Các trường tiểu học sẽ đọc 32 cuốn sách giáo khoa vào thời điểm nào?

05/12/2019 06:12
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Đọc hết 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 không phải là một việc dễ dàng trong quỹ thời gian quá ngắn bởi giáo viên vừa dạy, vừa tham gia hội đồng lựa chọn sách.

Lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đến toàn ngành theo từng mốc thời gian cụ thể, chi tiết.

Tuy nhiên, với quá nhiều công việc từ nay đến đầu năm học 2020-2021 thì liệu trong khoảng thời gian còn lại có quá tải cho các nhà trường và giáo viên, đặc biệt là những giáo viên cốt cán hay không?

Bởi, thực tế trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 thì đến thời điểm này chúng ta thấy còn rất nhiều những công việc quan trọng mà các trường học phải thực hiện theo lộ trình của Bộ.

Theo lộ trình thì trong tháng 2/2020 sẽ có rất nhiều việc cho các trường tiểu học (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Theo lộ trình thì trong tháng 2/2020 sẽ có rất nhiều việc cho các trường tiểu học

(Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Ngày 30/11/2019 vừa qua, trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông mới, thời gian lấy ý kiến được Bộ đưa ra mốc cụ thể là đến ngày 30/1/2020.

Như vậy, sau khi lấy ý kiến của xã hội thì phải mất thêm một thời gian ngắn nữa thì Bộ mới có thể ban hành chính thức Thông tư này. Một khi chưa ban hành chính thức thì các trường không thể tự thành lập hội đồng để tự lựa chọn sách. Hơn nữa, sách giáo khoa lớp 1 hiện nay cũng chưa có để các trường có thể tham khảo trước.

Khi Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa được ban hành chính thức thì Bộ còn phải ra văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa, các Sở ra công văn gửi cho các Phòng, Phòng hướng dẫn các trường học.

Khoảng thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn này có nhanh cũng phải mất một vài tuần.Trong khi đó, cuối tháng 1 đầu tháng 2/ 2020 lại trùng với Tết nguyên đán nên các trường học trên cả nước đều phải nghỉ từ 10 ngày đến 2 tuần làm việc.

Đó là chưa kể những dư âm trước và sau Tết thường thì mọi người không được tập trung cho công việc một cách tốt nhất. Vậy nhưng, theo chia sẻ của một số lãnh đạo Bộ trong những ngày qua thì thời gian các trường học phải chọn xong sách giáo khoa là trước tháng 3/2020.

Còn tại điều 9 của dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông mới thì yêu cầu:

“Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục sách giáo khoa được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 05 (năm) tháng”.

Nếu vậy, sau khi lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông mới vào ngày 30/1 và các trường phải chọn xong sách giáo khoa trước tháng 3/2020 thì khoảng thời gian chỉ có  gần 1 tháng, làm sao các trường có thể thực hiện được công việc đúng lộ trình?

Mốc thời gian này, thực tế là Bộ đang đánh đố các địa phương và các nhà trường tiểu học trong cả nước.

Bởi chỉ có tháng 2/2020 mà Bộ còn phải thông qua Thông tư, hướng dẫn các địa phương, các trường học thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, còn mấy ngày nghỉ Tết nguyên đán và các thành viên hội đồng chọn sách giáo khoa các trường đọc 5 bộ sách giáo khoa mới?

Bộ có làm khó các trường?

Dù chúng ta đều biết rằng Chương trình giáo dục phổ thông mới rất quan trọng, lựa chọn một bộ sách giáo khoa phù hợp cho trường mình dạy lại càng quan trọng hơn.

Nhưng, chắc chắn một điều là các trường chỉ có thể bố trí hội đồng lựa chọn sách giáo khoa làm việc vào những buổi không dạy, hoặc ngày cuối tuần chứ không thể bỏ dạy mà ngồi lựa chọn sách giáo khoa được.

Đối với cấp tiểu học thì giáo viên nào dạy lớp đó, rất ít trường có giáo viên dự trữ mà có thì cũng chỉ có thể dạy thay được 1 người mà mỗi hội đồng lựa chọn sách giáo khoa ít nhất phải có 11 người.

Vì thế, giáo viên vẫn phải dạy hàng ngày trên trường, có nhiều trường dạy 2 buổi đối với lớp 1 thì khoảng thời gian ít ỏi đó làm sao thực hiện được đây? Trong khi khoảng thời gian mà Bộ cho phép lại quá hạn hẹp.

Các trường tiểu học sẽ đọc 32 cuốn sách giáo khoa vào thời điểm nào? ảnh 3Lựa chọn sách giáo khoa, sao có thể là một sớm một chiều?

Đọc hết 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 không phải là một việc làm dễ dàng trong quỹ thời gian quá ngắn ngủi bởi giáo viên vừa phải dạy, vừa tham gia hội đồng lựa chọn sách.

Trong khi, việc lựa chọn sách ở đây không phải đọc lướt qua được mà phải đọc nghiền ngẫm, đọc phải ghi chép để so sánh giữa bộ sách này với 4 bộ sách khác. Rồi, chắc chắn hội đồng còn phải thảo luận, góp ý kiến phản biện khi người này ưng bộ sách này, người khác lại ưng bộ sách khác.

Lãnh đạo nhà trường là người quyết định cuối cùng thì tất nhiên cũng phải đọc hết các cuốn sách này để có những định hướng, phân giải khi các thành viên trong hội đồng có những ý kiến khác nhau.

Đó là chưa kể trong những tháng tới đây, những thành viên Ban giám hiệu nhà trường, cán bộ cốt cán trong trường còn phải tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc Bộ đưa ra lộ trình cho việc lựa chọn sách giáo khoa là điều cần thiết nhưng rõ ràng khoảng thời gian mà Bộ đưa ra trong dự thảo của Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông mới là chưa phù hợp và sẽ gây khó khăn cho các nhà trường và các giáo viên.

Thiết nghĩ Bộ cần có những điều chỉnh mốc thời gian cho phù hợp, chứ yêu cầu các trường chọn xong sách giáo khoa lớp 1 trước tháng 3/2020 mà Thông tư hướng dẫn đến 30/1/2020 mới lấy ý kiến xong là điều mà các địa phương, các trường khó thực hiện.

Nếu vẫn giữ mốc thời gian này thì chỉ thuận lợi cho các nhà xuất bản in ấn, phát hành sách giáo khoa nhưng các trường học thì cực kỳ cập rập bởi nhà trường và giáo viên còn phải dạy và có quá nhiều việc phải làm chứ không thể có dành toàn tâm, toàn ý, toàn bộ thời gian cho việc lựa chọn sách giáo khoa!

NGUYỄN CAO