Giám đốc Học viện Tòa án lý giải về biến động trình độ, cơ cấu giảng viên

31/10/2023 06:36
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nguyên nhân của sự biến động về số lượng thạc sĩ giảm do các GV đã đạt trình độ tiến sĩ, số khác đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác” - Giám đốc HV Tòa án lý giải.

Nguyên nhân biến động cơ cấu giảng viên

Học viện Tòa án (Vietnam Court Academy) có địa chỉ tại đường 282, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Học viện Tòa án có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Tòa án; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp, nhu cầu phát tiển và hội nhập quốc tế sâu sắc của đất nước.

Hiện tại, Tiến sĩ Nguyễn Trí Tuệ - Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao làm Chủ tịch Hội đồng Học viện Tòa án.

Ban Giám đốc Học viện gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên - Giám đốc; và 4 Phó giám đốc (Tiến sĩ Nguyễn Minh Sử; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Tuyết Miên; Tiến sĩ Lê Hữu Du; Thạc sĩ Phạm Như Hưng).

Giảng viên cơ hữu, theo thống kê trong Đề án tuyển sinh năm 2020, có tất cả 49 giảng viên. Trong đó, 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, 37 thạc sĩ, 5 giảng viên trình độ đại học. Học viện có thêm 22 giảng viên thỉnh giảng trong năm học này.

Từ đề án tuyển sinh qua các năm 2020, 2021, 2022, đều cho thấy Học viện Tòa án “trắng” giáo sư.

Đến năm 2023, Đề án tuyển sinh không đề cập đến thông tin về cơ cấu giảng viên.

Thống kê cơ cấu giảng viên Học viện Tòa án theo Đề án tuyển sinh trên website.
Thống kê cơ cấu giảng viên Học viện Tòa án theo Đề án tuyển sinh trên website.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về biến động nhân sự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên - Giám đốc Học viện Tòa án đã thông tin về nội dung này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên - Giám đốc Học viện Tòa án. Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên - Giám đốc Học viện Tòa án. Ảnh: website trường.

Cụ thể, về giảng viên cơ hữu, số lượng giảng viên cơ hữu của Học viện Tòa án kê khai trong đề án tuyển sinh (được tính đến ngày 31/12 trước năm tuyển sinh) qua các năm như sau:

Năm 2020, có 49 giảng viên (trong đó: 01 phó giáo sư, tiến sĩ; 06 tiến sĩ; 37 thạc sĩ; 05 cử nhân).

Năm 2021, có 40 giảng viên (giảm 09 giảng viên do 02 giảng viên chuyển công tác và 07 giảng viên chuyển sang chuyên viên; Trong đó: 01 phó giáo sư, tiến sĩ; 07 tiến sĩ; 32 thạc sĩ)

Năm 2022, có 41 giảng viên (tăng 01 giảng viên; Trong đó: 02 phó giáo sư, tiến sĩ; 06 tiến sĩ; 30 thạc sĩ; 03 cử nhân).

Năm 2023, có 45 giảng viên (tăng 04 giảng viên; trong đó 02 phó giáo sư, tiến sĩ; 09 tiến sĩ; 30 thạc sĩ; 04 cử nhân).

“Nguyên nhân của sự biến động về số lượng thạc sĩ giảm do các giảng viên đã đạt trình độ tiến sĩ, số khác đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

Tuy nhiên, theo quy định và tính đến thời điểm hiện tại, với số lượng và trình độ của giảng viên của Học viện Tòa án hiện nay đáp ứng tốt với quy mô đào tạo tại Học viện. Cụ thể theo quy đổi, số lượng sinh viên Học viện Tòa án có thể đào tạo là 1.380 sinh viên” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên lý giải.

Về việc không có giáo sư có ảnh hưởng gì tới chất lượng đào tạo và nghiên cứu của Học viện, vị Giám đốc cho hay: “Trong các năm qua, số lượng giảng viên có trình độ phó giáo sư - tiến sĩ đã có sự tăng lên; điều đó thể hiện Học viện rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ của giảng viên để đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện nay, Học viện Tòa án chỉ đào tạo trình độ cử nhân, với 01 ngành (ngành Luật). Hiện, Học viện đang có 5 nghiên cứu sinh và có một nghiên cứu sinh bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp trường vào ngày 31/10/2023”.

