Ngày 30/3/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường trung học phổ thông Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Thời tiết những ngày cuối xuân thường có nhiều thay đổi nhưng những thay đổi đó cũng không thể làm giảm được sự chú ý lắng nghe và những ánh mắt chăm chú dõi theo của thầy cô và học sinh trong buổi hội thảo.
Nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho buổi hội thảo và tạo không khí hào hứng đối với thầy cô và học sinh trong trường, các em học sinh của trường đã trình diễn những tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc để chào mừng.
Mở đầu buổi hội thảo là những tiết mục văn nghệ từ chính các em học sinh Trường trung học phổ thông Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Ảnh: Công Tiến. |
Buổi hội thảo được diễn ra với những chia sẻ chân thành và sâu sắc của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Thành viên Hội đồng giáo dục Quốc gia về việc khởi nghiệp và những câu chuyện về tấm gương vượt khó nhằm giúp các em học sinh nhận thức được những cơ hội và thách thức trong tương lai.
Với phong cách trình bày vui vẻ và khoa học, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã dẫn dắt người nghe đi từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng khác.
Với giọng nói to, rõ ràng và tràn đầy sự nhiệt huyết, thầy nói: “Tôi xin phép được đứng gần các em hơn, trông thấy các em tôi như nhớ lại hồi tôi còn trẻ” như truyền một thông điệp rằng ở đây không có khoảng cách, đơn giản chỉ là những chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước đối với các thế hệ tương lai của nước nhà.
Buổi hội thảo đã diễn ra hào hứng từ những giây phút đầu tiên khi thầy đặt câu hỏi: “Các em thân mến, các em đoán tôi bao nhiêu tuổi? Năm nay tôi đã 82 tuổi”.
Tất cả học sinh và thầy cô giáo trong buổi hội thảo đã nổ một tràng pháo tay giòn giã vì ngỡ ngàng trước sự trẻ trung và sức khỏe khiến nhiều người mơ ước của thầy.
Buổi hội thảo có mặt của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã nhận được sự đón chào nhiệt tình từ thầy cô giáo, học sinh Trường trung học phổ thông Hưng Đạo. Ảnh: Công Tiến |
Sau phần chia sẻ của thầy về bản thân và gia đình, quá trình kiên trì học tập của thầy cũng như những khó khăn thầy đã phải vượt qua, buổi hội thảo bắt đầu yên lặng có lẽ bởi vì sự ngưỡng mộ của các em học sinh đối với một người thầy mà chắc các em chỉ được biết qua màn ảnh nhỏ.
Thầy nói về những thiếu thốn của lứa thế hệ các thầy ngày xưa:
“Tôi nghĩ lại hồi ấy sao chúng tôi gian khổ tới mức ấy, không được ngồi dưới mặt trời như thế này, chúng tôi phải học ban đêm, đương nhiên là không có điện và không có cả đèn dầu.
Chúng tôi phải tự tạo ra những cái đèn từ thuốc đánh răng, hồi đó thuốc đánh răng hộp không giống như bây giờ…một tay che đèn, một tay viết, tôi hiểu rằng học cho mình không phải học cho bạn”.
Rồi thầy lại nói về cách học ngoại ngữ và thầy có đưa ra nhận định: Học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung rất quan trọng đối với tương lai mỗi chúng ta.
“Tôi đã đi 30 nước và tôi thấy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là quan trọng vô cùng. Lời khuyên của tôi dành cho các em là phải học ngoại ngữ.
Vậy cách học tiếng Anh như nào cho hiệu quả? Đầu tiên học từ tối thiểu. Các em cố gắng học 1.000 từ.
Thứ hai là học theo mẫu câu, tôi đã đến trường, tôi đến trường, tôi sẽ đến trường. Tập trung vào 3 thì đó là hiện tại, quá khứ và tương lai. Đó là cách học tiếng Anh để nói”.
Buổi hội thảo thu hút sự chú ý lắng nghe của hơn 1.000 thầy cô giáo, học sinh từ giây phút đầu tiên khi Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ. Ảnh: Công Tiến |
Với khoảng thời gian 3 tiếng đồng hồ quý báu của buổi hội thảo, thầy đã dành một khoảng thời gian hợp lý để nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới như thế nào và cho các em học sinh rất nhiều lời khuyên quý báu.
Trước khi nói về cuộc cách mạng 4.0, thầy có nêu khái quát và đầy đủ các thông tin, sự kiện liên quan về các thành tựu của các cuộc cách mạng trước đó mang lại.
Thầy nhấn mạnh về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc cách mạng này vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ của Việt Nam.
Trong tương lai, khi robot thay thế công việc của con người, nhiều lao động có nguy cơ bị thất nghiệp.
“Nếu các bạn không trang bị cho mình những hành trang tri thức các bạn cũng có nguy cơ bị thất nghiệp” - Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cảnh báo.
Do đó, thầy khuyên các em phải chăm chỉ học ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Rồi thầy nhấn mạnh: “Tương lai của thế hệ trẻ sẽ có rất nhiều cơ hội cũng như con đường dẫn tới thành công cho các bạn học sinh - những người chủ tương lai của đất nước, tôi mong các em tiếp cận công nghệ mới và không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên”.
Thầy nói đến cuộc cách mạng 4.0, thế nào là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Robot thế hệ mới, Công nghệ Nano và sự phát triển theo hàm số mũ của các ngành Tin học, Công nghệ sinh học, vật liệu mới, Công nghệ in 3D…
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức và cũng là cơ hội dành cho các em” |
Thầy nói cho các em nghe về những tấm gương có thật về sự kiên trì, vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng như tiếp thêm ngọn lửa hy vọng, hành trang tâm lý để bước vào đời một cách tràn đầy hy vọng.
