Peter Marino, một nhà phân tích chính trị quốc tế chuyên nghiên cứu về Đông Bắc Á và kinh tế chính trị quốc tế ngày 4/12 bình luận, Việt Nam đang trở thành "chiến trường tiếp theo" trong cuộc đua tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo ông, các cuộc tranh giành quyền lực thường diễn ra trong các xung đột ủy nhiệm nóng hoặc lạnh.
Hình minh họa cạnh tranh ảnh hưởng địa chiến lược trên thế giới giữa hai siêu cường Hoa Kỳ, Trung Quốc, ảnh: Wikispaces.com |
Hoạt động tranh giành ảnh hưởng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày nay cũng như vậy, không có gì khác. Gần đây những hoạt động cạnh tranh giữa 2 cường quốc thế giới này đã bắt đầu diễn ra ở Ấn Độ, Mỹ La-tinh và nổi bật nhất là trong khu vực Đông Nam Á, một ngã tư thương mại toàn cầu và là điểm tập trung quan trọng của an ninh hàng hải.
Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có lợi ích đáng kể và đa dạng trong khu vực. Sự chú ý của hai cường quốc này đang tập trung trở lại Việt Nam với âm hưởng kỳ lạ của cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang nỗ lực để thúc đẩy lợi ích của mình trong khu vực.
Quan hệ Việt - Trung
Việt Nam là một đối tác thương mại ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 dự kiến có thể vượt 60 tỉ USD. Trong khi sản xuất công nghiệp nhẹ ở Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh do tăng tiền lương, Việt Nam cung cấp cơ hội đầu tư và vị trí liền kề để các doanh nghiệp di dời nhà máy từ Trung Quốc sang.
Thông qua việc cung cấp các gói đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại và hợp tác kỹ thuật không tốn kém, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong "sáng kiến" Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21, một phần của chiến lược Một vành đai, một con đường mà ông Tập Cận Bình đưa ra nhằm kết nối cơ sở hạ tầng liên kết lục địa châu Á với tuyến đường thương mại hướng tới Trung Quốc.
Nhưng muốn chiến lược này hoạt động, quan hệ giữa hai nước phải được cải thiện. Căng thẳng và mất lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tồn tại hàng thế kỷ với các giai đoạn khác nhau bị đô hộ khiến người Việt Nam luôn cảnh giác chống lại nguy cơ Bắc thuộc. Gần nhất là cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979 và Việt Nam đã thắng.
Đầu tháng 10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch nước Trung Quốc trong một thập kỷ. Đây là nỗ lực của phía Bắc Kinh để nhấn mạnh những "thành công" thương mại trong mối quan hệ song phơng và thúc đẩy nó để giúp quan hệ Việt - Trung vượt qua những căng thẳng bởi những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là sau vụ hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 năm ngoái.
Cách tiếp cận này là một trong những chiến thuật đối phó ngoại giao Bắc Kinh ưa dùng trong những năm gần đây, giảm nhẹ những căng thẳng chính trị bằng việc giữ sự tập trung vào xúc tiến thương mại và những thành công trong lĩnh vực đó.
Học giả Peter Marino, ảnh: Globalogues. |
Quan hệ Việt - Mỹ
Sự phát triển trong quan hệ Việt - Mỹ trong vài năm gần đây cho thấy trong trường hợp cụ thể này, chiến lược sử dụng đòn bẩy thương mại và tài chính của Trung Quốc có thể không đủ. Việt Nam và Hoa Kỳ đã xích lại gần nhau hơn trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại và đầu tư đến hợp tác an ninh quốc phòng.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ tuy khối lượng không bằng quan hệ với Trung Quốc, nhưng mang lại 35 tỉ USD mỗi năm và đang tiếp tục gia tăng. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, đặc biệt là ngành công nghiệp may mặc.
