Chẳng lẽ, học sinh và giáo viên cứ mãi thi và thi…?

31/01/2018 07:06
THIÊN ẤN
(GDVN) - "Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng nền giáo dục này".

LTS: Phản ánh nhiều cuộc thi và giáo viên phải tham gia, thầy giáo Thiên Ấn bày tỏ nỗi bức xúc khi ngành giáo dục của chúng ta tổ chức thi cử quá nhiều gây áp lực, chán nản cho cả thầy và trò.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều học sinh từng chán ngán với vô số cuộc thi, hội thi do nhà trường, các cấp quản lý giáo dục từ Phòng Giáo dục và Đào tạo đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra:

Thi vở sạch, chữ tốt; Thi giải toán trên máy tính cầm tay; Thi học sinh giỏi các môn văn hóa; Thi đố vui để học; Thi sáng tạo nhi đồng;

Thi sáng tạo khoa học kĩ thuật; Thi giải toán trên mạng Internet; Thi tiếng Anh trên mạng Internet;

Thi hùng biện tiếng Anh; Thi Tin học trẻ; Thi Hội khỏe Phù Đổng…

Cả giáo viên và học sinh đều cần được giảm bớt các cuộc thi cử. (Ảnh minh hoạ: Giáo dục và thời đại)
Cả giáo viên và học sinh đều cần được giảm bớt các cuộc thi cử. (Ảnh minh hoạ: Giáo dục và thời đại)

Ngoài ra, các ban ngành, tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương (Đảng, Đoàn thanh niên, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Tư pháp, Sở Thể dục Thể thao…) bây giờ cũng coi học sinh trường học trên địa bàn huyện (quận), tỉnh (thành phố) là đối tượng chính để “bắt” thi:  

Thi bí thư đoàn giỏi; Thi giọng hát hay; Thi an toàn giao thông; Thi tìm hiểu về Luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình…; Thi chạy Việt dã…

Trong quá trình học tập ở bậc phổ thông, các em phải trải qua biết bao bài kiểm tra thường xuyên, bài kiểm tra định kỳ, các bài thi văn hóa để được tuyển vào lớp 6, lớp 10.

Trước khi đến kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, mỗi em lại phải thi thử tới mấy lần để tập dượt, làm quen với cách thức, đề thi mới.  

Sau ba năm (từ năm 2014), học sinh cấp tiểu học lên lớp 6 không phải thi tuyển sinh theo quy định tại Thông tư 11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà nước, phụ huynh và học sinh đỡ tốn kém về tiền bạc, công sức, những tiêu cực trong luyện thi và tổ chức thi cũng không còn.

Thế nhưng phương thức xét tuyển của Thông tư 11 lại gây khó khăn trong việc tuyển sinh cho các trường có số lượng lớn học sinh đăng ký vào lớp 6.

Cho nên tại Dự thảo về Quy chế Tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành có một số điều chỉnh, bổ sung tạo điều kiện cho các nhà trường chọn được học sinh có chất lượng, tương đối chính xác và công bằng hơn.

Chẳng lẽ, học sinh và giáo viên cứ mãi thi và thi…? ảnh 2Những nút thắt trói chặt nhà trường, giáo viên, học sinh với các cuộc thi

Như vậy, các trường tiểu học đánh giá, phân loại học sinh không xong (toàn giỏi, xuất sắc hết).

Bây giờ nhiều địa phương, nhiều con em học sinh phải quay về với “ma trận” ngày xưa, ôn luyện đêm ngày và thi cử đầy căng thẳng, cùng với nhiều hệ lụy, tiêu cực khôn lường.

Các địa phương trước đây thường chọn phương thức xét tuyển thay cho phương thức thi tuyển cho tuyển sinh vào lớp 10 theo quy định mở của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế xét tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Nhưng thật buồn, sau một thời gian, nhiều trường Trung học cơ sở đánh giá, ghi điểm, kết quả học bạ thiếu đồng bộ, không công bằng, các Sở Giáo dục và Đào tạo đành phải quay lại con đường xưa: thi tuyển.

Những năm trước và tuyển sinh Đại học năm 2018 sắp tới, một số trường Đại học như Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh trước khi xét tuyển, với mục đích để chọn đúng học sinh hơn theo học một số ngành nghề, lĩnh vực.

