Cấm dạy thêm học thêm của Bộ Giáo dục dễ đi vào... đường cụt

02/11/2012 14:37
Theo Song moi
Dư luận mấy ngày qua đang xôn xao bức xúc với Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT. Mặc dù các địa phương cam kết sẽ thực hiện nghiêm chỉnh nhưng Thông tư này vẫn vấp phải sự phản đối của cả giáo viên, nhà trường, lẫn phụ huynh học sinh vì những quy định vô lý của nó. Có thể nói, trong lúc loay hoay tìm lại hướng đi, Bộ GD-ĐT càng tìm càng đi vào đường cụt.
Cũng giống như dự thảo luật quy định tiêu chuẩn “lớp VIP trong trường công”, Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT hình như cũng được đưa ra trong lúc Bộ rất chi là “đau đầu” vì những hậu quả của căn bệnh “thành tích”, nên đã không sáng suốt ban hành những điều cấm với lẽ tự nhiên.
Hình ảnh ông đồ dạy trò ê a tại nhà đã ghi dấu ấn trong tâm trí biết bao thế hệ. Sự dạy dỗ kèm cặp học trò khi chúng cần kiến thức, tri thức là điều nên làm đầu tiên của người thầy. Khi chương trình lộn xộn, quá tải, khiến học sinh không hiểu bài hoặc có nhu cầu hiểu sâu hơn, tại sao lại phải cấm đoán quá trình tìm hiểu tự nhiên ấy. Đành rằng chuyện cấm này là để chấm dứt tình trạng “trá hình” ép uổng học sinh học thêm tại hầu hết các trường, nhưng không thể phủ nhận, dạy thêm học thêm vẫn có đóng góp nhất định cho sự phát triển tri thức của học sinh.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Sự việc tại Phú Yên mới đây cũng đang “tố cáo” sự mâu thuẫn của ngành giáo dục. 15 thầy cô giáo của trường THPT Lê Hồng Phong, một ngôi trường nổi tiếng với 4 thủ khoa ĐH, 1 học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, đã vi phạm Thông tư 17. Tên của những giáo viên này đã bị “bêu” lên khiến ảnh hưởng không nhỏ đến tư cách đứng lớp của người thầy.

Phải chăng Bộ GD-ĐT quên mất rằng, với các học sinh giỏi đi thi Olympic quốc tế, nếu không nhờ dạy thêm ngoài giờ kiểu luyện gà nòi thì làm sao các em có thể nhuần nhuyễn giải các đề bài khó chỉ với thời gian trên lớp. Vậy mở những lớp luyện thi kiểu này, Bộ có tự vi phạm Thông tư do chính mình đề ra.
Hơn nữa, việc này cũng khiến chính phụ huynh học sinh bức xúc. Bà Trần Thị Nhị ( xã An Hiệp – Tuy An – Phú Yên) có 2 con đang theo học THPT cho rằng, dạy thêm học thêm đâu phải lỗi của học sinh và của giáo viên, mà là lỗi từ chương trình và việc quản lý chương trình. Nếu học trên lớp đủ thời gian và kiến thức để học sinh thi đại học thì đâu cần đi học thêm làm gì. Nhu cầu học thêm là có thật giờ phải giải quyết thế nào?
Hoặc như vợ chồng chị Hương tại Linh Đàm- Hà Nội cũng cho biết, mặc dù con học lớp 6 hệ bán trú, nhưng vợ chồng chị vẫn muốn gửi con cho cô giáo dạy thêm vì bố mẹ không có nhiều thời gian để kèm cặp con. Ngoài ra, chị cũng thú thật, kiến thức lớp 6 của lũ trẻ bây giờ có nhiều bài khác với những gì mình đã học và cũng khó để giảng giải cho con, nhất là môn toán. Vì vậy, cho con đi học thêm để cô giáo dạy kỹ hơn cho con như một “cứu cánh” của gia đình chị.
Với một số gia đình khác, như nhà chị Thanh ở Lạc Trung – Hà Nội, muốn cho con thi vào lớp chọn của trường Tây Sơn, chị phải cho con đi học thêm để luyện các đề bài khó hoặc phản xạ nhanh của con trong việc phát âm tiếng Anh mà không phải trung tâm ngoại ngữ nào cũng có thể dạy kỹ như thế. Với Thông tư này, chị cho biết có thể phải mời cô giáo về nhà dạy kèm, nhưng như thế chưa biết có đủ tiền để trả cho hình thức này không.
Trên thực tế, dạy thêm học thêm là việc không tránh khỏi, có cấm hình thức này thì lại biến tấu sang dạng khác. Việc của Bộ GD-ĐT là giải quyết gốc rễ căn bệnh của mình với chương trình học và cách quản lý chương trình, thì tự khắc sẽ khơi thông dẹp bỏ được mọi vấn nạn hiện nay, dù rằng còn lâu và còn khó, nhưng phải bắt đầu từ đầu, chứ không chỉ ra lệnh cấm là xong.
Xem chừng, nếu không cấm nổi, dễ có khi Bộ GD-ĐT lại xin thành lập lực lượng “cảnh sát giáo dục” với các thầy cô để quản lý việc này. Kiểu ứng xử với cách ban hành luật lẫn Thông tư của Bộ GD-ĐT là luôn chủ quan duy ý chí, bắt ép nhà trường, giáo viên, học sinh tuân theo các luật định mà không cho họ trao đổi hoặc phản biện với tính thực tế. Chỉ riêng với cách hành xử này thôi, cũng đủ thấy Bộ GD-ĐT còn lâu mới đổi mới được, bởi Bộ vẫn toàn đi theo lối mòn, mồm thì hô khẩu hiệu nhưng tay vẫn làm như cũ. Vì khi ra dự luật “lớp VIP” hay Thông tư 17 cấm dạy thêm và học thêm, Bộ cũng đâu có hỏi ý kiến hay trao đổi cởi mở với các em học sinh, những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thông tư, xem chúng có muốn như thế hay không?  Hình như Bộ cũng chẳng quan tâm lắm đến những người mình đang giáo dục và đào tạo, chả trách đi vào đường cụt.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

ĐH Bách Khoa giải thích việc “gây khó” với các GS, PGS đầu ngành

Tâm sự về tình yêu với đất nước Ireland

Nghi vấn cô giáo đâm kim vào tay bé mầm non: Giáo viên chuyển công tác

Cậu bé nghèo từ cõi chết trở về, thi đỗ hai trường đại học

"Hãy nghĩ đến Ireland nếu có quyết định đi du học"

 Clip hot: Sinh viên nhảy Gangnam Style đón Halloween kinh dị

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo Song moi