Về đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, hiện nay, Học viện Tòa án thực hiện chức năng đào tạo đại học và đào tạo các chức danh tư pháp trong hệ thống Tòa án.

Đối với đào tạo các chức danh tư pháp, Học viện luôn luôn mời các giảng viên là thẩm phán có trình độ từ thạc sĩ trở lên và có kinh nghiệm xét xử trong hệ thống Tòa án giảng dạy.

Đối với đào tạo đại học, ngoài giảng viên cơ hữu, Học viện cũng mời giảng viên tại một số trường đại học khác và các giảng viên là các thẩm phán; việc mời thêm giảng viên để bảo đảm giao lưu chuyên môn và bảo đảm tính thực tiễn trong quá trình đào tạo đại học.

5 phương án thu hút và giữ chân giảng viên trình độ cao

Chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, Giám đốc Học viện Tòa án cho biết: “Chiến lược phát triển Học viện Tòa án đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, phấn đấu đến năm 2030 Học viện Tòa án có Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở.

Chiến lược cũng xác định rõ nhóm các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên cơ hữu thông qua các chính sách về đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và chế độ đãi ngộ”.

Kế hoạch thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ cao được Giám đốc Học viện Tòa án chia sẻ gồm: Một là, thực hiện chế độ thanh toán vượt giờ giảng đối với giảng viên cơ hữu: theo quy chế giảng viên và quy chế chi tiêu nội bộ của Học viện.

Hai là, thực hiện chế độ khen thưởng đối với giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học: theo quy chế giảng viên; quy chế về nghiên cứu khoa học và quy chế chi tiêu nội bộ.

Ba là, thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng: Hằng năm, Học viện Tòa án đều thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao và quy chế của học viện. Riêng năm 2023, Học viện Tòa án đã xây dựng kế hoạch, tiến hành thủ tục cử cán bộ, giảng viên đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn như: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên (đối với 37 giảng viên), trung cấp lý luận chính trị (đối với 05 đồng chí), cao cấp lý luận chính trị (đối với 02 đồng chí), bồi dưỡng chuyên sâu về ngoại ngữ và pháp luật hội nhập quốc tế,…

Bốn là, thực hiện chế độ kéo dài tuổi nghỉ hưu theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 02/8/2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập: Năm 2023, Học viện Tòa án có 01 giảng viên trình độ phó giáo sư, tiến sĩ được cơ quan có thẩm quyền quyết định kéo dài thời gian công tác thêm 05 năm.

Năm là, tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp thủ khoa, á khoa qua các năm: Năm 2022, Học viện đã tuyển dụng 01 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa và 01 sinh viên tốt nghiệp á khoa; năm 2023, Học viện đã tuyển dụng 01 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa”.

Học viện Tòa án. Ảnh: Mộc Trà.

Học viện Tòa án. Ảnh: Mộc Trà.

Năm 2023, đội ngũ được kê khai trên phần mềm Hemis

Về việc Đề án tuyển sinh năm 2023 không thống kê cơ cấu giảng viên cụ thể, Giám đốc Phạm Minh Tuyên lý giải: “Đề án tuyển sinh đại học năm 2023 của Học viện Tòa án được xây dựng theo quy định tại Phụ lục III, Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/06/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.

Năm 2023, việc kê khai đội ngũ giảng viên của cơ sở đào tạo được kê khai trên phần mềm của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học Hemis theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, trên website Học viện Tòa án, không đăng tải báo cáo ba công khai.

Về thắc mắc liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Học viện Tòa án chia sẻ: “Học viện đều thực hiện báo cáo dữ liệu thống kê trên hệ thống chung theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các thông tin cần công khai và các hoạt động của Học viện đều được đăng tải trên trên website của Học viện.

Ví dụ: Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Học viện, thì các thông tin được cung cấp trong Đề án tuyển sinh được lập theo các biểu mẫu của Thông tư 08/2022 ngày 06/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học; thông tin thu học phí và các khoản đối với sinh viên đều đăng thông báo và số tiền cụ thể mà sinh viên nộp…

Có thể thấy, các thông tin cần công khai đã được công bố đầy đủ trên website của Học viện Tòa án”.

Mộc Trà