Giãn cách xã hội toàn Thành phố Đà Nẵng từ 0h ngày 28/7

27/07/2020 13:17
Theo baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thủ tướng chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh vừa qua xuất hiện một số ca dương tính tại Đà Nẵng.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho biết, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên mang số 416 sau 99 ngày không có ca mới trong cộng đồng, Thành phố Đà Nẵng và Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan.

Đà Nẵng đã chủ động bao vây, khoanh ổ dịch. Ngành y tế tăng cường cán bộ trực tiếp vào Đà Nẵng. Quân khu 5 đã huy động bộ đội hóa học khử trùng nơi có bệnh nhân dương tính.

Đà Nẵng đã chủ động giãn cách một bước như không tập trung trên 30 người, khuyến cáo làm thủ tục để khách rời Đà Nẵng. Tối qua, các hãng hàng không đã tăng cường hàng chục chuyến để đưa hành khách rời Thành phố.

Tuy nhiên, tình hình ngày càng phức tạp. Thủ tướng nêu rõ, tại cuộc họp hôm nay, chúng ta tiếp tục chỉ đạo đề cao cảnh giác và có biện pháp mạnh mẽ để không bị bất ngờ xảy ra về dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác. Nếu không có thái độ dứt khoát thì thất bại trong công cuộc này. Do đó, cuộc họp sẽ quyết định những biện pháp mạnh, đồng bộ để xử lý tình hình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp, yêu cầu không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác. ảnh: VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp, yêu cầu không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác. ảnh: VGP.

Báo cáo tại cuộc họp, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng.

Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa.

Giáo sư Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Hiện Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để hỗ trợ phòng chống dịch.

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố Đà Nẵng với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19; bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng diễn biến phức tạp, chưa tìm được ca F0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tinh thần chủ động, không được để dịch bệnh lây lan từ Đà Nẵng ra cả nước cũng như toàn thành phố. Tuyệt đối không được chủ quan, không được mất cảnh giác cũng như không được hoang mang.

Nhắc lại yêu cầu đặt ra là bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung cao độ, phản ứng nhanh, hiệu quả, bằng sức mạnh tổng hợp, tổng lực; phải thần tốc, truy vết, xét nghiệm diện rộng cho những đối tượng cần thiết để ngăn ngừa có hiệu quả việc lây nhiễm.

Trong đó, phối hợp tốt, nhuần nhuyễn giữa lực lượng của các địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng với cơ quan Trung ương mà trực tiếp là Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan có liên quan.

Thủ tướng đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn Thành phố Đà Nẵng theo Chỉ thị 19 ngày 24/4/2020 về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với mức độ cao, thời gian thực hiện từ 0h ngày 28/7.

Theo đó, cơ cấu lại các lực lượng trực chiến, lực lượng phản ứng nhanh, điều phối liên ngành hỗ trợ Đà Nẵng giống như bộ tư lệnh tiền phương. Phản ứng kịp thời hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trước tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh tại Đà Nẵng.

Hoàn thiện các kịch bản ứng phó với COVID-19. Yêu cầu giãn cách xã hội với các nội dung đầy đủ trong Chỉ thị 19 đã nêu trên, bao gồm cả việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phương tiện giao thông công cộng.

Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động và các hoạt động khác, cơ bản dừng các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng trừ trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên liệu sản xuất, hàng hóa; hạn chế tối đa hoạt động của phương tiện cá nhân…

Những người từ Thành phố Đà Nẵng đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác đều được xem xét xét nghiệm, trường hợp cần thiết thì cách ly y tế. Những trường hợp cảm, sốt, ho đều phải đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.

Bộ Thông tin và Truyền thông phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông trong phòng chống dịch; đề cao cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không được hoang mang, dao động; hỗ trợ Đà Nẵng trong việc truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh.

Bộ Quốc phòng và các địa phương biên giới phải tăng cường kiểm soát và làm rõ trường hợp vi phạm.

Bộ Quốc phòng cũng phải xử lý nghiêm khắc các cán bộ, chiến sĩ, cá nhân, đơn vị, địa phương vi phạm Luật Biên giới.

Bộ Công an thực hiện chủ trương đi từng ngõ, gõ từng nhà những địa bàn trọng điểm như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và 2 thành phố lớn. Bộ Công an có trách nhiệm điều tra, truy tố, xét xử những cá nhân, đơn vị vi phạm pháp luật trong vấn đề đưa người xâm nhập trái phép.

Ngành y tế cũng cần chú trọng hơn nữa bảo đảm an toàn cho lực lượng chức năng, phóng viên trên tuyến đầu chống dịch.

Tiếp tục thực hiện các phương án xây dựng các khu cách ly tập trung, đặc biệt là Thành phố Đà Nẵng, các bệnh viện dã chiến phòng trường hợp diễn biến xấu của dịch có thể xảy ra

Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng cũng như các thành phố lớn cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm, nhất là nâng cao năng lực sản xuất khẩu trang của Việt Nam.

