Thiết kế thời trang là ngành học thu hút được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi sự năng động, sáng tạo và cơ hội việc làm hấp dẫn. Hiện nay, ngành công nghiệp thời trang ngày càng phát triển nhanh, thúc đẩy nền kinh tế và tác động mạnh mẽ tới nhiều lĩnh vực của đời sống.
Chương trình đào tạo ngành Thiết kế thời trang tại Trường Đại học Hòa Bình trang bị cho người học kiến thức về các nguyên tắc, quy trình thiết kế thời trang. Giúp sinh viên biết sử dụng các phần mềm ứng dụng hiện đại trên máy tính để thiết kế ra những sản phẩm thời trang theo xu hướng thời đại và hội nhập quốc tế.
Chương trình đào tạo đa dạng, bám sát với thực tế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Vũ Thị Ngọc Linh, Trưởng bộ môn Thiết kế thời trang, Khoa Truyền Thông và Thiết Kế, Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, khi theo học ngành Thiết kế thời trang, sinh viên sẽ được trang bị cả kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng thực hành nhằm phục vụ cho các hoạt động thiết kế, sản xuất và kinh doanh sản phẩm thời trang.
Hiện nay, ngành Thiết kế thời trang ở Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn nhờ nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng, từ phân khúc bình dân đến cao cấp. Với nền tảng đó, sinh viên ngành Thiết kế thời trang hiện nay có nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Các bạn có thể tham gia làm việc tại các thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế, từ phân khúc cao cấp đến phân khúc đại chúng.
Ngoài ra, sinh viên cũng có thể khởi nghiệp với các dòng sản phẩm thời trang cá nhân hóa, tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng.
Đây chính là ngành học vừa đòi hỏi sáng tạo, vừa có tính ứng dụng cao, phù hợp với những bạn yêu thích nghệ thuật, có đam mê với thời trang và mong muốn tạo dấu ấn riêng trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Chia sẻ về điểm nổi bật trong chương trình đào tạo ngành Thiết kế thời trang tại trường, theo Thạc sĩ Vũ Thị Ngọc Linh, Trường Đại học Hòa Bình với phương châm “Chất lượng - Hội nhập - Sáng tạo” mang đến cho sinh viên ngành Thiết kế thời trang chương trình đào tạo cập nhật chuẩn quốc tế. Chương trình học chú trọng thực hành phong phú, từ vẽ, dựng rập, kỹ thuật số (CLO 3D, Adobe) đến các đồ án học phần và đồ án tốt nghiệp với việc xây dựng bộ sưu tập cá nhân.
Nhà trường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại với xưởng may được trang bị hệ thống máy móc tiên tiến, phòng máy tính thiết kế, studio chụp lookbook, đáp ứng tốt nhu cầu học tập và sáng tạo của sinh viên.
Ngoài ra, Trường Đại học Hòa Bình chú trọng liên kết đào tạo quốc tế thông qua các chương trình trao đổi, mô hình hai bằng, các học phần do giảng viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy, cũng như tạo cơ hội cho sinh viên đi thực tập và thực hiện dự án tại nước ngoài.
Đặc biệt, nhà trường có sự kết nối mạnh mẽ với các doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực thời trang, giúp sinh viên tiếp cận công việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Nhờ đó, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Thiết kế Thời trang được mở rộng, nhiều cựu sinh viên đã thành lập thương hiệu riêng hoặc làm việc tại các hãng thời trang quốc tế, đồng thời thường xuyên quay lại trường chia sẻ kinh nghiệm và tuyển dụng sinh viên.
Bám sát xu hướng đổi mới - sáng tạo và bền vững, chương trình học còn tích hợp các môn học về thời trang bền vững, sáng tạo nội dung đa phương tiện (digital fashion show, social media marketing), giúp sinh viên bắt kịp nhịp phát triển của ngành.
