Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, toàn bộ diện tích, dân số của thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang được sắp xếp thành thành phố mới có tên gọi thành phố Cần Thơ.
Sau khi sắp xếp, thành phố Cần Thơ có diện tích tự nhiên 6.360,83 km², quy mô dân số là 4.199.824 người, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc là 103 xã, phường (31 phường, 72 xã). Thành phố Cần Thơ sau khi hợp nhất giáp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Long và Biển Đông.
Chiều 2/7, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức hội nghị công bố các quyết định, nghị quyết về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đó, bà Trần Thị Huyền được phân công phụ trách, điều hành Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ (mới) cho đến khi kiện toàn chức danh giám đốc. Đầu năm 2025, bà Trần Thị Huyền giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang (cũ), sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang (cũ).

Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giáo dục sau sáp nhập
Việc sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về địa giới hành chính mà còn đặt ra những yêu cầu mới trong việc tổ chức, điều hành và phát triển nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục.
Trước sáp nhập, thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang đều đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong xây dựng và phát triển giáo dục, là nền tảng thuận lợi để tiếp tục nâng cao chất lượng trong giai đoạn mới sau hợp nhất.
Tại thành phố Cần Thơ (cũ), tính đến tháng 5/2025, toàn thành phố có 449 trường học, trong đó 358 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 79,73%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì ổn định, 9/9 quận, huyện tiếp tục giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục các cấp học ở mức độ cao.
Phong trào thi đua trong ngành tiếp tục được tổ chức hiệu quả, thiết thực. Các hoạt động nổi bật như Ngày hội STEM, Hội thi tay nghề thành phố, Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII; Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc; các cuộc thi sáng tạo dành cho học sinh, giáo viên, các hoạt động thể thao học đường,… được tổ chức chu đáo, có chiều sâu, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành.
Các mô hình như “Trường học hạnh phúc”, “Học sinh thân thiện - không ma túy - không bạo lực học đường” tiếp tục được duy trì ở 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, góp phần xây dựng môi trường học đường nhân văn, tích cực.
Chuyển đổi số được xác định là khâu đột phá chiến lược trong phát triển giáo dục. Ngành đã vận hành hiệu quả Trung tâm điều hành giáo dục thông minh; triển khai đồng bộ học bạ điện tử, thư viện số, số hóa sổ gốc cấp văn bằng – chứng chỉ. Các phần mềm quản lý giáo dục được cập nhật dữ liệu liên tục, phục vụ công tác chỉ đạo – điều hành chính xác, kịp thời. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giáo dục STEM, kỹ năng số, công dân số cho đội ngũ giáo viên và học sinh.
Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Học sinh thành phố đạt 46 giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2024–2025 (tăng 16 giải so với năm học trước), đạt nhiều thành tích tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi Olympic, thi tiếng Anh,... [1]

Cùng với đó, sau 5 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lĩnh vực giáo dục đào tạo của thành phố đã đạt được những thành tựu quan trọng: Cần Thơ luôn dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về kết quả thi học giỏi quốc gia, quốc tế cũng như thi tốt nghiệp trung học phổ thông; mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố được rà soát, sắp xếp ngày càng tinh gọn, hợp lý; hệ thống giáo dục và đào tạo từ tiểu học đến trung học phổ thông ngày càng được hoàn chỉnh; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được chuẩn hóa và hiện đại.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra, đánh giá và công nhận thành phố Cần Thơ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Tỷ lệ giáo viên giảng dạy từng cấp học đạt chuẩn về trình độ đào tạo cao khá cao, đa số đều có ý thức tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý và các hoạt động giáo dục. Công tác đổi mới quản lý giáo dục được đẩy mạnh, các chính sách hỗ trợ giáo dục đối với gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo được thực hiện tốt. [2]
Về phía tỉnh Hậu Giang (cũ), mạng lưới trường lớp được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, hiệu quả; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh có 311 trường từ mầm non đến trung học phổ thông, trong đó tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là hơn 84% (tăng 81% so với năm 2004), cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, là đơn vị đầu tiên của vùng đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 vào năm 2018; phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt mức độ 2 vào năm 2022.
Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, với 96,57%. Toàn tỉnh có 138 nhà giáo ưu tú, hàng năm đều có nhà giáo được vinh danh “Nhà giáo tiêu biểu”, “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” toàn quốc.
Chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp cao nhất trong 20 năm qua với hơn 99,5% (cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước). Phong trào thi đua ứng dụng nghiên cứu khoa học mang về cho tỉnh nhiều giải thưởng ở các cuộc thi mang tầm quốc gia, quốc tế.
Hậu Giang là một trong 19 tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện in ấn, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương các bậc học.
Trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, phòng học tin học, ngoại ngữ các cấp học, với tổng kinh phí hơn 375 tỷ đồng.
100% cơ sở giáo dục đã triển khai và sử dụng có hiệu quả phần mềm SMAS với các mô đun quản lý học sinh, quản lý đội ngũ, xếp thời khóa biểu... 100% trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã triển khai sử dụng hồ sơ điện tử bao gồm: sổ điểm, sổ liên lạc và học bạ số cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phục vụ công tác quản lý và lưu trữ.
Hậu Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một trong 10 tỉnh, thành phố trên cả nước có cơ sở dữ liệu chất lượng trong thí điểm triển khai học bạ số.
Công tác xã hội hóa giáo dục được tỉnh đặc biệt quan tâm, trong 20 năm từ khi thành lập tỉnh đã vận động được hơn 531 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp học.

Về tình hình đội ngũ giáo viên tại tỉnh Hậu Giang, đội ngũ giáo viên các cấp học cơ bản được bố trí đáp ứng yêu cầu dạy học, có trình độ, có tinh thần trách nhiệm cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý, đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, đội ngũ giáo viên luôn nghiên cứu, đúc kết rút kinh nghiệm trong thực hiện đổi mới sáng tạo trong dạy và học; học tập để nâng cao năng lực phát triển nghề nghiệp. [3]
Tại tỉnh Sóc Trăng (cũ), năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh có 475 trường (458 trường công lập, 17 trường ngoài công lập). Trong đó, cấp trung học phổ thông có 40 trường (39 trường công lập, 1 trường ngoài công lập); cấp trung học cơ sở có 108 trường (106 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); cấp tiểu học có 197 trường (195 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); bậc học mầm non - mẫu giáo có 130 trường (118 trường công lập, 12 trường ngoài công lập).
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Sóc Trăng đã bố trí vốn trung hạn để đầu tư cho các cơ sở giáo dục với tổng vốn là 2.800 tỷ đồng (2.300 tỷ đồng xây dựng công trình, 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị dạy học).
Đồng thời, tỉnh còn bố trí 357 tỷ đồng cho đầu tư trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11 và 12. Năm 2023 và 2024, ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn chi thường xuyên cho giáo dục trên 3.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 39,3% trên tổng chi thường xuyên của ngân sách tỉnh). Tỷ lệ trường đạt chuẩn trên 85%, đạt 100% chỉ tiêu năm 2025 của tỉnh.

Song song với đó, tỉnh bố trí ngân sách chi đảm bảo hoạt động giáo dục và thực hiện tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện chính sách; thực hiện phân bổ ngân sách để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đặc biệt, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường năm học 2024 - 2025 đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh giao năm 2024. Chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học tiếp tục được giữ vững thành tích.
Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, năm học 2024 - 2025, 100% cán bộ quản lý của ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đạt trình độ chuẩn, trong đó có 36,5% trên chuẩn. Có 92,69% giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Còn 7,31% giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 đang tích cực học tập để đạt chuẩn theo quy định. [4]
Thách thức về thừa, thiếu giáo viên cục bộ
Dù có nhiều tiền đề thuận lợi sau sáp nhập, ngành giáo dục thành phố Cần Thơ (mới) vẫn đối diện với một số khó khăn nhất định, trong đó khó khăn lớn nhất là tình trạng thiếu hụt giáo viên diễn ra ở nhiều cấp học. Đây không chỉ là khó khăn riêng của một địa phương, mà là thực trạng chung ở cả 3 tỉnh, thành phố trước sáp nhập.
