Hà Nội: Trồng húng quế ven sông Hồng, nông dân có năm lãi hàng trăm triệu

04/09/2024 09:12
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một số hộ dân thôn Duyên Yết (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) trồng cây húng quế ven sông Hồng để lấy tinh dầu, mang lại lợi nhuận kinh tế cao. 

Vào tháng 6/2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành văn bản số 170 về phát triển cây dược liệu trên địa bàn Thành phố Hà Nội 2024-2025. Trong đó, nội dung kế hoạch có nêu về danh mục các loại cây dược liệu ưu tiên phát triển gồm 16 loại như, trà hoa vàng, kim ngân hoa, đinh lăng, cà gai leo, xạ đen, râu mèo, sâm bố chính, hương nhu, cỏ ngọt, thanh hao, húng quế, bạc hà, cúc chi, nghệ vàng, gừng và đông trùng hạ thảo.

Thôn Duyên Yết (xã Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội) là địa phương từng được nhiều người biết đến về mô hình trồng măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao trong những năm trước đây. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 8 vừa qua, phóng viên đến nơi đây, người dân và cán bộ thôn đều cho hay, các hộ trồng măng tây đều đã chuyển sang cây trồng khác do cây măng bị sâu bệnh, năng suất kém.

"Quy mô trồng cây măng tây khoảng hơn một mẫu đất, nhưng cây bị sâu bệnh, khoảng hai năm trước người dân bỏ không trồng nữa", ông Đồng Trọng Thu (Bí thư thôn Duyên Yết, Hồng Thái) chia sẻ.

Ông Thu chia sẻ thêm, có những hộ trồng chuối tây, chuối tiêu ven sông nhưng giá cả bấp bênh, không mang lại lợi nhuận cao về kinh tế.

Chia sẻ thêm về phát triển nông nghiệp tại địa phương, một cán bộ Hợp tác xã Hồng Thái, hiện nay, cây trồng mang lại kinh tế lớn nhất cho người dân địa phương là cây húng quế, cây này được làm tinh dầu và thương lái thu mua với giá cao. Địa phương hiện có khoảng vài chục hecta, quy mô lớn hơn so với trồng măng tây, nho...

gdvn_trong-cay-duoc-lieu-hung-que-o-hong-thai-phu-xuyen-ha-noi (1).jpg
Khu vực bãi ven sông Hồng được người dân trồng cây húng quế. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo chia sẻ của nhiều người dân địa phương, phóng viên được biết gia đình ông Phạm Văn Chung là một trong hai hộ có diện tích lớn trồng cây húng quế, với khoảng 10 mẫu đất (tương đương khoảng 3,6 hecta).

Trồng húng quế đem lại giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô, khoai...

Trao đổi với phóng viên, ông Chung cho hay, ngày xưa người dân ở đây trồng ngô, đỗ, khoai nhưng không có năng suất. Từ đây, ông tìm tòi giống cây húng quế được trồng ở bãi của xã lân cận, đem lại giá trị kinh tế cao nên tôi đã thử trồng ở bãi ven sông, kết quả cây phát triển tốt, có lượng tinh dầu nhiều.

Để trồng húng quế, ông tìm hiểu về loại đất cát, đất phù sa bãi ven sông phù hợp. Tuy nhiên, trồng ở ven sông Hồng có nhược điểm là nước dâng, cây bị ngập nước sẽ chết.

Đến nay, ông bắt đầu trồng húng quế được khoảng 9 năm.

gdvn_trong-cay-duoc-lieu-hung-que-o-hong-thai-phu-xuyen-ha-noi (5).jpg
Cây húng quế còn được gọi là É quế, Húng chó, Rau é, Hương thái.. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Với kinh nghiệm lâu năm, giờ ông Chung có thể quan sát cây húng quế có nhiều lượng tinh dầu hay không qua nhìn thân cây có săn, lá đanh, già hay không hoặc vò nắm lá cây, ông ngửi thấy mùi cay nồng là cây có nhiều tinh dầu.

