Chắc tay súng giữ gìn biên giới, mềm tay bút dạy trẻ hàng ngày

14/11/2017 06:51
Thùy Linh
(GDVN) - Không chỉ đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn là người Việt, bộ đội biên phòng ở nhiều địa bàn còn nhận chăm sóc, đỡ đầu học sinh nước bạn Lào, Campuchia.

Trong buổi gặp mặt giữa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia công tác dạy học, xóa mù chữ cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc và có nhiều đóng góp trong việc vận động nguồn lực giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước tới trường đã có nhiều câu chuyện được kể đầy xúc động. 

Hơn chục năm gắn bó với đồn biên phòng huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Thiếu tá Phạm Công Khanh được giao nhiệm vụ là người trực tiếp tham gia dạy xóa mù cho người dân xã Bản Vược. 

Thời gian 2 năm 3 tháng gắn bó với lớp học đã để lại cho anh Khanh nhiều kỷ niệm sâu sắc, hơn cả là anh đã được gần hơn với người dân, hiểu hơn nỗi khó khăn, vất vả, từ miếng cơm manh áo tới ước ao được học cái chữ của người dân nơi đây.

Không chỉ đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn là người Việt, bộ đội biên phòng ở nhiều địa bàn còn nhận chăm sóc, đỡ đầu học sinh nước bạn Lào, Campuchia. (Ảnh: Xuân Trung)
Không chỉ đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn là người Việt, bộ đội biên phòng ở nhiều địa bàn còn nhận chăm sóc, đỡ đầu học sinh nước bạn Lào, Campuchia. (Ảnh: Xuân Trung)

Anh Khanh chia sẻ về trường hợp một trong 6 học sinh hiện đang đồn biên phòng Bát Xát giúp đỡ trong chương trình “nâng bước em đến trường”, đó là em Phạm Phương Anh.
 
Phương Anh ngay từ khi sinh ra đã không có mẹ, bố bị bệnh do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ ông nội nên bản thân em cũng không khỏe mạnh. 

Thương cảm trước hoàn cảnh của em, đồn biên phòng Bát Xát cũng như cá nhân anh Khanh đã có những giúp đỡ thiết thực bằng vật chất và tinh thần để em được chăm sóc sức khỏe và được đến trường.

Cũng từ trường hợp em Phương Anh, anh Khanh mong rằng, Đảng, Nhà nước sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ để những em có hoàn cảnh khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo được chăm sóc về y tế, được tạo điều kiện học tập và hòa nhập. 

Đồng thời, vị Thiếu tá này cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có những rà soát và chính sách tích cực hơn nữa để đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng khó khăn.

Trong khi đó, với 28 năm công tác tại đồn biên phòng tỉnh Đắk Lắk, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng ban Vận động quần chúng đã gắn bó và chứng kiến nhiều những hoàn cảnh khó khăn của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên.

Nhưng hình ảnh những đứa trẻ chạy bộ đến trường giữa nắng gió đã ám ảnh anh để anh đi đến quyết định, xin từng chiếc đạp cũ để sửa chữa lại tặng các em. 

Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc kể về 96 chiếc xe đạp cũ được sửa tặng học sinh (Ảnh: Xuân Trung)
Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc kể về 96 chiếc xe đạp cũ được sửa tặng học sinh (Ảnh: Xuân Trung)

Đến nay, đã có 96 chiếc xe đạp cũ được anh tự tay sửa chữa để tặng cho 96 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Với anh Phúc, đây là việc làm rất nhỏ bé nhưng đó là tình cảm của anh dành cho nhân dân vùng biên giới, đặc biệt là các em học sinh, tiếp thêm niềm tin, niềm vui đến trường cho các em.

Không chỉ đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn là người Việt Nam, những năm qua, bộ đội biên phòng ở nhiều địa bàn còn nhận chăm sóc, đỡ đầu các học sinh nước bạn Lào, Campuchia. 

Chia sẻ về nhiệm vụ này, Thiếu tá Nguyễn Vũ Hợp, chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp cho biết;

Hiện đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước đang nhận cưu mang 6 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 1 em là người Campuchia với mức hỗ trợ mỗi tháng 500 trăm nghìn đồng cho tới khi các em tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Theo anh Hợp, nếu không có sự hỗ trợ thì khả năng đến trường của các em sẽ rất khó khăn, tỷ lệ bỏ học cũng sẽ tăng cao. 

Anh Hợp cũng mong rằng, Nhà nước sẽ có những chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới để đời sống người dân bớt khó khăn, có như vậy mới bảo vệ được biên giới vững chắc.

Thùy Linh