Giá dầu giảm mạnh không làm giảm tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

21/01/2015 15:36
Nguyễn Hường
(GDVN) - Bất chấp giá dầu giảm, Biển Đông vẫn sẽ là một điểm nóng về chính trị và an ninh của khu vực.

Bloomberg ngày 21/1 cho biết, việc dầu thô giảm giá mạnh trong những tháng gần đây đã khiến nhiều công ty từ bỏ các dự án khai thác dầu mỏ được xem là không khả thi so với mức giá hiện tại. Nó cũng gây ra sự chú ý đến các chi phí thăm dò dầu khí ở biển sâu trong tương lai.

Tuy nhiên Biển Đông nơi được cho là giàu trữ lượng dầu mỏ, vẫn sẽ là một điểm nóng về chính trị và an ninh của khu vực, thúc đẩy tăng chi tiêu quân sự ở các nước xung quanh.

Giàn khoan 981 Trung Quốc triển khai bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam hồi năm ngoái.
Giàn khoan 981 Trung Quốc triển khai bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam hồi năm ngoái.

"Tranh chấp ở Biển Đông không phải là cuộc chiến tranh giành năng lượng. Đây là một cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển và không có sự thỏa hiệp về yêu sách", Thời Ân Hoằng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh và là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc cho biết.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) đối với 3/4 diện tích Biển Đông, trong đó bao gồm các vùng biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei.

Trong một động thái làm gia tăng căng thẳng hồi năm ngoái, Trung Quốc đã điều giàn khoan 981 tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để tiến hành hạ đặt (bất hợp pháp). Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia ngoài khơi  Trung Quốc CNOOC, Vương Nghi Lâm khi đó đã tuyên bố, giàn khoan 981 là một "lãnh thổ di động và vũ khí chiến lược để thúc đẩy ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi" của Trung Quốc.

Philip Andrews-Speed, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Năng lượng ở Singapore cũng cho rằng lý do Trung Quốc đẩy giàn khoan 981 ra Biển Đông hồi năm ngoái là một hành động chính trị và sự sụt giảm của giá dầu sẽ không gây ảnh hưởng tới các kế hoạch thăm dò tiếp theo của Bắc Kinh ở khu vực này.

Bill Hayton - tác giả của cuốn "The South China Sea: The Struggle for Power in Asia" xuất bản hồi năm ngoái - tin rằng Trung Quốc sử dụng dầu mỏ như một cái cớ để đưa ra các tuyên bố về lãnh thổ và biện minh cho nó vì họ tin rằng Biển Đông có rất nhiều dầu.

Ngoài ra, gần 1/3 trữ lượng dầu thô toàn cầu được vận chuyển qua Biển Đông, tương đương với 14 triệu thùng mỗi ngày - Trung tâm Thông tin năng lượng Hoa Kỳ cho biết. Biển Đông còn có trữ lượng cá dồi dào, trong đó chiếm khoảng 10% tổng trữ lượng cá được đánh bắt trên toàn cầu hàng năm.

Theo các ước tính khác nhau, Biển Đông có thể đang dự trữ khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. Nhưng tiềm năng vẫn chưa được khai thác mạnh, trong bối cảnh các quốc gia ven Biển Đông hiện chỉ sản xuất 1,26 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo số liệu của năm 2011.

Trong khi đó, Trung Quốc đang "đói" năng lượng nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế và các nguồn dự trữ đang cạn kiệt.

Gordon Kwan, đại diện của công ty nghiên cứu dầu và khí đốt Nomura Holdings tại Hong Kong cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ không dại đổ tiền vào Biển Đông nếu thấy không có lợi gì.

Sự sụt giảm của giá dầu sẽ không ảnh hưởng tới các chương trình thăm dò dầu khí ở Biển Đông của Bắc Kinh, bởi họ tin rằng tình trạng hiện nay chỉ là ngắn hạn, ông nói./.

Nguyễn Hường