Nhiều trường có đơn xin dừng VNEN vì thiếu thốn cơ sở vật chất, sĩ số học sinh quá đông và sự phản ứng của một số phụ huynh.
Từ 20 trường giảm còn 10 trường
Cô Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng) cho biết, hiện ở bậc tiểu học có 10 trường đang thực hiện mô hình VNEN.
Từ chỗ có hơn 20 trường tiểu học áp dụng VNEN nay Đà Nẵng đã giảm xuống còn 10 trường. Ảnh: AN |
“VNEN được triển khai từ khối 2, 3, 4 và 5. Ngoài ra ở bậc Trung học cơ sở cũng có một trường áp dụng mô hình học này”, cô Bình cho hay.
Mô hình trường học mới được triển khai thí điểm đầu tiên tại trường tiểu học Hòa Phú (Hòa Vang) trong năm học 2012-2013.
Sau đó, đến năm học 2015-2016 thì nhân rộng ra 7 quận huyện trên toàn thành phố với 20 trường học theo mô hình VNEN.
Cụ thể, ở bậc tiểu học, tại quận Hải Châu có 4 trường học VNEN, quận Thanh Khê có 3 trường, quận Ngũ Hành Sơn có 3 trường, quận Liên Chiểu có 1 trường, quận Sơn Trà có 3 trường, quận Cẩm Lệ có 2 trường và huyện Hòa Vang cũng có 3 trường.
Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn kêu gọi dừng VNEN trên toàn quốc |
Trường trung học cơ sở Ông Ích Đường (Hòa Vang) cũng học theo mô hình VNEN.
Sang năm học 2016-2017, hai trường tiểu học Lê Quang Sung và Dũng Sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) xin dừng học chương trình VNEN.
Theo tìm hiểu, do sĩ số học sinh/lớp tại hai trường này khá đông. Trong khi cơ sở vật chất không đảm bảo nên học sinh và giáo viên không thể thực hiện theo mô hình VNEN.
“Sau khi hai trường này có đơn xin dừng VNEN, Sở đã đồng ý. Năm học này (2016-2017), sở chỉ còn 18 trường theo VNEN”, cô Bình cho hay.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đến năm học 207-2018, địa phương này chỉ còn 10 trường tiểu học và một trường trung học cơ sở theo mô hình VNEN.
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng giáo dục quận Hải Châu cho hay, là quận có nhiều trường tiểu học tham gia VNEN nhất nhưng qua gần 3 năm triển khai đã lộ ra những bất cập, hạn chế.
“Hiện các trường tiểu học Phan Thanh, Ông Ích Khiêm, Phù Đổng đã dừng dạy VNEN.
Chỉ còn trường tiểu học Bạch Đằng là vẫn duy trì mô hình này. Lý do là trường này có sĩ số ít, khoảng 30 học sinh/lớp, cơ sở vật chất tốt, giáo viên có kinh nghiệm dạy VNEN nhiều năm nên việc dạy học đảm bảo chất lượng”, bà Hà cho hay.
Vừa dạy vừa điều chỉnh tài liệu
Đánh giá về mặt được và chưa được của VNEN, cô Bình nói, qua những trường đã thực hiện mô hình trường học mới, các em phát triển được năng lực tự học, năng lực giao tiếp tốt hơn.
Cháy nhà ra mặt “phương pháp VNEN” |
Tuy nhiên, lý giải về việc số trường học áp dụng VNEN giảm dần qua các năm, cô Bình nêu lý do là số lượng học sinh/lớp quá đông, chất lượng học sinh không đồng đều nên nhiều trường phải ngừng mô hình này.
“Nếu đảm bảo theo chất lượng, yêu cầu của VNEN thì mỗi lớp không quá 35 học sinh. Ở trường tiểu học Hòa Phú chỉ có 19-20 em/lớp nên việc học diễn ra khá tốt. Ít học sinh thì giáo viên dễ quản lý, điều hành”.
Cũng theo cô Bình, đối với mô hình này, giáo viên không phải soạn giáo án như chương trình hiện hành nhưng sẽ rất vả để giám sát, điều hành, hỗ trợ các nhóm học sinh tự học.
“Đối với bậc tiểu học, nếu không triển khai VNEN quá nhiều thì sẽ có đầy đủ cơ sở vật chất, giáo viên đảm bảo thì sẽ hoạt động tốt hơn.
Do khi thực hiện có phần gấp gáp nên bộ tài liệu dành cho học sinh theo học mô hình VNEN còn gặp nhiều khiếm khuyết, hạn chế.
Trong tài liệu hướng dẫn học VNEN, một số hoạt động của học sinh chưa được hoàn thiện, gây khó khăn cho việc dạy và học”, cô Bình thông tin thêm.
“Đối với mô hình này, nếu giáo viên hiểu hết mô hình và tổ chức lớp tốt sẽ khơi gợi được học sinh phát huy những tiềm năng của mình. Còn những giáo viên bắt nhịp chậm thì việc thực hiện sẽ rất khó”.
Cô Bình cũng thừa nhận, tài liệu của VNEN đưa ra khá khô cứng nhưng giáo viên đã điều chỉnh, thay đổi. Nên hiện tài liệu của VNEN đã không còn như nguyên mẫu ban đầu.
“VNEN những năm sau này không còn như bản nguyên mẫu trước đây. Qua quá trình dạy – học, giáo viên đã gạn đục khơi trong, phát huy những lợi thế của mô hình VNEN mang đến”, cô Bình cho hay.