Khi gia súc “tham gia giao thông”
Không biết từ bao giờ, có một “luật bất thành văn” mà người đi đường buộc phải thực hiện đó là nhường “quyền ưu tiên” cho gia súc ngang nhiên đi giữa đường.
Hiện tượng trâu, bò lấn chiếm lòng đường không chỉ có ở tuyến đường liên huyện, liên xã mà ngay trên tuyến đại lộ, quốc lộ nơi có mật độ xe cơ giới lớn. Điều này khiến người tham gia giao thông gặp rất nhiều trở ngại.
Không dừng lại ở đó, trong nhiều trường hợp, trâu bò không có người trông coi bất ngờ sang đường hoặc chạy ra giữa đường đã khiến nhiều chủ phương tiện không kịp trở tay, mất tay lái, bị ngã xe hoặc đâm vào các đối tượng khác.
Ngoài ra, một số người đi đường cũng bị tai nạn trong tình huống bị trâu bò húc từ phía sau.
Việc chăn thả gia súc không chỉ xuất hiện trên các tuyến đường nông thôn - ảnh Báo Hòa Bình |
Ngoài ra khi thả rong trên đường gia súc này vô tư “xả bậy” xuống đường vừa ảnh hưởng đến người điều khiển xe máy vì phải né tránh, vừa ảnh hưởng đến vệ sinh phố phường.
Ngay trên địa bàn TP. Hà Nội không khó để bắt gặp đàn trâu, bò được thả rông đi lại trên tuyến đường quốc lộ như Quốc lộ 1A, đường Đại lộ Thăng Long.
Hiện tượng trâu bò lấn chiếm, đi thành từng đàn trên quốc lộ diễn ra dọc tuyến Quốc lộ 1A tại nhiều tỉnh miền Trung.
Thậm chí gia súc như trâu, bò, dê còn ngang nhiên ăn cỏ chạy qua lại tự do trên tuyến đường sắt.
Hiện tượng gia súc thả rong trên đường gây tai nạn giao thông không phải hiếm. Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Vinh (T.p Vinh, Nghệ An) một người từng gặp tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A do đâm phải trâu, bò.
Anh Vinh kể: “Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, tôi đang chạy xe máy về ngang qua địa bàn xã Diễn Trường thì đột nhiên có khoảng 4-5 con bò đuổi nhau chạy từ trên đường sắt xuống đường 1A và thúc vào xe, khiến tôi ngã lăn ra đường.
Trong khi tôi chưa kịp định thần ngồi dậy thì một chiếc xe tải chạy cùng chiều lao tới, nhưng rất may tài xế đã xử lý kịp, không thì…”.
Vụ tai nạn làm anh Vinh gãy tay, xe máy hư hỏng, nhất là các bộ phận bằng nhựa thì vỡ nát.
Ngay trên tuyến đường quốc lộ hiện tượng gia súc thả rong diễn ra gây mất an toàn giao thông - ảnh Báo Quảng Ninh |
Mới đây nhất ngày 23/7/2016 đoàn tàu SE3 chạy chiều Hà Nội đi TP.HCM, khi đến xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã cán chết 5 con bò xâm phạm hành lang đường sắt, gây thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Rất may vụ tai nạn không ảnh hưởng đến đoàn tàu và hành khách trên tàu.
Không có thống kê do tai nạn giao thông do trâu, bò gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế những vụ việc này đã xảy ra và trở thành nỗi lo của người tham gia giao thông. Bởi khi xảy ra tai nạn, thiệt thòi vẫn là người đi đường.
Nếu trâu bò húc phải người đi đường thì họ phải chịu hậu quả dù là gãy tay, gãy chân. Còn nếu trâu bò bị thương, chết thì như một "luật bất thành văn", chủ nhân của chúng lại xuất hiện để bắt đền.
Xử lý nghiêm chủ gia súc
Mặc dù pháp luật đã có quy định về việc người dẫn dắt súc vật khi đi trên đường bộ phải có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh đường phố nhưng thực trạng là các chủ vật nuôi không biết hoặc có biết cũng không tuân thủ gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản.
Theo Điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
Ở nhiều nơi, người dân còn thả gia súc ngay trên đường ray tàu hỏa, gây mất an toàn giao thông đường sắt - ảnh Báo Giao thông vận tải |
Nếu chủ sở hữu thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật đi trên đường không thực hiện đúng quy định nêu trên mà không may gây tai nạn cho người tham gia giao thông dẫn đến chết người thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người được quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người tham gia giao thông không tuân thủ đúng các quy định về giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả chết người thì trách nhiệm hình sự của người chăn thả gia súc chỉ được đặt ra khi họ cũng có lỗi đối với hậu quả đã xảy ra.
Trong trường hợp thả gia súc hoặc dẫn dắt súc vật ở trên đường gây tại nạn giao thông không gây hậu quả chết người nhưng gây thiệt hại về sức khỏe hoặc về tài sản thì chủ sở hữu gia súc, người dẫn dắt gia súc phải bồi thường.
Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2005 qui định: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Nâng cao nhận thức người dân khi dắt gia súc trên các tuyến đường để không cản trở giao thông và gây tai nạn đáng tiếc - ảnh Báo NLĐ. |
Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Như vậy, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng của chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người thứ ba khi họ có lỗi để súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho cá nhân hoặc các tổ chức khác.
Xuất phát từ việc gây thiệt hại của gia súc do tác động bới các yếu tố khác nhau và đa dạng mà việc xác định lỗi trong trường hợp này là rất khó và có thể không bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Về nguyên tắc, khi súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho các chủ thể dân sự thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật bị suy đoán có lỗi trong quản lý và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Việc suy đoán lỗi sẽ không áp dụng trong trường hợp, gia súc gây thiệt hại do lỗi hoàn toàn thuộc về người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật, người thứ ba hoặc của chính người bị thiệt hại.
Ngoài ra Nghị định 171/2013/ NĐ-CP, quy định mức xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ cũng đưa ra mức phạt từ 50.000 -100.000 đồng với hành vi chăn thả gia súc vi phạm luật an toàn giao thông.
Nhìn vào quy định của pháp luật nói trên có thể thấy hiện việc xử lý trách nhiệm chủ gia xúc thả rong trên đường không dễ.
Mặt khác, việc xử phạt hành chính về lĩnh vực này ở một số địa phương là rất khó khăn và hầu như các cơ quan chức năng cũng ít xử phạt trường hợp nào thả rong trâu bò trên đường.
Vì thế cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định xử lý nghiêm với chủ gia súc để thả rong trên đường. Đồng thời các ngành chức năng cần có những biện pháp linh động và cụ thể, như tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền tới từng hộ dân về vấn đề này.