Ngày Chủ Nhật tới, người dân Venezuela sẽ đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, mà chiến thắng được dự đoán sẽ thuộc về phe đối lập. Khi lực lượng cầm quyền không còn chi phối cơ quan lập pháp tại “đất nước của những hoa hậu” thì sẽ có nhiều bất ổn xảy ra. Và điều mà dư luận quan tâm là cách hành xử của Tổng thống Maduro sẽ như thế nào?
Nicolas Maduro – người đuổi hình bắt bóng
Có thể thấy rằng việc ông Maduro được chỉ định làm Quyền Tổng thống là chủ yếu dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa ông và cố Tổng thống Hugo Chavez, vì thực ra sinh thời ông Chavez chưa chỉ định ai kế nhiệm. Một phần vì ông còn trẻ và mặt khác ông tin rằng có thể chiến thắng bệnh tật để tiếp tục nắm quyền.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro – Ảnh: EPA |
Rồi ngay cả việc ông Maduro thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống sau đó cũng được xem là nhờ vào uy tín của cố Tổng thống Chavez với người dân Venezuela và ông Maduro được hưởng lợi thế do niềm tiếc thương của người dân dành cho vị Tổng thống tiền nhiệm.
Tuy nhiên, khi nắm quyền thì ông Maduro được cho là áp dụng gần như nguyên bản cả tư tưởng và chính sách của cố Tổng thống Chavez. “Ông Maduro được bầu làm người kế nhiệm ông Chavez, tuyên bố sẽ tiếp tục các chính sách xã hội chủ nghĩa lấy cảm hứng của ông Chavez.
Tuy nhiên, ông Maduro không có được sự kết nối kỳ diệu với những người ủng hộ như ông Chavez, và thậm chí cả sự may mắn nữa, khi trong những nhiệm kỳ Tổng thống của ông Chavez giá dầu thô rất cao”, theo The New York Times nhận xét ngày 4/12.
Ông Maduro bị xem là không đưa ra được những phương cách quản lý đất nước cho phù hợp với tình hình thực tế. “Nền kinh tế Venezuela phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất và xuất khầu dầu thô, trong khi bây giờ giá dầu đã giảm thê thảm, đưa đến một sự thâm hụt nghiêm trọng về ngân sách của đất nước.
Trong khi đó ông Maduro đã hăng hái áp dụng nhiều chính sách kinh tế mà ông Chávez để lại, chẳng hạn như kiểm soát chặt chẽ về giá và ngoại hối, và điều này theo các nhà kinh tế, đã làm cho mọi thứ lúc này trở nên tồi tệ hơn”, The New York Times viết.
Về chính trị, ông Maduro không có những thay đổi theo hướng cởi mở, để tạo sự đoàn kết xã hội. “Ông Chávez mở rộng đáng kể sức mạnh của nhánh hành pháp, loại bỏ sự kiểm soát và cân bằng của nhánh tư pháp và lập pháp. Ông đã chén ép một ngành tư pháp yếu ớt.
Còn Quốc hội chỉ hoạt động giống như đã được “đóng dấu sẵn” và hội đồng địa phương thì như được “đóng gói” với những người trung thành. Điều đó đã tiếp tục dưới thời ông Maduro”, The New York Times bình luận.
Cuối cùng, trong những cuộc vận động tranh cử, ông Maduro đã không tạo ra được cái riêng cho tầm lãnh đạo của mình mà vẫn phải dựa vào ảnh hưởng ông Chavez để xây dựng hình ảnh cho mình. Hôm Thứ Năm vừa rồi, ông đã lãnh đạo cuộc mít tinh cuối cùng của những người ủng hộ trên một đường phố ở trung tâm Caracas. Tuy nhiên, phản ứng từ đám đông thì nhiều nhưng cổ vũ thì chỉ có rải rác.
Theo The Telegraph, thì “do thiếu kỹ năng và uy tín như người tiền nhiệm, ông Maduro đã thất bại trong việc giữ vững sự đoàn kết trong nội bộ đảng cầm quyền. Các cuộc thăm dò mới nhất đặt MUD liên minh đối lập trên 57%, với chính phủ ở 37%”.
Còn The New York Times dẫn lời Jesús Omaña, 37 tuổi, một người dân Venezuela nói: "Tôi là một Chavista, nhưng Chávez không ở đây nữa, mà là anh chàng này – Maduro, nhưng họ không giống nhau".
Các phong trào Chavista mạnh mẽ trước đây, nay đã tỏ ra yếu đi rất nhiều bởi sự sụp đổ nền kinh tế đất nước và sự lãnh đạo không tốt của ông Maduro. Những cuộc mít tinh ủng hộ các ứng cử viên của Đảng Xã hội chủ nghĩa đã không còn là cuộc tụ họp nồng ấm như trong quá khứ, dưới thời ông Chavez.
Như vậy, với nền kinh tế chìm dưới sức nặng của lạm phát ba con số, ảnh hưởng của một cuộc suy thoái sâu, thiếu hụt hàng hóa thiết yếu, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của người dân, và phe đối lập xem đây là cơ hội tốt nhất cho mình để giành chiến thắng đa số tại cơ quan lập pháp Venezuela trong cuộc bầu cử sắp tới.
Liệu Nicolas Maduro có là một “Thein Sein thứ hai”?