Ngành Thiết kế thời trang tại trường “gặt hái” nhiều giải thưởng, thành tích ấn tượng
Ngành Thiết kế thời trang tại Trường Đại học Hòa Bình không chỉ là nơi ươm mầm đam mê sáng tạo cho các bạn trẻ, mà còn là “bệ phóng” giúp sinh viên khẳng định tài năng qua nhiều giải thưởng ấn tượng trên các sân chơi uy tín.
Tiêu biểu, sinh viên ngành Thiết kế thời trang của trường đã giành giải Khuyến khích cuộc thi “Học sinh, Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI cấp Quốc gia ở lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội với dự án “Thời trang và Vải Vụn- FAS”.

Dự án này không chỉ chứng minh rằng sự đổi mới và sáng tạo là những yếu tố quan trọng trong việc tạo ra xu hướng thời trang mới, mà còn góp phần vào bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thời trang. Việc tái sử dụng những mảnh vải vụn, vốn thường bị bỏ đi, kết hợp với các kỹ thuật thiết kế hiện đại, đã tạo ra những sản phẩm thời trang độc đáo và ấn tượng, mang đậm dấu ấn của tính bền vững và ý thức bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch 2024 do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, với chủ đề “Tinh hoa Áo dài”, sinh viên của Trường Đại học Hòa Bình đã xuất sắc giành được những giải thưởng cao quý như giải Nhì – Đột phá sáng tạo: Bộ sưu tập Tháp Chăm; Giải Ba – Ứng dụng cao: Bộ sưu tập Rối Nước; giải Khuyến khích – Chủ đề ý nghĩa: Bộ sưu tập Non Nước
Ngoài ra, thiết kế của sinh viên nhà trường đã lọt Top 5 trang phục được yêu thích nhất tại triển lãm “Hướng đến tương lai” do Hiệp hội VDAS tổ chức phạm vi toàn quốc. Trường cũng là 1 trong 5 trường được lựa chọn trình diễn tại Fashion show “Rock & Thời trang - Chốn đi về” thuộc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức, với 30 sản phẩm thời trang xuất sắc nhất được trình diễn.
Đặc biệt, nhà trường còn giành Giải Nhất cuộc thi “Thiết kế và trình diễn các trang phục dân tộc 2024” do Vinschool Times City tổ chức.
Những thành tích này không chỉ là minh chứng cho chất lượng đào tạo của ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Hòa Bình, nơi luôn khuyến khích sinh viên không ngừng sáng tạo và phát triển tài năng. Qua từng dự án, từng giờ học thực hành mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và khẳng định dấu ấn cá nhân cho sinh viên khi bước vào ngành công nghiệp thời trang.

Nhiều chương trình hỗ trợ giúp sinh viên kết nối sớm với thị trường lao động
Theo cô Linh, thách thức lớn nhất đối với sinh viên khi theo học ngành Thiết kế Thời trang không chỉ nằm ở khối lượng kiến thức và kỹ năng thực hành lớn, mà còn ở việc duy trì cảm hứng sáng tạo liên tục trong một môi trường cạnh tranh khắt khe.
Sinh viên phải luôn tìm tòi, đổi mới ý tưởng và hiện thực hóa chúng thành sản phẩm cụ thể, từ khâu phác thảo, dựng rập đến may mẫu. Việc “không có ý tưởng” hoặc “thiết kế chưa có dấu ấn cá nhân” là vấn đề không hiếm gặp trong quá trình học tập.
Bên cạnh đó, ngành này đòi hỏi sinh viên phải đầu tư nhiều thời gian và chi phí, bởi quá trình học bao gồm nhiều giờ thực hành như vẽ tay, mô phỏng kỹ thuật số, dựng rập, may mẫu, trong khi chi phí cho vật liệu, vải vóc và phụ liệu khá tốn kém.
Ngoài ra, thị trường thời trang cạnh tranh cao, đòi hỏi mỗi nhà thiết kế phải định hình được cá tính nghề nghiệp rõ ràng, tìm ra phong cách riêng để khẳng định dấu ấn cá nhân, điều này là một hành trình không dễ dàng.
Quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm cũng đòi hỏi tính kỷ luật và sự kiên trì cao, bởi công đoạn sửa mẫu, đo, cắt, dựng rập rất công phu, dễ gây nản lòng nếu thiếu đam mê thực sự.
“Bởi vậy, ngoài khả năng sáng tạo, một nhà thiết kế thời trang cần có nhiều kỹ năng mềm, tư duy tổ chức khoa học và đặc biệt là sự nhạy bén với thị trường để có thể tồn tại và phát triển trong lĩnh vực đầy thách thức này”, Thạc sĩ Vũ Thị Ngọc Linh chia sẻ.

Còn dưới góc nhìn của người đã làm nghề, nhà thiết kế Nguyễn Trà My, cựu sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động cũng như để phát triển bền vững trong ngành thời trang, người làm nghề cần sở hữu gu thẩm mỹ tinh tế, tư duy sáng tạo cùng khả năng đổi mới không ngừng để bắt kịp xu hướng.
“Mỗi hành trình làm nghề đều có những thuận lợi và thách thức riêng. Thuận lợi lớn nhất với bản thân tôi là có đam mê rõ ràng từ sớm, biết mình muốn theo đuổi thời trang ngay từ khi mới vào đại học, nhờ đó tôi chủ động học hỏi thêm ngoài trường lớp, từ học vẽ, chỉnh ảnh đến tham gia các workshop, xin đi hỗ trợ show để học hỏi từ các anh chị đi trước.
Tuy vậy, tôi cũng từng gặp không ít thách thức. Dù có đam mê nhưng tôi từng hoang mang khi mới ra trường, không biết nên làm thuê hay mở thương hiệu riêng, chọn thiết kế hay stylist. Vì vậy, tôi nhận ra đam mê là chưa đủ, cần hiểu rõ điểm mạnh và công việc phù hợp với bản thân.
Ngành thời trang luôn chạy theo xu hướng, khiến nhà thiết kế không tránh khỏi áp lực so sánh, dễ rơi vào cảm giác chậm hơn người khác thay vì tập trung vào hành trình riêng. Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi còn đối mặt với khó khăn tài chính, từ xoay vốn, quản lý nhân sự đến xử lý tồn kho, buộc mình phải tự học thêm về quản trị”, chị My cho biết.
Đưa ra lời khuyên cho sinh viên, chị My chia sẻ, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn hãy học thật, làm thật và sẵn sàng sai thật từ sớm, vì sai sớm sẽ giúp bạn rút kinh nghiệm sớm.
Đừng chỉ học kỹ thuật, hãy học cách quan sát xu hướng, hiểu khách hàng, rèn tư duy thẩm mỹ, sự kiên nhẫn và khả năng làm việc nhóm, vì thời trang không dành cho người ngồi yên chờ cơ hội.
Cuối cùng, hãy giữ chất riêng nhưng đừng quên lắng nghe phản hồi từ thị trường, vì thời trang chỉ thực sự “sống” khi đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, và đó chính là cách để bạn giữ được bản sắc mà vẫn thành công.

Còn theo chị Đặng Ngọc Liên, cựu sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Trường Đại học Hòa Bình, hiện đang đảm nhiệm vai trò sáng tác tại Thương hiệu áo dài DO TRINH HOAI chia sẻ, áp lực lớn nhất trong ngành thời trang không chỉ đến từ guồng quay công việc hay yêu cầu thẩm mỹ khắt khe, mà là giữ được “chất riêng” giữa môi trường cạnh tranh, thay đổi liên tục. Mỗi sản phẩm, mỗi concept không chỉ là một thiết kế, mà là một phần bản sắc người làm nghề.
Bởi vậy, thách thức lớn nhất không phải chạy theo xu hướng, mà là giữ được tiếng nói cá nhân trong hành trình định hình phong cách và tư duy sáng tạo.