Có lẽ, bậc giáo dục phổ thông Việt Nam, con em của chúng ta phải trải qua nhiều bài kiểm tra, kỳ thi cử liên quan đến điểm số, kết quả thi cử, thành tích thi đua… vào loại cao nhất trên thế giới và khu vực.    

Về thầy cô giáo thì sao? Có mấy năm trước kia và các năm gần đây, giáo viên tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường, muốn được vào biên chế, có chỗ dạy thì phải đăng ký và tham gia kỳ thi tuyển viên chức (giáo viên) do địa phương tổ chức.  

Theo Quy định của Bộ Nội vụ và Hội đồng thi và xét tuyển viên chức của các địa phương thì mỗi thí sinh phải “đánh vật” với 4 bài thi: Ngoại ngữ, Tin học, Chuyên môn và kiến thức chung.

Chẳng lẽ, học sinh và giáo viên cứ mãi thi và thi…? ảnh 3Học sinh đang tham gia quá nhiều các cuộc thi

Các địa phương có lý khi chọn hình thức thi tuyển vì số lượng thí sinh thường tham gia dự thi quá đông so với nhu cầu cần tuyển dụng, có môn tỉ lệ chọi lên đến 1 chọi 20-30 người.

Các em thí sinh chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong lúc ôn tập và thi cử.

Đây là hậu quả tất yếu của tình trạng đào tạo ồ ạt giáo viên các cấp học trong một thời gian dài mà không tính toán, cân đối giữa cung và cầu.

Trở thành thầy cô giáo rồi, tiếp tục vật vã với các cuộc thi, hội thi ngày càng nhiều:

Thi vận dụng kiến thức liên môn; Thi dạy chủ đề tích hợp; Thi giáo viên dạy giỏi các môn văn hóa; Thi giáo viên chủ nhiệm giỏi; Thi tổng phụ trách đội giỏi; Thi đồ dùng dạy học tự làm….

Làn sóng phản đối các kỳ thi, hội thi không cần thiết, vô bổ… dành cho giáo viên và học sinh trở nên mạnh mẽ, gay gắt hơn bao giờ hết trên các diễn đàn báo chí.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc phải ra hai văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo ra soát, xem xét và tinh giảm bớt những cuộc thi, hội thi từng gây nhiều bức xúc trong nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.

Hy vọng tình trạng loạn thi sẽ chấm dứt để giáo viên, học sinh bớt lao tâm, khổ tứ, tập trung thời gian, trí lực cho hoạt động giáo dục tại trường, lớp.

Giáo viên dạy lâu năm, có nhiều thành tích, cống hiến đối với ngành nhưng muốn được thăng hạng (thay đổi thang bậc lương) (từ hạng 4 lên hạng 1) thì lại khổ sở, tất bật với việc làm hồ sơ, tham gia học, ôn tập và thi lấy các chứng chỉ còn thiếu theo quy định.

Đồng thời nhức mình và ngán ngẩm với kỳ thi sát hạch có đến 4 nội dung thi (4 bài thi): Tin học, Ngoại ngữ, kiến thức chung và chuyên môn nghiệp vụ.

Những giáo viên lớn tuổi, có chuyên môn, năng lực làm việc, giảng dạy tốt ở tại nhà trường, không dễ dàng gì vượt qua được những bài lý thuyết, những môn học đã trở nên xa với công việc thường nhật của mình (như Ngoại ngữ), nếu tổ chức thi một cách chặt chẽ, nghiêm túc.   

Cần thay đổi cách quản lý; kiểm tra, đánh giá; nội dung, chương trình (đang triển khai) nhằm tiến tới tất cả nhà trường, thầy cô giáo, các em học sinh phổ thông đều ý thức, tự giác trong dạy - học, rèn luyện, nâng cao chất lượng giáo dục, chứ không nhất thiết cứ phải thi cử nhiều, triền miên mới chịu làm việc, học tập, đổi mới, sáng tạo...

Nhiều người từng gán cho Bộ Giáo dục và Đào tạo của chúng ta là Bộ Thi.

Sự thật, đúng đến 100%.

Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức (ngày 15/12), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chỉ rõ thực trạng:

Chúng ta đang lao đao, điêu đứng bởi nền giáo dục ứng thí. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng nhận hòn đá tảng nền giáo dục này.

Đến giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn loay hoay về việc thi cử”. 

THIÊN ẤN