“Bộ Giáo dục và đào tạo giống như Bộ thi vậy”

10/01/2017 06:15
An Nguyên
(GDVN) - Thay vì mất quá nhiều thời gian vào thi cử, hãy giành thời gian và sức lực ấy cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục Đại học.

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị toàn quốc bàn về “giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, diễn ra ở Đà Nẵng cuối tuần qua.

Bộ giáo dục cứ như “Bộ thi”

Bộ trưởng cho rằng, có một đặc điểm chung ở cả trường công lập và ngoài công lập là chưa quan tâm xứng đáng đến nghiên cứu khoa học.

Hầu như các trường chỉ dành trọng tâm cho đào tạo, trong vấn đề đào tạo thì chỉ chú trọng chăm lo cho tuyển sinh.

“Nhiệm vụ của Đại học là đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học, đây là những yếu tố làm nên thương hiệu của một trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho thi cử. Ảnh: An Nguyên
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho thi cử. Ảnh: An Nguyên

Nghiên cứu khoa học là nâng cao chất lượng rồi mới tính đến chuyển giao sáng chế, phát minh, nghiên cứu ra bên ngoài” Bộ trưởng nói.

Theo đó, ông Nhạ khẳng định, sắp tới Bộ sẽ không dành nhiều thời gian về việc tuyển sinh như những năm qua.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ khai tử những trường đại học không đạt chuẩn

Thay vào đó, sẽ dành trọng tâm thời gian và sức lực cho công tác nâng cao chất lượng.

“Tới đây, Bộ GD&ĐT có phải tiếp tục cùng các đồng chí đi tuyển sinh không?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi trước hơn 270 lãnh đạo các trường Đại học trong cả nước.

Trả lời cho câu hỏi đó, ông Nhạ cho rằng, Bộ sẽ không tiếp tục cùng các trường đi tuyển sinh nữa mà tập trung xây dựng đường lối, chính sách phát triển tổng thể.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Bộ sẽ tập trung vào quy hoạch mạng lưới, xây dựng đường lối chính sách giáo dục.

Thực hiện hỗ trợ, động viên và đứng ra bảo vệ các đồng chí và răn đe nếu ai đi chệch đường.

Bộ sẽ không mất quá nhiều thời gian cho thi cử. Kỳ thi này chưa qua kỳ thi khác đã đến, Bộ GD&ĐT giống như ‘bộ thi’ vậy”.

Bộ trưởng chia sẻ, hiện nay tâm lý dư luận quan tâm đến vấn đề thi cử quá nhiều.

Tại nhiều hội nghị, dù bản thân ông rất muốn được trả lời những câu hỏi về chiến lược, về những giải pháp lâu dài cho ngành nhưng cuối cùng nhiều đại biểu cũng lại hỏi về thi.

Tuy nhiên, ông Nhạ cũng nhìn nhận: “Nhưng tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Bản thân chúng ta cũng đã dành nhiều thời gian cho thi cử quá”.

Trong đó, Bộ trưởng thừa nhận, chính bản thân ông cũng đang mất quá nhiều thời gian cho thi cử và thấy việc dành thời gian cho thi cử là quá lãng phí và cần phải thoát khỏi “quỹ đạo” thi cử này.

Giáo dục phải tăng cường quốc tế hóa

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân nhạ cho rằng, chưa bao giờ ngành giáo dục đứng trước một thách thức lớn như hiện nay. Đó là thách thức về chất lượng giáo dục Đại học.

"Sản phẩm giáo dục cũng như hàng hóa, nếu kém không ai dám dùng"

"Sản phẩm giáo dục cũng như hàng hóa, nếu kém không ai dám dùng"

“Chúng ta đang trước một nghịch lý là: yêu cầu, nhu cầu về chất lượng giáo dục cao nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng và môi trường cơ chế, thể chế nền kinh tế thị trường còn nhiều vấn đề cần bàn cãi” Bộ trưởng Nhạ nói.

Để giải được bài toán này, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ xã hội, của cả thể chế.  Nhưng trước hết, các Hiệu trưởng trường Đại học phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo của trường mình.

Cũng theo Bộ trưởng, trong giai đoạn hiện tại, để phát triển giáo dục Đại học thì quốc tế hóa là việc làm rất cần thiết.

“Trong xu hướng giáo dục toàn cầu như hiện nay, chúng ta có thể nhập, chuyển giao giáo trình, công nghệ đào tạo. Thậm chí mời cả giáo sư, giảng viên từ nước ngoài về và sáng tạo sao cho phù hợp với điều kiện ở nước ta” Bộ trưởng yêu cầu.

Đồng quan điểm PGS.TS Võ Văn Sen – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM cho rằng, thời gian qua, giáo dục nước ta đã có những phát triển lệch lạc và cần phải sửa chữa.

Công thức để sửa chữa hiện nay là chúng ta phải đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục. 

Phải hội nhập quốc tế, có thể bắt chước các chương trình giáo dục tiến bộ rồi dựa trên cơ sở đó để tiếp thu, chọn lọc và phát triển rồi tự lập sau.

“Chúng ta phải hội nhập, phải quốc tế hóa càng nhiều càng thành công” ông Sen khẳng định.

An Nguyên