Theo chị Liên, mức lương trong ngành này là sự phản ánh của rất nhiều yếu tố không chỉ là năng lực chuyên môn, mà còn là mức độ cam kết với nghề, khả năng sáng tạo và đặc biệt là cách nhà thiết kế định vị giá trị bản thân trong thị trường.
Thời trang là ngành đòi hỏi sự bền bỉ và kiên nhẫn tích lũy trải nghiệm qua từng show diễn, bộ sưu tập, lần cộng tác. Chính những trải nghiệm này sẽ tạo nên tiếng nói riêng, giúp bạn có cơ hội làm việc với những dự án ý nghĩa và được đãi ngộ xứng đáng.
Điều quan trọng không phải là mức lương nhất thời, mà là con đường bạn đi có đúng với đam mê và bản sắc sáng tạo hay không. Khi làm nghề bằng trái tim và nỗ lực rèn luyện mỗi ngày, giá trị của bạn sẽ được thị trường công nhận, vì mức thu nhập trong ngành thời trang là sự tích lũy của thời gian, kỹ năng và bản lĩnh sáng tạo.
Bàn về cơ hội việc làm của ngành học này, theo thạc sĩ Vũ Thị Ngọc Linh, sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế Thời trang có nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng và hấp dẫn. Các bạn có thể trở thành chuyên viên thiết kế hoặc quản lý thương hiệu tại các công ty thời trang trong nước và quốc tế, chuyên gia dự báo xu hướng, tư vấn tạo mẫu hoặc nhà tạo mẫu độc quyền.
Ngoài ra, sinh viên có thể đảm nhiệm vị trí giám sát sản xuất, quản lý quy trình may công nghiệp tại các doanh nghiệp sản xuất, xưởng may hoặc lựa chọn làm việc tự do (freelancer), mở thương hiệu thời trang riêng, làm stylist, thiết kế đồ họa thời trang, tham gia lĩnh vực thời trang bền vững, thời trang số.
Nhằm hỗ trợ sinh viên kết nối sớm với thị trường lao động, Trường Đại học Hòa Bình đã triển khai nhiều chương trình phối hợp với các xưởng may, studio, hãng thời trang để sinh viên được thực hành trực tiếp ngay từ năm nhất và có cơ hội được tuyển dụng sau quá trình thực tập. Nhà trường cũng thường xuyên mời các doanh nghiệp đến tổ chức workshop, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp và tuyển dụng thực tập sinh hoặc nhân sự chính thức.
Bên cạnh đó, trường còn có quỹ hỗ trợ sinh viên thực hiện các dự án khởi nghiệp, giúp thương mại hóa các đồ án, bộ sưu tập, kết nối với nhà đầu tư để nhận vốn khởi nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên tự tin xây dựng thương hiệu cá nhân trong ngành công nghiệp thời trang.
Để ngành Thiết kế Thời trang tiếp tục phát triển và thu hút người học, cô Linh đề xuất, trong bối cảnh thị trường thời trang thay đổi nhanh chóng, không chỉ về xu hướng thẩm mỹ mà còn về công nghệ, hành vi tiêu dùng và yêu cầu phát triển bền vững, việc đổi mới chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn là yếu tố then chốt.
Cụ thể, cần cập nhật các nội dung như thời trang số (3D, AI), thời trang bền vững, đồng thời tăng cường liên kết với doanh nghiệp, nhà thiết kế để sinh viên được thực hành, cọ xát thực tế nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cần tạo thêm các sân chơi sáng tạo như cuộc thi thiết kế, show thời trang sinh viên, triển lãm đồ án nhằm khơi gợi đam mê và giúp sinh viên xây dựng thương hiệu cá nhân từ sớm.
“Điều quan trọng là sinh viên không chỉ học để thiết kế đẹp mà còn phải biết thiết kế các sản phẩm có tính ứng dụng, có người mặc và có khả năng thương mại hóa. Nếu bạn đủ đam mê, chăm chỉ và có tư duy nhạy bén với thị trường, ngành này chắc chắn có đất để bạn phát triển,” thạc sĩ Vũ Thị Ngọc Linh chia sẻ.