Giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong lĩnh vực STEM

10/12/2024 16:15
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Diễn đàn đề xuất các giải pháp để thu hẹp khoảng cách cản trở sự tham gia của phụ nữ, trẻ em gái trong giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sáng ngày 10/12/2024, diễn đàn “Tương lai số: Phụ nữ và trẻ em Việt Nam trong STEM” đã
diễn ra tại Hà Nội với sự chủ trì của UN WOMEN (Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ), cùng với sự phối hợp của Mạng lưới đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đại học, cao đẳng Việt Nam (VNEI), Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Bách khoa Hà Nội (BH Holdings) tổ chức.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Lê Huy Nam – Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Trần Đạo Hạnh – Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Bộ Khoa học Công nghệ; Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam; Bà Vũ Thu Hồng - đại diện của UN Women Việt Nam; Ông Phạm Tuấn Hiệp – Quỹ BKFund 4....cùng đông đảo đại biểu từ các cơ sở giáo dục, đơn vị quan tâm.

Diễn đàn cũng có sự tham gia của đại diện đại sứ quán các nước Thụy điển, Canada, Anh, và đại diện các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp; các trường đại học, cao đẳng và đối tác doanh nghiệp cùng các bạn học sinh, sinh viên.

Diễn đàn “Tương lai số: Phụ nữ và trẻ em Việt Nam trong STEM”
Diễn đàn “Tương lai số: Phụ nữ và trẻ em Việt Nam trong STEM”

Phát biểu khai mạc tại chương trình, bà Vũ Thu Hồng - đại diện của UN Women Việt Nam cho biết, trong 30 năm qua kể từ khi thông qua Chương trình nghị sự trao quyền cho phụ nữ – Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, sự phát triển của công nghệ số đã bao trùm hầu hết mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội, bao gồm hệ thống quản trị, truyền thông, sản xuất, tiêu dùng và cơ cấu thị trường cũng như "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Công nghiệp 4.0" với sự phát triển của Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, robot, điện thoại thông minh, internet di động...

Bên cạnh đó, chương trình Chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã được triển khai, tập trung vào phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Cũng theo đại diện của UN Women Việt Nam, năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 50.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và đóng góp khoảng 0,5% vào GDP. Sau hơn 20 năm, nguồn nhân lực này đã vượt quá 1 triệu người và đóng góp tới 14,3% GDP.

Theo dự báo, đến năm 2030, đất nước cần 2,5 triệu nhân lực để phục vụ chuyển đổi số, do đó việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực ICT là rất cấp thiết. Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đáng kể cả về số lượng và chất lượng nhân lực cho các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

Bà Vũ Thu Hồng - đại diện của UN Women Việt Nam
Bà Vũ Thu Hồng - đại diện của UN Women Việt Nam

Các lĩnh vực STEM đang định hình tương lai của công việc và sự tiến bộ của con người, đặc biệt là tại thời điểm chuyển đổi số và công nghiệp hóa dựa trên trí tuệ nhân tạo này. Tuy nhiên, trên toàn cầu và tại Việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa được đại diện đầy đủ trong các lĩnh vực quan trọng này.

Sự chênh lệch giới tính này phản ánh những thách thức mang tính hệ thống rộng lớn hơn từ những định kiến ​​ngăn cản trẻ em gái theo đuổi giáo dục STEM đến những rào cản về mặt cấu trúc hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động công nghệ. Khi Việt Nam đặt mục tiêu phát triển chính phủ, nền kinh tế và xã hội số, nhu cầu thu hẹp khoảng cách này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Chúng tôi mong rằng diễn đàn này sẽ cùng chia sẻ hiểu các rào cản và thách thức, và nhận ra các cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái trong các ngành công nghiệp và giáo dục dựa trên STEM.

Đây cũng là cơ hội để cùng khám phá ra những sáng kiến ​​và đổi mới để vượt qua những trở ngại này. Cùng nhau hành động, chúng ta có thể hướng tới mục tiêu xây dựng "hành trình cao tốc" trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để theo kịp các lĩnh vực STEM đang phát triển nhanh chóng”, đại diện của UN Women Việt Nam chia sẻ.

Một sáng kiến của UN Women được triển khai từ tháng 9/2024 đến 12/29024 đã trở thành 1 bước khởi đầu quan trọng trong hành trình thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về bức tranh toàn cảnh mà nghiên cứu đã mang lại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – tư vấn trưởng của dự án đã có phần báo cáo tại diễn đàn.

Báo cáo chỉ rõ nhu cầu nhân lực STEM tại Việt Nam cũng như lao động nữ tại Việt Nam. Đồng thời nêu những cơ hội và thách thức trong giáo dục, việc làm của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam khi tham gia các ngành STEM. Từ đó đưa ra đề xuất, giải pháp và sáng kiến cải thiện nhằm thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tham gia, đạt thành công trong các ngành STEM.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – tư vấn trưởng của dự án báo cáo tại diễn đàn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – tư vấn trưởng của dự án báo cáo tại diễn đàn.

Báo cáo đề xuất sáng kiến chung được gọi là “Nền tảng STEM Việt Nam 2023” để tạo ra một hệ sinh thái giáo dục và việc làm STEM toàn diện, nơi phụ nữ và trẻ em gái có thể tiếp cận cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực STEM.

Về đề xuất liên quan đến doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, cùng đầu tư và tài trợ học bổng, thiết bị học tập, hoặc chương trình đào tạo STEM cho nữ sinh; Thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp: Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hỗ trợ phụ nữ thăng tiến trong STEM; Kết nối với giáo dục: Phối hợp với trường học để tổ chức các chương trình, thực tập hoặc hướng nghiệp.

Về đề xuất liên quan đến trường học và các tổ chức giáo dục, thiết kế chương trình học tích hợp STEM vào chương trình giáo dục từ tiểu học đến đại học; Hỗ trợ sinh viên nữ tạo các câu lạc bộ STEM dành riêng cho nữ sinh để thúc đẩy sự tự tin và sáng tạo hay phát triển các chương trình thực hành và trải nghiệm thực tế cùng doanh nghiệp.

Cuối cùng, về cộng đồng và gia đình, cần nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến giới về STEM qua các chiến dịch truyền thông; Hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện để nữ giới tham gia các hoạt động STEM.

3e3babb0-328f-424d-8605-ac06e1acee9f.jpg
Quang cảnh phiên tọa đàm.

Tại sự kiện cũng tổ chức phiên tọa đàm về “Thực trạng phụ nữ và trẻ em gái trong STEM: Cơ hội thách thức, rào cản của các kết nối với những nhu cầu và nguồn lực hỗ trợ” với sự tham gia đại diện đến từ nhiều bên liên quan để cùng làm rõ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển sự nghiệp của phụ nữ trong các ngành STEM đồng thời triển khai những hoạt động nhằm xây dựng những giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong các ngành STEM.

Phiên tọa đàm không chỉ mang đến những góc nhìn, cơ hội, thách thức của phụ nữ và trẻ em gái trong STEM mà qua đó để nhìn nhận rõ hơn về những rào cản được tháo gỡ nhằm khám phá những sáng kiến quan trọng nhằm kết nối với các nhu cầu và nguồn lực khác.

Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam.
Bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam.

Phát biểu cuối chương trình, bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam chia sẻ, việc phụ nữ tham gia vào STEM sẽ góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ hơn. Đồng thời, khi cả xã hội đều chung tay hỗ trợ sẽ tìm ra được một giải pháp tốt nhất nhằm giúp cho phụ nữ và trẻ em gái cùng tham gia, hiểu rõ hơn trong quá trình chuyển đổi số của VIệt Nam.

Thu Trang