"Có những cây húng quế trồng khu đất thịt, cây cao, xanh tốt nhưng lại không có nhiều lượng tinh dầu", ông Chung cho hay.

Chia sẻ về quy trình trồng cây húng quế, ông Chung cho biết, vào tháng 11 âm lịch, người dân sẽ gieo hạt trồng cây giống và đến tháng 2 âm lịch năm sau sẽ đem đi trồng. Một năm, người dân thu hoạch được khoảng bốn lứa lá, ngọn, thân cây húng quế. Sau đó, người dân trồng cây rau mùi để chế xuất tinh dầu, thời gian trồng nhanh hơn nhưng lợi nhuận không bằng trồng cây húng quế.

"Đến tháng 10 âm lịch, người dân thu hoạch xong là lại trồng cây dược liệu rau mùi để lấy tinh dầu. Cuối năm, là có thể thu hoạch", ông Chung chia sẻ.

Lãi từ trồng húng quế có năm được 500 triệu đồng

gdvn_trong-cay-duoc-lieu-hung-que-o-hong-thai-phu-xuyen-ha-noi (3).jpg
Khu vực chưng cất tinh dầu húng quế của gia đình ông Chung. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Về quy trình chưng cất tinh dầu, ông Chung chia sẻ, cây húng quế sau được cho vào chưng cất giống như quy trình nấu rượu. Theo đó, cây sẽ được cho vào cho vào trong nồi có nước, hơi nước qua ống, bể nước làm mát và chảy xuống bình chứa, tinh dầu nổi ở trên sẽ tràn từ bình chứa chảy vào chai.

Về đầu ra sản phẩm, ông Chung cho hay, có nhiều thương lái ở Hưng Yên sang thu mua tinh dầu để bán xuất khẩu sang nước ngoài. Thời điểm những năm đầu thu hoạch, giá một cân nước tinh dầu húng quế khoảng 800-900 nghìn đồng, sau đó thời điểm đắt nhất là vào năm 2022 lên đến 2 triệu đồng/cân nước tinh dầu, còn hiện tại là khoảng 1,5 triệu đồng/cân.

gdvn_trong-cay-duoc-lieu-hung-que-o-hong-thai-phu-xuyen-ha-noi (2).jpg
Tinh dầu húng quế có màu vàng nhạt, mùi khá nồng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Một năm, với khoảng 3,6 hecta cây húng quế, ông Chung có thể thu hoạch được khoảng 4 tạ nước tinh dầu. Như năm kia, ông có thể thu về khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí thuê nhân công, phân bón, ông có lãi khoảng 500 triệu đồng.

"Do tiểu thương thu mua nên có khi chúng tôi bị họ làm giá. Vì vậy, chúng tôi mong có sự đầu tư để công ty về địa phương thu mua, chế biến, như vậy giá sẽ ổn định hơn", ông Chung trải lòng.

Vừa qua, huyện Phú Xuyên cũng có cuộc họp về phương án mở rộng trồng cây húng quế, ông Chung được mời đến để chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và chế biến.

Đối với việc phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh tập trung, tại văn bản số 170, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nêu, căn cứ Quyết định 4537/QĐ-UBND ngày 11/9/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về Danh mục định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, xác định, xây dựng chi tiết vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng loài dược liệu ở từng địa bàn xã, gắn với xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên cơ sở khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên.

Thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả ở những nơi có điều kiện phù hợp sang trồng dược liệu theo chuỗi giá trị; chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hỗ trợ lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với các diện tích trồng cây dược liệu chuyên canh tập trung.

Hỗ trợ thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng đến khai thác, chế biến.

Xây dựng và triển khai các đề tài khoa học công nghệ về nghiên cứu chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống; quy trình công nghệ trồng cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh hại từ nguồn gen cây thuốc quý, lợi thế ở địa phương và nhập nội nguồn gen, giống cây dược liệu tiên tiến.

Từng bước thực hiện nuôi trồng và thu hái dược liệu theo nguyên tắc GACP-WHO và thực hành sản xuất, chế biến dược liệu theo tiêu chuẩn GMP- WHO nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh.

Mạnh Đoàn