Bão giá, sinh viên chọn "Siêu thị mặt đất" mua sắm

27/05/2011 18:54
(GDVN) - Giá cả leo thang, không ít sinh viên các trường đại học, cao đẳng đành méo mặt lựa chọn cách mua sắm đơn giản, rẻ tiền.

(GDVN) - Giá cả leo thang, ra tới chợ bỡ ngỡ không biết mua gì cho vừa túi tiền của mình, không ít sinh viên các trường đại học, cao đẳng đành méo mặt lựa chọn cách mua sắm đơn giản, rẻ tiền cho dù biết đó là những sản phẩm kém chất lượng, nhanh hỏng và nhăn nheo.


Mua một được hai

Mùa nào thứ đấy, các sản phẩm bày bán dọc lòng lề đường ở Hà Nội, nhất là khu vực ngoại thành, gần các trường đại học, kí túc, khu trọ sinh viên lại nhộn nhịp. Đáp ứng nhu cầu giới trẻ, các mặt hàng ngày càng đa dạng, chủ yếu là đồ may mặc, dầy dép, mũ...nhưng nhất thiết giá cả phải rẻ.

alt
"Siêu thị mặt đất" là nơi các sinh viên ưa mua sắm vì giá cả khá rẻ

Dọc theo tuyến đường Láng, đường Hoàng Minh Giám, Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân, Giải Phóng, Chùa Bộc, Phùng Khoang...tầm tan ca chiều, các tiểu thương hạng nhỏ bắt đầu rục rịch dọn hàng bày bán la liệt trên vỉa hè phục vụ nhu cầu mua sắm ban đêm. Đồ được bán nhiều nhất có lẽ là quần áo, dầy dép. Và không biết từ bao giờ các địa điểm như thế này được người ta gọi đó là những "Siêu thị mặt đất" di dộng. Khách hàng chủ yếu là sinh viên, và dân cửu vạn.

Gặp Nguyễn Thị Hồng Thắng, sinh viên năm 3 trường ĐH KHTN (ĐHQGHN) đang hí hoáy bới mớ quần áo được treo hỗn độn trên kiệu nhỏ dọc đường Láng, Thắng cho biết nếu không mua sắm ở đây thì biết mua ở đâu được, trong khi giá cả mọi thứ đều tăng chóng mặt. Chọn "siêu thị mặt đất" cho rẻ và nhiều, có thể với số tiền như thế nếu mua trong shop chỉ được một chiếc quần, nhưng ra vỉa hè có khi được tận ba cái. "Dù biết quần áo ở đây không được tốt và nhah nhàu, nhưng vì kinh tế chúng em có thể chấp nhận được, chứ vào shop mua có khi một lần mua sắm mất cả tháng ăn". Thắng và hai người bạn cùng phòng sau một hồi ngắm ngía, mặc cả cũng mua được 3 chiếc áo phông nữ mùa hè với giá 15.000/chiếc.

Tại các gian hàng khác, một số mặt hàng dầy dép bán khá chậm do chất lượng kém, mẫu mã cứng nhắc. Chúng tôi chứng kiến, một đôi bạn đi xe máy chạy qua, dừng lại và xuống xem, sờ nắn chất lượng da của đôi dép, khi chủ bán ra giá 120.000đ, hai bạn trẻ lắc đầu lên xe bỏ đi, được một hồi thấy quay lại quyết định lấy đúng đôi dép da đó với giá 100.000đ. "Thường là thế, vì mấy đứa này làm gì có tiền, toàn sinh viên cả, giá này các chị bán là rẻ lắm rồi đấy, chứ cứ như trong cửa hàng còn lâu mới mua được" chị Hà, người bán hàng chắc nịch.

Giá rẻ hợp với túi tiền sinh  viên
Giá rẻ hợp với túi tiền sinh viên
Tại vỉa hè đường Hoàng Minh Giám, đoạn giao cắt với đường Lê Văn Lương, một vài tiểu thương bán dầy dép và quần áo mùa hè cho biết, khách chủ yếu là sinh viên trong Làng sinh viên Hasinco ra đây mua. Mỗi tối bán cũng được khá hàng, vì giá cả phải chăng, không như trong siêu thị, bán chạy nhất là quần jean nữ ngắn và áo phông.

Chúng tôi lang thang dọc theo đường Giải Phóng, gặp Hoàng Hài Nam, sinh viên năm 2 trường ĐH Xây dựng đang chọn dây lưng trên vỉa hè, Nam giãi bầy: "Hai năm học ĐH chưa lần nào chúng em dám vào shop mua đồ dùng, vì ở đó quá đắt so với mặt bằng chung kinh tế sinh viên hiện nay, khi mà phần lớn tiền tiêu pha vẫn được gia đình chu cấp hằng tháng. Như em, quê ở Bắc Giang mỗi tháng bố gửi lên 1,2 triệu. Sống trong thời "bão giá" này phải tiết kiệm nhất có thể. Có thể bữa ăn sẽ đơn giản hơn, ít hơn nhưng mua sắm quần áo cũng phải tìm nơi mà mua".