Các địa phương cả nước cần phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, kinh tế Việt Nam đầu quý 3 vẫn có nền tảng vĩ mô tốt, xu hướng tích cực, kể cả đầu tư thương mại, cả kinh tế trong nước và xuất nhập khẩu.

Chính phủ sẽ kiên quyết triển khai các giải pháp kiểm soát tốt dịch bệnh trong phạm vi quốc gia đồng thời chỉ đạo tốt phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và nhân dân sản xuất kinh doanh. Thủ tướng nói: “Chúng tôi cũng đề nghị các nhà đầu tư và nhân dân tin tưởng sự quản lý, điều hành của Chính phủ để bảo đảm nhịp độ phát triển của đất nước, nhất là chúng ta đang thúc đẩy thực hiện kế hoạch”.

Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cùng với các địa phương chỉ đạo phòng chống các bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương, kể cả Thành phố Đà Nẵng, có phương án bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Các cấp ủy, chính quyền, nhất khu vực miền Trung, đặc biệt là các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ đạo tập trung hơn, chủ động ngăn ngừa lây nhiễm trên tinh thần đề cao cảnh giác nhưng không hoang mang dao động.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành y tế xem xét, rà soát, xét nghiệm tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thời gian gần đây.

Ngành y tế, ngoại giao cũng như quân đội, công an và các trung tâm cách ly tập trung tiếp tục thực hiện kế hoạch đưa người Việt Nam có nhu cầu bức thiết về nước theo chủ trương kế hoạch mà Thường trực Chính phủ đã kết luận một cách chủ động hơn.

Cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý

Cũng trong sáng 27/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích cơ chế lây nhiễm, diễn biến, dự báo tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và đề ra các giải pháp tối ưu để ứng phó trong thời gian tới.

Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến 3 cơ sở: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình, 3 bệnh viện này nằm chung trên 1 khu đất.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau).

Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, cử những chuyên gia giỏi nhất vào địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất; tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Đối với 2 bệnh nhân nặng, đến sáng nay các chỉ số sức khoẻ tương đối ổn định,…

Về việc phong toả cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa nhất về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp để triển khai các biện pháp xét nghiệm phù hợp với từng khu vực để nâng cao hiệu quả tầm soát; tổ chức phân tuyến cơ sở khám chữa bệnh để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân; tổ chức công tác bảo đảm hậu cần phục vụ khu vực phong tỏa…

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý; không phong toả tất cả mà phong toả từng nấc; thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người;...

Đối với người dân, tất cả những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần; còn những người khác từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ;…

Bên cạnh đó, cần mở rộng xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch để kịp thời khoanh vùng, dập dịch triệt để. Các chuyên gia cho rằng những giải pháp này không chỉ áp dụng riêng với Đà Nẵng mà ở các địa phương khác cũng cần kiểm soát chặt các trường hợp nghi nhiễm; đồng thời tăng cường kiểm soát bảo đảm an toàn dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương phối hợp phòng chống dịch. ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương phối hợp phòng chống dịch. ảnh: VGP.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng,… đều nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề và cho rằng chúng ta không được chủ quan, lơ là.

Thời gian tới cần siết chặt công tác quản lý biên giới, đường mòn, lối mở, quản lý người nhập cảnh; khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Chính quyền các địa phương và người dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong việc quản lý người nhập cảnh.

Đối với các cơ sở y tế, các đại biểu cũng đề nghị cần phải nâng mức độ cảnh báo và bảo đảm an toàn dịch tễ, cũng như khả năng phát hiện người nhiễm bệnh; quản lý những người về địa phương từ Đà Nẵng về theo đúng quy định;…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị chính quyền các địa phương và người dân cộng tác trong việc thực hiện khai báo y tế điện tử (thông qua các ứng dụng NCOVI, Bluezone), để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các chuyên gia và các thành viên Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hoan nghênh Bộ Y tế cử các đội chuyên gia giỏi nhất vào hỗ trợ Đà Nẵng khoanh vùng, dập dịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các ổ dịch lớn như ở Bệnh viện Bạch Mai.

Chúng ta vừa phải dập dịch nhanh, vừa giữ xã hội ổn định và phát triển nên phải có những quyết định rất chính xác. Vai trò của lực lượng điều tra dịch tễ học, phối hợp với công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, véc-tơ truyền bệnh là vô cùng quan trọng.

Không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh… Bộ Y tế khẩn trương triển khai xét nghiệm bằng các loại kit thử mà Việt Nam sản xuất; bảo đảm đầy đủ kit thử, trang thiết bị y tế và những điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh.

Tinh thần là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội.

Theo baochinhphu.vn