Tại thành phố Cần Thơ (cũ), việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại thành phố Cần Thơ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết dứt điểm.
Ở một số cơ sở giáo dục, lãnh đạo chưa quyết liệt tập trung chỉ đạo đổi mới; việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy, học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn còn một số mặt hạn chế.
Kế hoạch trang bị thiết bị dạy học tối thiểu tại một số địa phương triển khai chậm tiến độ, ảnh hưởng một phần đến chất lượng giáo dục học sinh theo mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cơ chế chính sách tài chính để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn nhiều bất cập. [2]
Trong khi đó, tỉnh Hậu Giang (cũ) cũng gặp tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; giáo viên dạy môn tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc do không có nguồn tuyển. Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường còn thiếu phòng học, phòng chức năng… [3]
Về phía ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng (cũ), năm học 2024 - 2025, toàn ngành có 14.110 giáo viên (trong đó, giáo viên biên chế là 13.698, giáo viên hợp đồng là 412). Tính theo định mức giáo viên, năm học 2024 - 2025, số còn thiếu so với định mức là 1.519 giáo viên. Cụ thể, cấp mầm non thiếu 616 giáo viên; cấp tiểu học thiếu 383 giáo viên; cấp trung học cơ sở thiếu 258 giáo viên; cấp trung học phổ thông thiếu 262 giáo viên; các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo còn thiếu 327 giáo viên.
Số giáo viên thiếu so với biên chế giao và so với định mức rất cao, gây khó khăn trong việc phân công, bố trí, sắp xếp đội ngũ đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác tuyển dụng gặp khó do không đáp ứng được yêu cầu thực tế, do vướng quy định về việc phân cấp tuyển dụng, tạo ra rào cản lớn khi tuyển dụng. Kinh phí và mức chi cho công tác tuyển dụng không có, gây khó khăn khi tổ chức tuyển dụng. [5]
Từ những nền tảng giáo dục vững chắc đã được gây dựng trước sáp nhập, thành phố Cần Thơ (mới) có nhiều lợi thế để tiếp tục phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục. Những thành tựu nổi bật về chất lượng đào tạo, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, kết quả thi cử và chuyển đổi số trong ngành giáo dục của từng địa phương sẽ là điểm tựa quan trọng để hướng tới một hệ thống giáo dục đồng đều, hiện đại và hiệu quả hơn.
Nhưng tình trạng thiếu giáo viên là một thách thức không nhỏ đối với ngành giáo dục thành phố Cần Thơ (mới). Việc thiếu hụt giáo viên ở nhiều cấp học, đặc biệt là giáo viên các môn chuyên biệt không chỉ ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà còn cản trở mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Do đó, đòi hỏi phải có những giải pháp phối hợp chặt chẽ và mang tính hệ thống đồng bộ, lâu dài.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://bantuyengiao.cantho.gov.vn/vi/news/hoat-dong-tuyen-giao-va-dan-van/nam-hoc-moi-2025-2026-nganh-giao-duc-va-dao-tao-tp-can-tho-day-manh-cong-tac-chuyen-doi-so-2945.html
[2] https://cantho.edu.vn/tin-tuc/thong-cao-bao-chi/can-tho-va-5-nam-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018.html
[3] https://www.baohaugiang.com.vn/giao-duc/giao-duc-hau-giang-vung-buoc-vuon-tam-139115.html
[4] https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-dao-tao202408/nganh-giao-duc-tinh-soc-trang-chuan-bi-cac-ieu-kien-am-bao-cho-nam-hoc-moi-3b30469/
[5] https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-dao-tao/202410/thao-go-kho-khan-ve-tuyen-dung-vien-chuc-cua-nganh-giao-duc-c4d2496/