Bỏ cộng điểm tuyển sinh đầu cấp là quyết định sáng suốt, tạo sự công bằng

09/01/2018 14:12
Thuận Phương
(GDVN) - Ngày nay không ít người vẫn chỉ thích cái lợi trước mắt, cái gì có lợi cho họ mà bất chấp cái hại lâu dài cho cả cộng đồng. Điều này chính là rào cản lớn nhất.

LTS: Cô giáo Thuận Phương gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ sự hoan nghênh lựa chọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên trong thi tuyển sinh đầu cấp.

Cộng điểm là căn nguyên đẩy cả thầy và trò vào những cuộc thi, làm méo mó môi trường giáo dục và mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, tác giả tin rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đi đúng hướng.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sẽ bỏ quy định cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10 đã khiến nhiều học sinh bất ngờ, nhiều phụ huynh lo lắng. 

Ngược lại, nhiều giáo viên lại thấy vui mừng vì nếu thực hiện được việc không cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh sẽ xóa bỏ được kiểu “học nghề cho có” như hiện nay. 

Cùng với đó, học sinh sẽ được cạnh tranh một cách công bằng với nhau.

Đây là tín hiệu rất vui cho ngành giáo dục khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rất cố gắng để từng bước hạn chế những việc làm mập mờ trong đào tạo nghề và giảm đáng kể các cuộc thi học sinh giỏi như hiện nay, mà mục tiêu chỉ hướng đến việc cộng điểm.

Mặt trái của học nghề trong các nhà trường trung học cơ sở

Chuyện các trung tâm dạy nghề ở địa phương kí hợp đồng với cấp sở, cấp phòng thế nào nhà trường chẳng bao giờ thông tin. 

Hình minh họa, nguồn: Minh Quyết / TTXVN.
Hình minh họa, nguồn: Minh Quyết / TTXVN.

Chỉ biết rằng hằng năm, nhà trường yêu cầu giáo viên thông báo thời gian học sinh đăng kí học nghề, số tiền học phí, thời gian học và thi. 

Để học trò đăng kí 100%, giáo viên phải phân tích những mặt lợi, dĩ nhiên thầy cô thương trò muốn các em được cộng điểm chứ hoàn toàn không sự ăn chia phần trăm nào cả. 

Thường thì các lớp học được mở vào hè năm lớp 8.

“Nghề” các em học sinh lớp 8, lớp 9 được học chủ yếu là vi tính. Khổ nỗi, cũng có khá nhiều em chưa có bằng nghề nhưng các em rất rành vi tính. 

Một số em hỏi thầy cô: “Con biết rành rồi có phải học không ạ?” 

Gặp những câu hỏi này, thầy cô chỉ biết giải thích rằng: “Không phải bằng được cấp theo quy định của sở giáo dục sẽ không được cộng điểm”. 

Thế là giải pháp tốt nhất cho những em này, ghi tên, nộp tiền và tới ngày đi thi cho hồ sơ hợp lệ. 

Bỏ cộng điểm tuyển sinh đầu cấp là quyết định sáng suốt, tạo sự công bằng ảnh 2

Bệnh giả dối trong giáo dục ở ngay đây, ai nào dám bỏ?

Có khá nhiều học sinh mặc dù chưa biết gì về vi tính nhưng lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của trung tâm dạy nghề cũng chỉ ghi tên, nộp tiền và đi thi cho được tấm giấy chứng nhận để cộng điểm. 

Có em nói vui, thôi mất 150 ngàn (có nơi 200 ngàn) mà được cộng đến 1.5 điểm cũng chẳng phải đắt.

Một số khác đi học đều đặn, nhưng theo các em chia sẻ thì tại các lớp học “nghề vi tính”, học sinh đông mà máy có hạn nên 2 em ngồi chung một máy.

Bạn làm, thì mình ngồi chơi và ngược lại. 

Đó là chưa nói đến có những máy tính đời cũ, chạy ì ạch nên chất lượng học vô cùng thấp. 

Không ít em về cầm tấm chứng chỉ học nghề loại khá trên tay nhưng vào máy mở văn bản đánh còn lóng nga lóng ngóng, chứ nói gì đến xử lý một số yêu cầu khó hơn. 