Cuộc bầu cử ngày 8/11 vừa qua tại Myanmar đã đưa Tổng thống Thein Sein vào vị thế người hùng của đất nước Myanmar, khi ông đã quyết định đặt sang một bên quyền lợi cá nhân, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Ông Maduro và những người ủng hộ, ảnh: The New York Times. |
Và hình ảnh của ông Thein Sein được xem là hình mẫu, cách hành xử của ông được xem là bài học cho nhiều lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, trong đó có ông Maduro.
Vị thế của ông Maduro không khác gì nhiều so với ông Thein Sein, và cá nhân ông Thein Sein được người dân Myanmar mến mộ, nhưng họ không ủng hộ chính quyền của ông, trong khi với ông Maduro thì ngược lại. Vậy mà ông Thein Sein vẫn quyết định khơi dòng chảy thuận chiều cho lịch sử dân tộc, còn không biết ông Maduro sẽ lựa chọn ra sao?
Cuốc bầu cử chưa diễn ra và kết quả bầu cử vẫn chỉ là dự đoán, nhưng với những gì mà ông Maduro đã nói, đã thể hiện thì xem ra những hy vọng của người dân Venezuela về một sự thay đổi sâu rộng cho đất nước chắc còn lâu mới thành hiện thực.
The New York Times đưa tin: Trong chương trình truyền hình hàng tuần vào Thứ Ba 1/12, ông Maduro đã gọi khả năng của chiến thắng của phe đối lập là một "cơn ác mộng" và nói rằng: "Nếu chúng tôi để mất quyền lực trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật, thì cuộc sống trôi đi và cuộc chiến sẽ diễn ra. Một cuộc cách mạng diễn ra sẽ tìm thấy con đường mới và một nhân vật mới”.
Chưa biết con đường mới mà ông Maduro nói sẽ đi theo hướng nào, và nhân vật mới theo ông nói là ai, nhưng ông quả quyết: “Nếu chính phủ mất quyền kiểm soát, chúng tôi sẽ xuống đường để chiến đấu, để bảo vệ đất nước của chúng tôi".
Có một điều rất đặc biệt là ông Maduro luôn cho rằng trung thành với tổ quốc là trung thành với anh hùng dân tộc Hugo Chavez, trong khi những lý tưởng, những chính sách của ông Chavez không phải đều đúng, đều hợp lòng dân ngay cả khi ông đang nắm quyền và nay - khi ông đã là người thiên cổ.
Ông Maduro đã lên tiếng: “Chính phủ đã cảnh báo rằng nếu phe đối lập kiểm soát Quốc hội, nó sẽ tách bỏ các chương trình xã hội được tạo ra bởi cố Tổng thống Chavez”.
Ông Maduro thể hiện quyết tâm: "Nếu điều đó xảy ra, với Hiến pháp trong tay tôi, tôi tuyên bố bản thân mình sẽ đối mặt với cuộc nổi loạn nếu nó được phát động diễn ra trên đường phố. Tôi sẽ không bao giờ cho phép điều đó", theo The New York Times.
Và ông Maduro đã hành động khi: “Chiến dịch vận động tranh cử đã bị ảnh hưởng bởi bạo lực, đặc biệt là khi một nhà hoạt động đối lập tại địa phương, Luis Díaz, đã bị bắn chết trong một cuộc họp vào cuối tháng trước. Phe đối lập đổ lỗi cho chính phủ, họ chỉ trích cho rằng chính phủ đã liên kết với các băng nhóm vũ trang liên kết để đe dọa đối thủ chính trị”.
Đất nước Venezuel từ lâu đã có nhiều mâu thuẫn và hiện nay những mâu thuẫn ấy đã gây nên sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Hãy lắng nghe dư luận Venezuela về cuộc bầu cử sắp tới:
Jesús Omaña, 37 tuổi, một người dân Venezuela nói: "Thời gian như thế là đủ rồi. Chúng tôi cần một cái gì đó tốt hơn cho Venezuela.", còn Minathay Ferrer, 40 tuổi, một công chức thì bộc lộ quan điểm: "Tôi hoàn toàn ủng hộ chính phủ của chúng tôi và chúng tôi sẽ giành chiến thắng".
Miguel Pizarro, một ứng cử viên đối lập và những người ủng hộ khát khao đổi thay đất nước - Ảnh: The New York Times. |
Trong khi đó, Carlos Mendoza, 53 tuổi, một người dân Venezuela khác, đã cho biết: "Họ kêu gọi chúng tôi hãy cho họ một lần nữa, nhưng tôi nói với họ là không có cách nào, các anh không thể lấy lá phiếu của tôi một lần nữa. Chúng tôi đến từ đường phố, chúng tôi muốn thay đổi”.
Người dân và đất nước Myanmar may mắn có lãnh đạo đất nước là Tổng thống Thein Sein biết nuôi dưỡng nền dân chủ, nay nhân dân thế giới chờ mong người dân và đất nước Venezuela ở Tây bán cầu cũng có được may mắn như vậy, khi Tổng thống Maduro cũng xem đổi thay đất nước bằng việc tạo điều kiện cho sự tư do và đảm bảo cho nền dân chủ là con đường duy nhất đưa đến sự yên bình cho người dân và sự thanh bình cho đất nước.