LTS: Xung quanh chỉ đạo chấn chỉnh các hội thi trong nhà trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô giáo Thuận Phương có bài phân tích lý do tại sao trên bảo, dưới không nghe.
Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giáo viên bội thực với các hội thi. Vì áp lực từ thi cử quá lớn nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của cả thầy và trò.
Đã có nhiều kiến nghị, đề xuất từ phía giáo viên, từ công luận, từ chính cán bộ quản lý về việc bỏ các cuộc thi vô bổ nhưng lại lắm rắc rối này.
Thậm chí Bộ Giáo dục và Đào tạo có cả công văn chấn chỉnh, siết chặt công tác hội thi, thế nhưng các hội thi giáo viên dạy giỏi vẫn không thể chấm dứt.
Thông tư còn đó, địa phương nào dám bỏ?
Chúng tôi nhận thấy, trước sức ép của dư luận về một vấn đề gì liên quan đến giáo dục, thì ngay sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo thường có công văn yêu cầu cơ sở rà soát, chấn chỉnh ngay.
Ảnh minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại. |
Người ngoài nhìn vào chắc chắn sẽ nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo rất trách nhiệm, thiện chí và mẫn tiệp trong việc khắc phục bất cập, đồng thời thúc đẩy đổi mới.
Thế nhưng những ai trong cuộc mới thấy, sự xuất hiện của những công văn như thế chẳng giải quyết được gì, nếu không muốn nói chỉ thêm việc cho nhà trường phải tổ chức cuộc họp thông báo, nhắc nhở đến toàn giáo viên.
Còn giáo viên cũng phải mất thời gian cho việc họp hành liên miên mà cuối cùng cũng chẳng giải quyết được việc gì. Xin được bàn trở lại các quy định tại Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT.
Đối với trường ở mức chất lượng tối thiểu hàng năm phải đạt:
b) Có ít nhất 40% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường;
c) Công tác đào tạo, bồi dưỡng: nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng để tất cả giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo;
Thực hiện nghiêm túc chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo; có ít nhất 50% giáo viên được xếp loại khá, giỏi về bồi dưỡng thường xuyên;
Trường đạt chuẩn mức độ I các chỉ tiêu này cũng tăng lên:
a) Có ít nhất 50% giáo viên đạt loại khá trở lên, trong đó có ít nhất 15% giáo viên đạt loại xuất sắc theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học;
b) Có ít nhất 50% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, trong đó ít nhất 20% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện trở lên; không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.
"Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng? |
Trường đạt chuẩn mức độ II các chỉ tiêu này tăng cao ngật ngưỡng:
a) Có ít nhất 75% giáo viên đạt loại khá trở lên, trong đó có ít nhất 25% giáo viên đạt loại xuất sắc theo quy định Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học;
b) Có ít nhất 60% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, trong đó ít nhất 30% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện trở lên; không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.
c) Có ít nhất 90% giáo viên được xếp loại khá, giỏi về bồi dưỡng thường xuyên, trong đó có ít nhất 30% giáo viên được xếp loại giỏi về bồi dưỡng thường xuyên, không có giáo viên không hoàn thành kế hoạch.
Vì những chỉ tiêu từ chính Bộ Giáo dục và Đào tạo ban xuống thế này, các địa phương sao có thể xóa bỏ được các hội thi?
Choáng váng vì quá nhiều hội thi dành cho giáo viên
Nói đến hội thi giáo viên dạy giỏi khá nhiều giáo viên bức xúc và cho rằng mình chẳng còn hứng thú vì thấy không thật và chẳng mấy tác dụng với học sinh.
Xin được điểm tên hội thi giáo viên hàng năm: hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách đội giỏi. Hội thi nào cũng thi 3 cấp (cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh).
Thi giáo viên dạy giỏi cấp trường mỗi năm thi một lần, hội thi cấp huyện, thị 2 năm /lần, cấp tỉnh 4 năm/lần.
Thế nên năm nào giáo viên cũng phải dự thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường.
Vậy sẽ có 2 năm giáo viên phải tham gia hai lần thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp thị.
Sẽ có 4 năm, giáo viên phải tham gia 3 hội thi từ cấp trường, cấp thị đến cấp tỉnh.
Hội thi giáo viên giỏi toàn quốc, ảnh minh họa: Báo Gia Lai. |
Giáo viên quay mòng mòng cũng chẳng kịp. Bởi có giáo viên phải tham gia tới 2 đến 3 hội thi với gần hai chục vòng thi/năm.
Cụ thể 3 vòng nộp sáng kiến, 3 vòng thi năng lực, 3 vòng dạy hai tiết. Chưa nói đến có thầy cô một năm tham gia luôn hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi…thì số lượng vòng thi của 3 cấp này ở 3 vòng thi là một con số khổng lồ.
Những thủ thuật để đạt chỉ tiêu cao chót vót
Tham gia nhiều hội thi khiến giáo viên mệt mỏi, học sinh chán nản vì phải các em không được học một cách tự do như hàng ngày, mà phải vào khuôn phép như phát biểu cái gì? Làm bài ra sao?...
