Giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. |
Tờ China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 8/6 bình luận, căng thẳng lãnh thổ giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines sau vụ giàn khoan 981 mới chỉ là khúc dạo đầu cho 1 thời kỳ xung đột kéo dài giữa Bắc Kinh với 2 nước láng giềng Đông Nam Á.
Việc Philippines bắt giữ 1 tàu cá và 11 ngư dân Trung Quốc hôm 3/5 đang đánh bắt bất hợp pháp ở bãi Trăng Khuyết (nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là một chiến thuật Manila rút ra từ chính cuộc khủng hoảng Scarborough, sử dụng cảnh sát biển để tránh đối đầu quân sự với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Chiến thuật này được Philippines đúc rút từ bài học năm 2012 khi 1 tàu hải quân Philippines bắt giữ 12 tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trái phép trong đầm phá bãi cạn Scarborough đã tạo cớ để Bắc Kinh điều 1 tàu hải quân đổ xô đến hiện trường, bắt đầu một cuộc bế tắc trong suốt 1 tháng, cuối cùng đã bị Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát khu vực.
Manila lặp lại thủ đoạn này để đối phó đã khiến Trung Quốc nhức đầu. Cảnh sát biển Philippines bắt giữ tàu cá Trung Quốc cách đá Chữ Thập (1 trong 6 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược năm 1988 - PV) khoảng 400 hải lý, nơi Bắc Kinh thiết lập 1 căn cứ quân sự bất hợp pháp. Sẽ phải mất hơn 10 giờ để 1 tàu hải quân Trung Quốc có thể tới nơi tàu cá của họ bị Philippines bắt giữ.
Việt Nam thậm chí còn kiên quyết hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của minh, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện tại Việt Nam có hơn 2000 binh sĩ đóng quân ở Trường Sa so với 100 của Philippines và 120 của Malaysia, China Times cho biết.
Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc (ngang nhiên) hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa (thực tế nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam). Vụ giàn khoan 981 cũng đã khuấy động một làn sóng phản đối Trung Quốc tại Việt Nam, tờ báo cho biết.