Các trung tâm dạy nghề cũng nắm được thực tế, học sinh đăng kí học không phải do các em biết định hướng nghề nghiệp mà chỉ với mục đích duy nhất là giành trọn 1.5 điểm cộng. 

Thế nên chất lượng giảng dạy họ cũng không đặt lên hàng đầu mà số lượng học sinh đăng kí mới là điều cần quan tâm. 

Do quy định chặt chẽ loại bằng nghề nên những lớp trung tâm dạy nghề mở ra giảng dạy hầu như số lượng học sinh đăng kí học gần như chạm mức 100%.

Học trò cuối cấp phải quay cuồng với những cuộc thi 

Ngoài việc thi bằng nghề để được cộng 1.5 điểm, không ít học sinh tìm kiếm thêm điểm cộng khuyến khích để dự tuyển vào trường tốp trên bằng cách sẵn sàng đăng kí tất cả những cuộc thi do nhà trường tổ chức. 

Bỏ cộng điểm tuyển sinh đầu cấp là quyết định sáng suốt, tạo sự công bằng ảnh 3

"Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng?

Học sinh được giải trong các kì thi học sinh giỏi các cấp tổ chức với mức điểm cộng từ 0,5 - 2 điểm theo giải đạt được. 

Từ cuộc thi kiến thức như giải toán trên máy tính cầm tay, tham gia cuộc thi tiếng Anh, Toán trên mạng, thi giải học sinh giỏi truyền thống… đến các cuộc thi giao lưu như hùng biện tiếng Anh, em yêu Lịch sử, văn học, kể chuyện Bác Hồ, thi sáng tạo khoa học trẻ…

Khi có học sinh tham gia dự thi phần lớn thầy cô đều khuyến khích vì lợi cả ba đường. 

Nhà trường vừa có thương hiệu vừa giữ hoặc phấn đấu chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia, học trò được điểm cộng, thầy cô được sáng kiến kinh nghiệm (một học sinh đạt giải được coi tương đương như một sáng kiến kinh nghiệm) để giáo viên tham gia xét thi đua.  

Nhờ có bằng nghề và đạt thành tích ở nhiều hội thi, có học sinh được cộng một lần tới 3.5 điểm và được xét ưu tiên khi bằng điểm với một số học sinh khác. 

Còn cộng điểm còn tạo sự mất công bằng

Chuyện cộng 1.5 điểm bằng nghề trong kì thi vào 10 đã tạo cơ hội cho không ít học sinh có lực học kém hơn đánh bật một số học sinh khác có lực học khá nổi trội. 

Dù đã vài năm trôi qua, giáo viên trường tôi vẫn thường hay nhắc đến em Dũng một học sinh có lực học khá nổi trội để làm gương cho những học sinh không có ý định đăng kí học nghề

Năm ấy, Dũng nhất định không đăng kí học nghề dù thầy cô khuyên bảo thế nào. Dũng đã rất tự tin nói rằng:

“Em không cần đến điểm cộng 1.5 ấy, với sức học của mình, em tin sẽ dễ dàng đỗ vào trường theo nguyện vọng”.

Bỏ cộng điểm tuyển sinh đầu cấp là quyết định sáng suốt, tạo sự công bằng ảnh 4

Tại sao Bộ Giáo dục bảo chấn chỉnh, dưới cơ sở không nghe?

Kì thi vào lớp 10 năm ấy, Dũng đăng kí vào ngôi trường có tiếng của thị xã. Do làm bài sơ xuất, Dũng thi được 41.5 điểm nhưng điểm chuẩn vào trường lại lấy 42 điểm. 

Một số bạn thi thua điểm em nhưng nhờ cộng được 1.5 điểm thưởng đã nghiễm nhiên đỗ. 

Em trượt nguyện vọng 1 chính ngôi trường mình ao ước để vào học ngay trường có chất lượng thấp hơn. 

Tiếc, ân hận vì đã không nghe thầy cô khuyên bảo lại bị bạn bè chọc quê nên Dũng đã bỏ học ngay sau đó. Cô chủ nhiệm lại cứ áy náy mãi vì mình đã không cương quyết bắt em đi học nghề lần ấy.