Giám khảo chấm thi cũng căng thẳng, áp lực.
Bởi họ không chỉ tập trung theo dõi cách triển khai bài dạy, cách hướng dẫn học sinh học tập của thầy cô để góp ý, mà còn phải tính toán xem trường X, trường Y năm nay lên chuẩn hoặc giữ chuẩn đã đủ tỷ lệ (20% giáo viên dạy giỏi chuẩn mức 1 hay 30% giáo viên dạy giỏi mức 2) hay chưa?
Rà để tính và điều tiết. Còn đạt chỉ tiêu bằng cách nào ư?
Thứ nhất, đưa chỉ tiêu đi thi về các trường này với số lượng lớn.
Ví như trường cần nhiều số lượng giáo viên giỏi, buộc nhà trường phải cử giáo viên đi thi nhiều (có trường chỉ có 30 giáo viên đứng lớp nhưng chỉ tiêu đưa về phải đi thi tới 13-14 người.
Thứ hai, dù giáo viên dạy chưa đạt theo yêu cầu cần đạt thì vẫn được du di, vớt vát lên cho đậu để nhà trường mới đảm bảo đủ chỉ tiêu này.
Cũng vì cần đủ chi tiêu nên giáo viên nào được (nay là bị bắt buộc) đi thi dù không muốn cũng chẳng thể nào từ chối được.
Bệnh giả dối trong giáo dục ở ngay đây, ai nào dám bỏ? |
Giáo viên có phản ứng quyết liệt nhưng Ban Giám hiệu nhà trường cũng không dám đồng ý cho nghỉ thi.
Đơn giản, trường không đủ chỉ tiêu giáo viên dạy giỏi và không được công nhận chuẩn (giữ chuẩn) thì phòng, sở cũng không đạt theo.
Thế là, sở sẽ trách phòng, phòng sẽ trách xuống trường…và giáo viên sẽ là người “chống đối sự chỉ đạo của cấp trên”, là “giao việc không làm”, là “phân công nhiệm vụ từ chối”, là “chưa hoàn thành nhiệm vụ”…xem như đủ tội lỗi đổ trên đầu.
Đã có người ví von theo kiểu: “Chỉ tiêu nó như vòi bạch tuộc bám chặt con mồi vào với nhau theo kiểu sống cùng sống mà chết cùng chết. Muốn thoát ra chỉ còn cách hy sinh con bạch tuộc”.
Còn Thông tư số: 59/2012/TT-BGDĐT mọi công văn chấn chỉnh đều vô hiệu
Sau khi có sự phản ánh dữ dội từ dư luận về việc xóa bỏ các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, ngày 3/3/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời ra thông báo về việc:
Lưu ý một số vấn đề liên quan đến tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, Bộ quy định:
“Để đảm bảo hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên có hiệu quả, thiết thực, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các sở giáo dục và đào tạo tăng cường chỉ đạo công tác tổ chức hội thi giáo viên giỏi các cấp, đảm bảo hội thi được thực hiện theo đúng Thông tư số 21/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là do giáo viên tự nguyện, không được ép buộc giáo viên phải tham gia và không được tạo áp lực cho giáo viên để lấy thành tích cho nhà trường dưới mọi hình thức”.
Chỉ tiêu vẫn còn kia, Thông tư 59/2012/TT-BGDĐT vẫn còn đó, làm sao giáo viên được “tự nguyện” mà không bị ép buộc?
Hãy thi tuyển lớp 6 công khai giữa VNEN và truyền thống để đánh giá cho đúng |
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở thì thêm việc cho cấp sở, cấp phòng “sao y bản lệnh” gửi về nhắc nhở các trường cho nó “đúng quy trình”.
Ví như không bắt ép giáo viên đi thi giáo viên dạy giỏi các cấp thì trường lên chuẩn (hoặc giữ chuẩn) sẽ không đủ chỉ tiêu như Thông tư 59 quy định.
Chỉ tiêu thiếu thì nhà trường sao có thể lên chuẩn quốc gia? Trường sao có thể giữ được chuẩn như quy định? Vậy trách nhiệm không chỉ mình trường phải chịu mà sẽ liên đới đến nhiều cấp khác như cấp phòng, cấp sở.
Điều này không lẻ Bộ Giáo dục và Đào tạo không biết? Hay biết mà cấp Bộ cứ làm ngơ?
Bộ Giáo dục và Đào tạo "buộc chuông" thì chỉ có Bộ mới cởi được.
Nếu thật sự muốn cởi trói cho giáo viên, muốn xóa bỏ căn bệnh dối trá trong giáo dục như hiện nay, thì nơi áp dụng đầu tiên chính là Bộ Giáo dục chứ không phải các trường học.
Thế nên giáo viên chúng tôi rất mong quý thầy lãnh đạo Bộ và đặc biệt là đội ngũ tham mưu, hãy nhanh chóng rà soát và bãi bỏ các thông tư bất hợp lý, dễ tạo động lực hình thành các cuộc đua thành tích ảo trong trường học.