Trường Đại học kiến nghị Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng về khởi nghiệp

15/04/2019 06:44
TIẾN SĨ NGUYỄN THỊ MỸ HƯƠNG
(GDVN) - Các cơ sở giáo dục đại học có thể cạnh tranh để được hỗ trợ các quỹ về khởi nghiệp cho sinh viên.

LTS: Tại buổi làm việc với đoàn chuyên gia Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng do Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn đầu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (Đại học Đà Nẵng) đã có nhiều kiến nghị về thúc đẩy giáo dục khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong trường Đại học.

Trong đó, có nhiều đề xuất về cấp quản lý nhà nước phải thay đổi các chính sách để hỗ trợ nhà trường trong đào tạo khởi nghiệp.

Được sự đồng ý của Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương, Tòa soạn trân trọng đăng tải bài viết này.

Các trường cạnh tranh để được hỗ trợ từ quỹ khởi nghiệp

Nhằm thúc đẩy giáo dục khởi nghiệp trong trường đại học, nhất thiết phải điều chỉnh để giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được bao hàm trong giáo dục đại học.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu đào tạo Việt Anh trình bày về khởi nghiệp trong các trường đại học. Ảnh: TT
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu đào tạo Việt Anh trình bày về khởi nghiệp trong các trường đại học. Ảnh: TT

Để làm được điều đó, Bộ Giáo dục Đào tạo không chỉ có hướng dẫn như 7 nội dung hướng dẫn như theo Hướng dẫn số 2101/BGDĐT-KHCNMT về việc thực hiện một số nội dung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo hướng dẫn này, các trường đại học được khuyến nghị “cần”, “nên” thực hiện một số hoạt động như xem xét đưa môn học khởi nghiệp vào giảng dạy, tổ chức đào tạo giảng viên…

Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ nhận thức, tư duy của những người đứng đầu trường đại học. Khi lãnh đạo trường đại học hiểu được vai trò của tư duy đổi mới sáng tạo trong trường đại học, các trường ắt sẽ có sự chuyển động cần thiết.

Trường Đại học kiến nghị Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng về khởi nghiệp ảnh 2

Tạo dựng ý tưởng khởi nghiệp cho các em ngay từ trong môn học

Thay vì xem việc tuyển sinh như là trọng tâm của các cuộc họp với lãnh đạo trường đại học, những nội dung về nghiên cứu trong giảng viên sinh viên, các hoạt động đổi mới sáng tạo nên thường xuyên được trao đổi, thảo luận.

Việc phát triển tư duy sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên phải là một tiêu chuẩn trong đánh giá chất lượng các trường đại học.

Các kiến thức/kỹ năng cơ bản của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần phải bao hàm khi xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo đại học.

Yêu cầu này không có nghĩa là mọi trường đại học đều phải có các khóa học về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà mang hàm ý là khi xây dựng khung chương trình đào tạo cần phải tích hợp yếu tố khởi nghiệp trong mục tiêu đầu ra của chương trình.

Đồng thời, cơ quan quản lí nhà nước của ngành cũng cần có những biện pháp tạo cơ chế cạnh tranh giữa các trường trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Trong khi các nhà nghiên cứu có thể cạnh tranh để thực hiện các đề tài khoa học, các cơ sở giáo dục đại học có thể cạnh tranh để được hỗ trợ các quỹ về khởi nghiệp cho sinh viên.

Nguồn quỹ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được cấp trên cơ sở những thành tích đạt được trong các năm trước của cơ sở giáo dục đại học.

Mô hình này cũng là mô hình cấp ngân sách nghiên cứu được thực hiện tại Vương quốc Anh, vốn đã thúc đẩy các trường cạnh tranh và đầu tư cho nghiên cứu.

Đây cũng là bài học có thể tham khảo trực tiếp cho các nhà hoạch định chính sách giáo dục ở Việt Nam.

Dạy khởi nghiệp trong trường Đại học ra sao?

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc phát triển chương trình giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là học phần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được đưa vào chương trình giảng dạy mà còn là hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp đi kèm.

Trường Đại học kiến nghị Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng về khởi nghiệp ảnh 3

Thưa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, em nên khởi nghiệp theo hướng nào ạ?

Nó còn bao gồm bối cảnh, trong đó văn hóa khởi nghiệp, môi trường giảng dạy nghiên cứu, phương pháp giảng dạy và các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (tư vấn huấn luyện, quỹ khởi nghiệp, các sự kiện kết nối,…).

Về học phần khởi nghiệp, tùy theo đặc thù và nhu cầu cụ thể của mỗi cơ sở giáo dục đại học, giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần được đưa vào theo các hình thức khác nhau, đó có thể là một môn học tự chọn hay bắt buộc.

Nội dung giảng dạy có thể theo những mô hình khác nhau tùy theo bối cảnh của địa phương, của cơ sở giáo dục đại học và mục tiêu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhà trường.

Nội dung của chương trình đào tạo khởi nghiệp cần được xây dựng trên cơ sở phân tích bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, bối cảnh của trường đại học, nguồn lực của trường đại học cũng như nguồn giảng viên giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cơ sở giáo dục này.

Khi bàn về giảng dạy khởi nghiệp, không thể không chú trọng đến vấn đề về giảng viên và phương pháp giảng dạy.

Thậm chí, có thể nói rằng đội ngũ giảng viên tham gia phát triển chương trình giáo dục khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp ở các trường.

Đội ngũ này nên là những giảng viên có ít nhiều kinh nghiệm nghiên cứu hoặc khởi nghiệp, tích cực tham gia và gắn bó với cộng đồng khởi nghiệp.

Bởi sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, môi trường kinh doanh, các giảng viên cần phải sống và liên hệ trực tiếp với cộng đồng khởi nghiệp ở địa phương, thường xuyên học hỏi và cập nhật kiến thức.

Bên cạnh việc giảng dạy, họ còn là hạt nhân chính trong các hoạt động tư vấn, huấn luyện cho các nhóm khởi nghiệp trong trường.

Trường Đại học kiến nghị Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng về khởi nghiệp ảnh 4

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên: Các em hãy học để trở thành người tự do

Như vậy, trường đại học cần có sự đầu tư thích đáng để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tham gia chương trình giáo dục khởi nghiệp sáng tạo.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm trong các trường đại học.

Bởi thực tiễn hiện nay, các trường đại học hầu như chỉ tập trung vào hoạt động giảng dạy, nhà trường dành phần lớn thời gian vào hoạt động tuyển sinh và đào tạo mà lĩnh vực nghiên cứu còn rất hạn chế.

Không thể có một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển trong một môi trường giáo dục thiếu hoạt động nghiên cứu thực chất.

Hoạt động này chính là nền tảng cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo. Nhà trường phải xây dựng một môi trường khuyến khích hoạt động nghiên cứu trong cả giảng viên và sinh viên và có hệ thống hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm.

Ở cấp độ vĩ mô hơn, cần phải thay đổi mô hình tài chính cho giáo dục, trong đó, nguồn thu từ học phí không phải là nguồn thu chính mà là nguồn thu từ các hoạt động đổi mới sáng tạo, các hoạt động tạo ra tri thức, giá trị cho cộng đồng.

TIẾN SĨ NGUYỄN THỊ MỸ HƯƠNG