Trên đường Xuân Thủy, gần các khu trọ sinh viên, không khí mua sắm tại "siêu thị mặt đất" khá nhộn nhịp những ngày hè. Hàng hóa bày bán tràn lan, đủ các loại mẫu mã từ quần áo nam, nữ đến trò chơi của trẻ con như gà, thú nhồi bông...


Nhịn ăn để ôn thi

Trần Tuấn Nghĩa, hiện đang học năm thứ 2  trường ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN) chi sẻ, do thời gian này đang chuẩn bị thi học kì, nên thời gian ở nhà nhiều hơn trên trường, hôm nào ở phòng nóng thì lên thư viện ngồi, vừa học vừa cho mát. Có hôm học trên thư viện méo mặt nhịn ăn trưa vì chắt chiu cho tiền ăn cả tháng. Nghĩa nhẩm tỉnh: "Giờ giá cả thứ gì cũng tăng, chi tiêu rất dè chừng nhưng cuối tháng cũng không đủ tiền ăn, mỗi ngày nếu chia đều ra cho cả tháng thì mỗi bữa cơm em ăn chỉ đáng 13.000đ, với số tiền đó nếu ra quán chắc chỉ được vài miếng thịt bèo nhèo và cậng rau muống. Một ngày mất 26.000đ tiền ăn, mỗi tháng gần 800.000đ trong khi gia đình em chỉ làm nông, kinh tế khó khăn, chỉ chu cấp được 1 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều hôm tối ôn thi, bụng đói, nhưng cũng phải cắn răng chia nửa gói mì tôm để lại sáng mai lên thư viện ăn cho đỡ đói" Nghĩa chia sẻ.

Mặc dù biết là hàng kém chất lượng nhưng vì ít tiền, sinh viên vẫn chấp nhận
Mặc dù biết là hàng kém chất lượng nhưng vì ít tiền, sinh viên vẫn chấp nhận
Cũng hoàn cảnh như Nghĩa, Phạm Thị Hoa, trường cao đẳng GTVT cho biết, việc ăn uống, mua sắm thời bão giá này đối với sinh viên là điều miễn cưỡng, dù biết những sản phẩm, những thực phẩm bày bán vỉa hè không bền, không sạch nhưng đành nhắm mắt "dùng tạm" cho qua ngày. Một đêm tham gia mua sắm tại khu chợ Phùng Khoang, chúng tôi chứng kiến từng tốp sinh viên các trường ĐH, CĐ quanh khu vực chợ mua sắm tấp nập, các mặt hành bày bán la liệt dưới mặt đất, chủ yếu là đồ không nguồn gốc, xuất xứ. Giá khá rẻ so với ngoài thị trường, một chiếc áo phông nữ có giá 20.000đ, áo nam 25.000đ, quần jean nam 150.000đ, so với shop ngoài giá mềm hơn một nửa, thậm chí rẻ hơn khoảng 70%, tuy nhiên "tiền nào của nấy".

Câu chuyện mua sắm, tiết kiệm thời bão giá của sinh viên sẽ chẳng có hồi kết khi mà hằng ngày vật giá mỗi lúc một tăng. Phần lớn sinh viên  xuất thân từ nhà nông ra thành phố học. Thời gian đầu nhiều bạn bỡ ngỡ và tỏ ra hoảng hốt trước những thông tin giá cả tăng vọt, đi chợ phải tập đếm và thống kê. Đỗ Thị Thùy Trang, sinh viên năm nhất trường ĐH KHXH&NV , quê ở Thanh Thủy, Phú Thọ là một điển hình. Trang cho biết, trước khi xuống Hà Nội học đã được chị gái (cùng trường) "cảnh báo" về môi trường và mức sống rất khác so với ở quê, nhưng cũng không thể nào tưởng tượng ra khác nghiệt thế: "Ban đầu chi tiêu được gia đình cho, nhưng hiện giờ ngoài số tiền bố mẹ chu cấp em cũng đi làm thêm trái buổi học để thêm tiền trang chải cuộc sống. Riêng mua sắm, mỗi tháng chỉ một lần thôi, hầu hết là mua ở vỉa hè cho rẻ, tuy chất lượng không được xịn, nhưng giờ chúng em chỉ cần số lượng để thay đổi, với phương trâm rẻ, nhiều, ngon mà đắt thì bỏ qua" Thùy Trang khẳng định.

Xuân Trung