đầu tư công, thứ nhất có quá nhiều luật chồng chéo nhau nên phát sinh nhiều thủ tục, làm chậm quá trình từ A đến Z, rồi đến câu chuyện giải ngân, thiếu vốn…rồi đến lúc được phê duyệt thì giá lại trênh lên…dẫn đến nhiều khi bị bỏ dở công việc.

Thứ 2 là câu chuyện của quy hoạch, có quy hoạch thì chưa phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương. Thứ 3 là đề suất của các dự án đầu tư đi từ cụ thể hóa chính sách, nhưng đôi khi trong quá trình làm chính sách thì chúng ta lại có vấn đề.

Không bám vào những nhu cầu có thực hay không để xác định các đề suất dự án, rồi chuyện thẩm định, làm dự án tiền khả thi, dự án khả thi, tư vấn, thực hiện, giám sát…tất cả các quá trình đó.

Đọc Luật đầu tư thì thấy rất chi tiết, nhưng tại sao chúng ta vẫn có những lãng phí? Tôi cho đây là vấn đề của năng lực đội ngũ từ cấp Trung ương đến địa phương, cùng sự phối hợp giữa các bộ ngành trong việc làm chính sách.

Tiền chúng ta bảo là thiếu, nhưng bản chất là tiền chúng ta rải ra không hiệu quả, trong luật đầu tư ghi rất rõ là quản lý sử dụng vốn đầu tư theo đúng quy định, từng nguồn vốn đảm bảo đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực, không để thất thoát lãng phí.

Trên một huyện có quá nhiều trung tâm, lãng phí ảnh 1

Đại học Quốc gia thiếu tiền ở Hòa Lạc, sao vẫn xây dựng tại Cầu Giấy?

Trở lại vấn đề trung tâm giáo dục thường xuyên, bất cứ một thiết chế giáo dục, hay một chính sách giáo dục nào đều thỏa mãn một mục tiêu tối thượng, xuyên suốt và quốc gia nào cũng vậy.

Về mặt quy mô đảm bảo tiếp cận được giáo dục, thứ 2 là chất lượng và thứ 3 là hiệu quả. Trong nguồn lực có hạn thì chất lượng và hiệu quả đôi khi cũng có sự xung đột với nhau, hoặc là kể cả có nhiều người học nhưng tiền lại ít.

Bây giờ bàn đến chuyện quy hoạch, định hướng của chúng ta là nền giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thì phải rà soát, quy hoạch lại xem chỗ nào cần, quản lý bố trí như thế nào.

Chúng tôi thấy trên một cấp huyện có quá nhiều trung tâm, nào là trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề, trung tâm khuyến nông, khuyến công, trung tâm… rất nhiều thứ.

Giáo dục thường xuyên có cần không? Thì tôi khẳng định là rất cần và Việt Nam là quá cần giáo dục thường xuyên, chỉ có điều các cấp bộ ngành chưa quan tâm đến nó.

Một đất nước muốn phát triển bền vững mà không phát triển giáo dục thường xuyên là rất nguy hiểm, các nước họ đều như vậy và họ chi cho giáo dục thường xuyên rất lớn, ngoài ra người dân đóng góp.

Bây giờ là thời khoa học công nghệ thay đổi, đa dạng hóa phương thức giáo dục thường xuyên, vấn đề là khi đa dạng hóa như vậy tức là phương thức cung cấp thường xuyên đã thay đổi trên nền tảng công nghệ số, vậy thì mô hình quản trị từ Trung ương đến địa phương cũng phải thay đổi.

Vậy đầu tư phải tính trên bối cảnh công nghệ đã thay đổi như vậy, nên ta phải rất chú ý. Còn việc làm sao để đầu tư công hiệu quả, tôi không nói chỉ câu chuyện trong giáo dục thường xuyên mà trong cả lĩnh vực đào tạo.

Chúng ta cho trường đại học tăng cường tự chủ, nhà nước sẽ có phần đầu tư công và có thể sẽ được giảm bớt đi ở một số trường nào đó, nhưng lại tăng lên ở trường khác.

Như vậy trường tự chủ tốt, chất lượng hiệu quả hoạt động tốt thì nhà nước nên khuyến khích đầu tư như thế nào cho trường này phát triển.

Ví dụ có trường nói với tôi là trường của họ còn 400 tỷ đồng nhưng không được tiêu gì cả vì vướng luật đầu tư xây dựng cơ bản, qua quá nhiều cấp và đến khi được phê duyệt xong thì 400 tỷ đồng không làm nổi. Vậy đây có phải là sự lãng phí vốn hay không?

Tiền của người ta làm ra và họ chỉ xin xây dựng cơ bản để phát triển quy mô trường lớp cho khang trang thì lại vướng luật. Như vậy tôi cho đây cũng là sự lãng phí trong quy trình thủ tục”.

Đến dự hội thảo có bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ông Nguyễn Công Hinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ông Phạm Đức Tiến - đại diện Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội).

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

Tùng Dương