Tính trên toàn thế giới, mỗi ngày lại có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh.
Những nỗ lực toàn cầu để chống lại bệnh lao đã cứu sống khoảng 54 triệu người kể từ năm 2000 và giúp giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống còn 42%.
Tuy nhiên, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong do lao hàng năm trên toàn cầu.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Hà Nội (Ảnh: Hà Ngân/ Lao động Thủ đô). |
Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm nay là cơ hội cho tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ngành chức năng.
Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2019 – “It’s me!” – “Đã đến lúc hành động để chấm dứt bệnh lao”, nhấn mạnh vào sự cấp bách trong việc hành động, thực hiện các cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu nhằm:
- Mở rộng quy mô tiếp cận phòng ngừa và điều trị bệnh lao.
- Tiếp tục xây dựng trách nhiệm giải trình.
- Đảm bảo nguồn lực tài chính đầy đủ và bền vững bao gồm cả cho nghiên cứu.
- Chấm dứt sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, thúc đẩy hành động nhân quyền, lấy người bệnh làm trung tâm.
Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các cấp chính quyền, cộng đồng bị ảnh hưởng, các tổ chức xã hội dân sự, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các đối tượng trong nước và quốc tế cùng hành động theo biểu ngữ “Tìm kiếm, điều trị cho tất cả bệnh nhân Lao” để không ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới tính đến hết năm 2017.
Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông.
Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao của Việt Nam năm nay là: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”.
Chủ đề muốn nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao 1 năm, trong khi hiện nay hàng năm ước tính Việt Nam vẫn có 124.000 mắc lao mới.
Việt Nam được đánh giá là nước mở đường và mô hình thành công triển khai chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Chúng ta đã hội tụ gần đầy đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao năm 2030.
Thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao hiện nay là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030.
Vì vậy, cần thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương Đảng và Chiến lược Quốc gia của Chính phủ bằng các văn bản pháp quy.
Thách thức thứ hai cũng vô cùng quan trọng đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị lao, vượt qua mọi rào cản từ phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.
Vào ngày 23/3/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, sẽ diễn ra Sự kiện Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2019, sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống lao và phát động xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động Quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.