Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1, khai mạc ngày 19/6, tại Hà Nội có sự tham dự của một số thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông; các nhà khoa học, nhà giáo dục có uy tín; đại diện một số trường đại học sư phạm, một số nhà xuất bản cùng cán bộ, chuyên viên của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo.
Xác định thẩm định sách giáo khoa là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngoài các văn bản pháp lý hiện có về thẩm định sách giáo khoa, yêu cầu có một bộ chỉ báo tiêu chuẩn trong quá trình thẩm định là rất cần thiết, nhằm giúp cho các thành viên Hội đồng thẩm định có kiến thức đầy đủ, thống nhất về quan điểm, nhận thức các nội dung đã được quy định trong Thông tư 33, từ đó có đánh giá khách quan, khoa học và chính xác đối với các bộ sách được thẩm định và kết quả là chọn được bộ sách tốt.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
“Tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải đưa ra được bộ chỉ báo tiêu chuẩn thống nhất, từ cách hiểu, cách thực hiện tới cách đánh giá. Mỗi chỉ báo cụ thể hóa nội dung, mục tiêu của từng môn học, năng lực cần đạt được của người học; từ đó, các thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, bao gồm 2/3 là giáo viên đang đứng lớp có thể thẩm định chính xác, khách quan và công bằng” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới tính thực tế và khoa học của các chỉ báo, đảm bảo sách giáo khoa có thể sử dụng lâu dài, tránh lãng phí.
Để các nhà xuất bản bám sát yêu cầu của Hội đồng thẩm định và chỉnh sửa kịp thời trong quá trình biên soạn sách, Bộ trưởng đề nghị sau khi xây dựng xong tài liệu tập huấn với những chỉ báo tiêu chuẩn cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, sẽ công bố bộ chỉ báo này.
Bộ trưởng đánh giá cao tâm huyết của những cá nhân, tổ chức đang tham gia công tác biên soạn, đồng thời khẳng định, nhiệm vụ của những người tham gia thẩm định sách giáo khoa là khách quan, công bằng và chất lượng.
Đại biểu Quốc hội lo loạn sách khi vào chương trình mới |
“Biên soạn và ban hành sách giáo khoa là việc được cả xã hội trông đợi, áp lực viết sách rất lớn, áp lực cho Hội đồng thẩm định cũng rất cao.
Chúng ta chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì vậy, tôi mong rằng, sẽ có một bộ tài liệu tập huấn thật tốt, làm cơ sở, căn cứ cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa hoàn thành nhiệm vụ thẩm định, trước mắt là cho 8 môn học dành cho lớp 1", Bộ trưởng nêu rõ.
Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 diễn ra trong 3 ngày (19, 20, 21/6). Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung: Thông tư 33 và dự thảo hướng dẫn thực hiện quy trình thẩm định, phê duyệt để sử dụng sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư 33; dự thảo tài liệu Giáo dục bảo vệ môi trường và Biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới; dự thảo tài liệu hướng dẫn tránh định kiến trong biên soạn sách giáo khoa; dự thảo bộ chỉ báo tiêu chuẩn sách giáo khoa…
Trước đó, ngày 22/12/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.