Quan trọng hơn là Việt Nam có thặng dư thương mại trong quan hệ với Hoa Kỳ. Trong khi đó sự thâm hụt thương mại trong quan hệ với Trung Quốc lại là một thực tế các nhà lãnh đạo Việt Nam không đánh giá cao và họ đang mong muốn mở rộng quan hệ sản xuất, cung cấp đầu ra thoát nghèo cho hàng triệu người dân.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó không bao gồm Trung Quốc. Việt Nam đã ký hiệp định này mặc dù phải tuân thủ những chính sách nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là liên quan đến các tiêu chuẩn về lao động.
Điều này báo hiệu một sự sẵn sàng của Việt Nam chấp nhận bỏ qua một số lợi thế thương mại trước mắt về nguồn lao động rẻ để có được những lợi ích lâu dài trong mối quan hệ kinh tế tổng thể gần gũi hơn với Hoa Kỳ và các nước khác trong TPP. Điều này có thể giúp Việt Nam cân bằng ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc.
Dù sao trong thời điểm này, lợi ích của Hoa Kỳ và Việt Nam trùng nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã thăm Việt Nam một lần trong năm nay và sẽ quay trở lại trong chuyến công du châu Á tiếp theo. Tháng 7 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức lịch sử đầu tiên đến Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama.
Peter Marino tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi ích chung trong việc chống lại các hành vi bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông và hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp quốc tế ở Biển Đông mà Hoa Kỳ tiến hành nhận được sự chào đón thầm lặng từ Hà Nội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. |
Tổng thống Obama ban đầu đã dự kiến thăm Việt Nam trong thời gian đi dự hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 tại Philippines, nhưng vì tình hình thay đổi khi nổ ra cuộc tấn công khủng bố đẫm máu vào Paris, ông Obama phải cắt ngắn hành trình trở lại Washington để tập trung vào Trung Đông.
Kết luận của Peter Marino và vài lời bình luận
Peter Marino tin rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục cạnh tranh ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Và vị trí địa chính trị quan trọng của mình trong khu vực cho thấy Việt Nam sẽ vẫn là trọng tâm của các hoạt động tranh giành ảnh hưởng địa chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Nhưng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ dù làm gì cũng nên nhớ rằng, trong lịch sử của mình người Việt Nam luôn ghi nhớ nằm lòng không gì bằng độc lập tự chủ, trong khi bị các cường quốc cám dỗ và thúc đẩy. Quan trọng hơn cả, từ năm 1965 đến năm 1979, Việt Nam đã phải chiến đấu với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, và Việt Nam chiến thắng cả hai.
Bình luận của Peter Marino phản ánh những gì đã và đang diễn ra trong quan hệ quốc tế giữa hai siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Bản thân ông đánh giá rất cao tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Trước sự cạnh tranh ảnh hưởng, lôi kéo của các cường quốc, việc duy trì tinh thần độc lập tự chủ kết hợp khai thác tối đa các xu thế quan hệ quốc tế có lợi cho Việt Nam là việc rất quan trọng. Đồng thời, việc xử lý sao cho đúng đắn mối quan hệ khó khăn, phức tạp và nhạy cảm với các cường quốc mà đặc biệt là Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng lớn tới tiền đồ của dân tộc Việt Nam và hòa bình, ổn định trong khu vực.
Muốn được như vậy, tinh thân độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải được mỗi người Việt coi như phương châm sống của mình. Trong một lần trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nhã, ông có nói hai điều người viết rất tâm đắc. Một là, Việt Nam muốn bảo vệ được chủ quyền biển đảo thì phải trở thành cường quốc về biển.
Hai là, đất nước Việt Nam muốn phát triển cường thịnh thì thanh niên, thế hệ trẻ của Việt Nam phải học được cách yêu nước của thanh niên Nhật Bản và học được tinh thần sáng tạo của thanh niên Do Thái. Được như vậy, những nguy cơ, rủi ro trong cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc đối với Việt Nam có thể sẽ được hóa giải, thậm chí còn có thể biến thành cơ hội để đất nước này, dân tộc này vươn lên phát triển mạnh mẽ.