Mở đầu là câu chuyện về Lê Thị Thắm, khi sinh ra không có hai tay nhưng đã vượt lên trong khó khăn đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa.
Sinh ra không có 2 tay nhưng Lê Thị Thắm lại viết chữ rất đẹp bằng chân, đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa viết đẹp, không dừng lại ở đó Lê Thị Thắm không chỉ viết chữ đẹp mà thêu thùa cũng rất đẹp.
Câu chuyện của Trần Hồng Giang ở Nam Định liệt cả tay lẫn chân nhưng có thu nhập cao hơn mọi thanh niên trong làng bằng biên tập sách cho các nhà xuất bản mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể đã gây xúc động lớn.
Chuyện kể về cuộc đời của anh nông dân Trịnh Xuân Mười (người Diễn Châu - Nghệ An) trình độ chưa hết cấp hai nhưng trở thành tỉ phú nhờ ý tưởng trồng cây Bơ thay thế cây muồng che bóng mát cho cây cà phê ở Tây Nguyên cũng mang đến cho học sinh thông điệp “có chí thì nên, đại học không phải là con đường duy nhất tới thành công, không được coi thường người nghèo”.
Tại buổi hội thảo thầy cũng dành tặng những cuốn sách quý về nhiều lĩnh vực do mình viết để gửi tặng các thầy cô đó là một điều rất chân quý đối với những thầy cô giáo nơi đây, như tiếp thêm một nguồn sinh khí mới, quyết tâm mới để bước vào tương lai.
Buổi hội thảo thêm phần thú vị với phần tương tác giữa Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng với các em học sinh.
Các em học sinh đã đặt rất nhiều câu hỏi về những băn khoăn lứa tuổi học đường, về những hành trang cần thiết của các bạn trẻ trước thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng 4.0 mang đến.
Em Ánh học sinh lớp 12B có chia sẻ: “Không chỉ riêng em mà rất nhiều các bạn học sinh lớp 12 chuẩn bị thi Đại học đều rất quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp và khởi nghiệp sau này.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói, học để thành người hạnh phúc và tự do |
Những băn khoăn này đã được thầy giải đáp và truyền thêm cảm hứng cho chúng em và em cảm thấy vô cùng thích thú với quan điểm học để trở thành người tự do”.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa mang đến cơ hội lại cũng hàm ẩn nhiều thách thức:
“Cách mạng công nghiệp trước hết mang đến thách thức đó là cơ hội việc làm khi hiện nay nhiều nơi đã sử dụng máy móc và các robot để thay thế con người làm việc.
Tuy nhiên cuộc cách mạng này cũng mang đến cho các em nhiều cơ hội.
Trước tiên các em sẽ có cơ hội trở thành những công dân toàn cầu. Bên cạnh đó việc học tập cũng như lao động sẽ thuận lợi hơn nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật”.
Cuối buổi hội thảo, thầy có đưa ra nhiều lời khuyên sâu sắc và bổ ích cho học sinh và đã truyền cảm hứng, lan tỏa cho học sinh cả trường bằng những câu hô vang của học sinh cả trường về những chân lý thầy khuyên:
“Có hai thứ phải tiết kiệm là: Một là sức khỏe, hai là lời hứa. Hai điều phải cho đi: Một là tri thức, hai là lòng tốt.
Hai điều phải thay đổi: Một là bản thân, hai là nhận thức.
Hai điều phải giữ gìn: Một là niềm tin, hai là nhân cách.
Hai điều phải trân trọng: Một là gia đình, hai là hiện tại.
Hai điều phải khắc ghi: Một là công ơn, hai là sự giúp đỡ.
Hai điều phải sẵn sàng: Một là khó khăn, hai là thử thách”.
Rồi thầy nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Để trở thành một công dân ưu tú trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 các em cần phải có cái đầu tiên đó là sức khỏe.
Thứ hai là vốn ngoại ngữ và thứ ba là công nghệ thông tin, chọn nghề phải dựa vào trí thông minh của mình…và phải luôn tự tin và kiên trì trước mọi khó khăn”.
Thầy Phạm Văn Thái - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hưng Đạo có lẵng hoa tươi thắm cám ơn Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng và ban tổ chức buổi hội thảo. Ảnh: Công Tiến. |
Thầy Phạm Văn Thái - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Hưng Đạo phát biểu suy nghĩ: “Buổi hội thảo đã đem đến cho thầy cô và học sinh nhà trường rất nhiều bài học bổ ích.
Cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp tổ chức buổi hội thảo vô cùng ý nghĩa và cần thiết, buổi hội thảo không những giúp các em học sinh của nhà trường được tiếp thu nhiều kiến thức sâu sắc mà nó còn giúp truyền cảm hứng cho các em về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Những điều Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ không chỉ có ích cho các em học sinh mà ngay cả những giáo viên chúng tôi cũng học được nhiều điều, đặc biệt là về mục đích của việc học cũng như hướng nghiệp cho các em học sinh”.
Được biết, bằng những cách thực hiện đúng đắn và đội ngũ Ban giám hiệu trẻ và tràn đầy nhiệt huyết, Trường trung học phổ thông Hưng Đạo những năm qua luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên và học sinh trên cơ sở tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy.
Sức mạnh tập thể ấy là động lực cơ bản để nhà trường không ngừng phát triển ngày càng toàn diện hơn.
Trong 20 năm, ngôi trường này đã có hàng nghìn học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, khu vực và quốc gia.
Đáp lễ sự đón tiếp nhiệt tình từ phía Ban giám hiệu nhà trường, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã dành những lời cảm ơn, những cái bắt tay đầy yêu quý, những chữ ký vào những cuốn sách mình viết như một lời cảm ơn đầy ý nghĩa tới thầy cô cùng các em học sinh Trường trung học phổ thông Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.