"Bỏ thi tốt nghiệp THPT nhưng phải gắn với cải cách tuyển sinh ĐH"

03/08/2013 07:44
Nguyễn Thành Lưu - Hà Nội
(GDVN) - "Nên thay việc tổ chức thi tốt nghiệp PTTH bằng hình thức xét cấp Giấy chứng nhận hoàn thành phổ thông trung học cho những học sinh đạt chuẩn kiến thức đã được học ở bậc phổ thông...".
Đó là ý kiến của độc giả Nguyễn Thành Lưu - Hà Nội gửi đến báo Giáo dục Việt Nam sau khi nhân chuyện Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu lại vấn đề bỏ thi tốt nghiệp PTTH. Độc giả Nguyễn Thành Lưu đã gửi tóm tắt đề xuất cũ của ông tới báo Giáo dục Việt Nam, chúng tôi xin trân trọng đăng tải, giới thiệu bài phân tích này đến với độc giả.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Theo tôi, bỏ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là điều nên làm nhưng phải gắn với việc cải cách thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng và xa hơn là cơ chế đánh giá, giám sát toàn bộ quá trình dạy và học một cách triệt để và tổng thế.

Theo đó, nên thay việc tổ chức thi tốt nghiệp PTTH bằng hình thức xét cấp Giấy chứng nhận hoàn thành phổ thông trung học cho những học sinh đạt chuẩn kiến thức đã được học ở bậc phổ thông.

Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận này trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng các trường phổ thông trung học. Học sinh được cấp giấy chứng nhận có thể tham gia ngay vào thị trường lao động hoặc đi học nghề.

Những ai muốn học cao hơn thì bắt buộc phải tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng quốc gia do Bộ Giáo dục & Đào tạo thống nhất quản lý. 
Kỳ thi tuyển sinh Đại học cao đẳng quốc gia này khác cách thi tuyển sinh hiện đang được Bộ áp dụng. Theo đó, hàng năm Bộ sẽ lựa chọn các tổ chức giáo dục đạt tiêu chí đề ra trên khắp cả nước để giao thầu tổ chức thi và chấm thi theo một đề thi thống nhất do Bộ quản lý.

Sau đó, Bộ sẽ cấp Giấy chứng nhận kết quả thi quốc gia cho thí sinh. Sau khi có kết quả thi quốc gia, các trường Đại học và Cao đẳng trên cả nước sẽ căn cứ vào đó để tuyển sinh. Trường nào có nhu cầu thi tuyển năng khiếu thì sẽ tự tổ chức thêm kỳ thi năng khiếu theo qui định của Bộ 
Phương thức cải cách như trên mang lại rất nhiều lợi ích:
Một là: Giảm tải gánh nặng thi cử cho thí sinh, đỡ lãng phí tiền bạc và thời gian của xã hội trong khi chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo phù hợp cho nhu cầu của mỗi thị trường lao động. 
Hai là: Phân tách được một bộ phận học sinh chỉ có nhu cầu đi làm, học nghề ngay từ giai đoạn đầu, chỉ những ai muốn học thêm mới tham gia kỳ thi tuyển sinh

Ba là: Giảm tải gánh nặng dồn về các thành phố lớn thi tuyển sinh hàng năm, từ nay thí sinh chỉ cần chọn địa điểm thi thuận tiện nhất để đăng ký dự thi, do đó giảm rất nhiều gánh nặng cho xã hội
Bốn là: Các trường rất chủ động trong khâu tuyển sinh, có thể tuyển sinh làm 2 đợt như ở các nước tiên tiến rất dễ dàng
Năm là: Không bỏ sót nhân tài do việc áp dụng cơ chế nguyện vọng cứng nhắc như hiện nay. Ví dụ, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội không tuyển thí sinh đạt 20 điểm trong khi nhiều trường tuyển cả người chỉ đạt 10 - 12 điểm vào học
Trên đây chỉ là những điểm cơ bản, trong đề án chi tiết của tôi còn có cả những biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, giám sát, đánh giá ở từng cấp học, cũng như các giải pháp cho những bất cập có thể phát sinh như thí sinh giỏi dồn vào một số trường “hot” v.v.

Nếu Bộ Giáo dục & Đào tạo quan tâm tôi sắn sàng đến trình bày bất cứ lúc nào.
Nguyễn Thành Lưu - Hà Nội