82 tuổi 4 lần đưa cháu đi thi đại học

04/07/2012 07:39
Kim Ngân
(GDVN) - Đỗ đại học không chỉ là mơ ước 12 năm đèn sách của các sĩ tử, mà đó còn là ước mơ, sự kỳ vọng của những ông bố, bà mẹ. PV báo GDVN đã ghi lại những câu chuyện ấy trong ngày đầu đăng ký dự thi.
Cụ ông 82 tuổi đưa cháu từ Ninh Bình đi thi
Đưa cháu đến cổng Trường THPT Nhân Chính (điểm thi của Trường ĐH Quốc Gia Hà Nội) từ sáng sớm, cụ ông tóc bạc phơ từ từ dặn dò cẩn thận đứa cháu trước khi vào phòng thi làm thủ tục.

Đó là cụ Dương Đức Kiên, năm nay 82 tuổi đưa cháu nội từ thành phố Ninh Bình lên Hà Nội thi đại học. Vượt chặng đường hơn 100 cây số từ hôm 30/6, cụ vẫn tươi cười “tiếp sức” cho cháu những ngày thi quan trọng này. Đây là đứa cháu thứ 7 cụ Kiên đưa cháu đi thi đại học, cao đẳng. “Năm kia tôi đưa 4 cháu đi rồi thì 3 cháu đỗ, 1 cháu trượt học cao đẳng, chưa kể những năm trước. Năm nay, tôi đưa cháu đích tôn đi để giúp cháu vững tâm hơn. Bố mẹ cháu bận đi làm, sức khỏe tôi còn tốt nên vẫn đồng hành cùng các cháu được”, cụ Kiên hóm hỉnh nói.

Cụ Dương Đức Kiên mặc dù năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn đồng hành cùng cháu đi thi đại học (ảnh Kim Ngân).
Cụ Dương Đức Kiên mặc dù năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn đồng hành cùng cháu đi thi đại học (ảnh Kim Ngân).

Cụ Kiên khoe có 21 cháu nội ngoại. Đây là con trai của anh thứ 8. Thằng bé được cụ đưa đi học từ lớp mẫu giáo lớn đến hết lớp 7 nên rất quấn ông. Và cụ Kiên mong đứa cháu trai sẽ đỗ Khoa Công nghệ Thông tin để hiện ước mơ của ông nội.

Đứng ở ngoài chờ cháu vào làm thủ tục, cụ Kiên lo lắng, bồn chồn, đi đi lại lại liên tục. Cụ tâm sự: “Tôi tự nhận thấy sức khỏe năm nay kém đi, đi xe ô tô hơi mệt. Tôi bị thoái hóa hai đốt sống lưng nên thỉnh thoảng hơi đau, còn lại không vấn đề gì cả”.
Nói về tâm trạng đưa cháu đi thi đại học, cụ Kiên ôn tồn nói: “Nhiều lần đưa đi thi đã quen nên cũng không sốt ruột lắm, chỉ hơi lo lắng vì cháu học như vậy nhưng không biết vào phòng thi đại học thì như thế nào. Học tài thi phận mà”.

Tự hào vì nhiều lần được đưa cháu đi thi đại học, cụ Kiên chia sẻ: “Là anh bộ đội cụ Hồ thì phải chăm lo cho thế hệ sau chứ… Nếu còn sức khỏe thì năm sau, năm sau nữa tôi lại cùng cháu đi thi”.

Thực hiện ước mơ vào đại học của bố

Xuống Hà Nội từ ngày 2/7, hai bố con bác Tình (Sông Lô, Vĩnh Phúc) vất vả tìm nhà trọ khu Quan Nhân (Nhân Chính, Thanh Xuân). “Hà Nội đắt đỏ quá cháu ạ. Thức ăn, tiền phòng, đi lại đều đắt đỏ. Hai bố con đã mất 600 nghìn đồng tiền thuê nhà trong 3 ngày rồi. Không ngờ lại đắt thế”, bác Tình nói. Đứng ngồi không yên, chốc chốc lại ngẩng lên nhìn phía phòng thi xem con ra chưa, bác Tình nói rằng năm nay đã hơn 60 tuổi, lần đầu tiên đưa con đi thi nên cũng có nhiều tâm trạng, thậm chí còn lo lắng, hồi hộp hơn con, bởi vào đại học cũng là ước mơ của bác hồi trẻ.
“Con bác thi ĐH Công Nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Chỉ lo không biết con thi thế nào, học hành có làm được bài không, tâm lý có tốt không. Nhất là phải đảm bảo sức khỏe của cháu để thi cử thật tốt. Gia đình cũng không đặt nhiều sức ép cho cháu, thấy con học khuya bác đều lo, giục đi ngủ sớm. Ở nhà cháu say học lắm, học suốt ngày đêm, không đòi hỏi bố mẹ mua gì cả, chỉ chú tâm vào học để thi đại học, bác Tình chia sẻ.
Bác Tình kể rằng, ngày xưa đi bộ đội 6 năm ở chiến trường miền Nam và Campuchia. Cái ngày nhập ngũ cũng là ngày ước mơ vào đại học của bác bị đứt gánh giữa đường. Vào chiến trường, trong ba lô của anh bộ đội ấy còn để những cuốn sách ôn thi đại học, đề thi học sinh giỏi toàn quốc năm 1973…

May mắn sống sót trở về quê, khao khát vẫn còn nhưng không thực hiện được vì bố mẹ già, ước mơ đại học vẫn đeo đẳng đến bây giờ, truyền lại cho đứa con trai. “Nó say học lắm, không học thêm ở ngoài, tự học là chính. Tôi kỳ vọng nhưng không đặt sức ép vào con, để tâm lý thoải mái tốt nhất cho cháu”, bác Tình tâm sự.

Vì sức khỏe yếu do ảnh hưởng bụi vải dệt trong thời gian làm công ty dệt ở Bungari, vợ bác Tình bị viêm phổi mãn tính, ở nhà chăn nuôi, làm ruộng, nhưng luôn động viên con rằng: “Bố mẹ sẽ cho con được đi học, con học được hay không đó là do con. Thi đỗ đại học thì sẽ đỡ vất vả hơn bố mẹ. Con chỉ việc học, việc thi cho tốt, không phải nghĩ ngợi gì cả”.

Thí sinh đi thi không chỉ mang theo ước mơ đỗ đại học mà còn "chở" thêm sự kỳ vọng, mơ ước của những người thân (ảnh Kim Ngân).
Thí sinh đi thi không chỉ mang theo ước mơ đỗ đại học mà còn "chở" thêm sự kỳ vọng, mơ ước của những người thân (ảnh Kim Ngân).

Không chỉ mang ước mơ của mình đi thi đại học, các sỹ tử còn mang theo sự kỳ vọng, niềm tin của người ông, ước mơ vào đại học của người bố vào trong phòng thi. 

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Lá thư cảm động của một giáo viên sau vụ quay cóp ở trường Đồi Ngô

Chùm ảnh: Ký ức một thời lớp học trong kháng chiến 

"Chưa bao giờ nền giáo dục kém và đáng xấu hổ thế này"

Scandal "chảnh" của SV Ngoại thương bị gắn vào phim "Kẻ diệt chủng"

Đắng lòng nhà trọ ổ chuột sinh viên (P10)

Những hình ảnh "ấn tượng" chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 12

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng


Kim Ngân