Nhận thấy sự mất công bằng này, trao đổi với Báo Điện tử VietnamNet ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng:

Việc không cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi tuyển đầu cấp nhằm chấn chỉnh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương để lấy điểm, lấy giải làm điểm cộng ưu tiên trong tuyển sinh đầu cấp. 

“Chúng tôi dự kiến như vậy bởi nhiều nơi phản ánh vì có việc cộng điểm đó mà việc thi nghề phổ thông bỗng thành mục tiêu phấn đấu chỉ để cộng điểm. 

Trong khi ý nghĩa của việc học và thi nghề là làm cho công tác hướng nghiệp học sinh tốt hơn, hướng đến thích hợp điều kiện địa phương”, ông Thành được VietnamNet dẫn lời cho biết.

Chúng tôi cho rằng nội dung bỏ chế độ cộng điểm thi tuyển sinh đầu cấp là hoàn toàn hợp lý, giải thích của thầy Nguyễn Xuân Thành phù hợp với thực tiễn.

Vì sao có phụ huynh không đồng thuận?

Trước một chủ trương đúng đắn như vậy vì sao có phụ huynh lại không đồng tình? 

Bỏ cộng điểm tuyển sinh đầu cấp là quyết định sáng suốt, tạo sự công bằng ảnh 5

Hãy thi tuyển lớp 6 công khai giữa VNEN và truyền thống để đánh giá cho đúng

Từ trước đến nay, dù cha mẹ cứ than rằng con học hành áp lực, ngoài giờ học phải tham gia nhiều hoạt động phong trào vô bổ. 

Bỏ cộng điểm, sẽ buộc học sinh chú tâm vào học tập mà không trông chờ hay dựa dẫm vào điểm khuyến khích. 

Bên cạnh đó sẽ tạo sự cạnh tranh mới công bằng giữa các em học sinh. Ngoài ra, bỏ cộng điểm khuyến khích sẽ góp phần hạn chế được các cuộc thi học sinh giỏi.

Nhưng nay đứng trước cơ hội được cởi trói, cơ hội xóa bỏ những cuộc thi thành tích để tạo sự công bằng cho các em thì một số bậc phụ huynh lại không ủng hộ? Có điều gì mâu thuẫn ở đây?

Đơn giản chỉ vì những người phản đối, họ nhìn thấy cái lợi trước mắt cho chính con mình như việc chỉ cần nộp tiền (một số tiền không lớn) là có ngay một bảo bối (điểm thưởng) “chống trượt”. 

Chỉ vì quyền lợi cá nhân một bộ phận không nhỏ phụ huynh  sẵn sàng quên đi cái lợi lâu dài của cả một tập thể. 

Nói đến điều này, người viết bài lại xót xa nghĩ về câu chuyện của một người đồng nghiệp tiên phong trong phong trào chống tiêu cực trong thi cử.

Nhưng thầy lại bị chính cha mẹ học sinh là người cùng làng chống đối, đe dọa, thậm chí khủng bố tinh thần, còn đồng nghiệp thì lánh xa. 

Trong một chia sẻ với đài VTV thầy Đỗ Việt Khoa cho biết:

“Có rất nhiều tin nhắn gửi đến đe dọa khủng bố tôi qua đường bưu điện. Địa phương thì chẳng biết thế nào có người đe dọa giết tôi.

Họ đi qua nhà, họ ném đá ném chất bẩn vào nhà. Lúc đó rất căng thẳng”.

Ngày nay không ít người vẫn chỉ thích cái lợi trước mắt, cái gì có lợi cho họ mà bất chấp cái hại lâu dài cho cả cộng đồng. Điều này chính là rào cản lớn nhất trong tiến trình của đổi mới giáo dục. 

Nhưng muốn đổi mới được việc làm và cả những suy nghĩ đã ăn sâu trong tiềm thức khá nhiều người như thế buộc phải làm một cách quyết liệt. Và với chủ trương bỏ cộng điểm khuyến khích lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi đúng đường.

Thuận Phương