Chị chỉ bán cá ngoài chợ, nhưng tôi đã sửa được sai nhờ lòng bao dung của chị

24/03/2018 07:33
Đỗ Quyên
(GDVN) - Tôi đã rất may mắn khi gặp được chị. Không ngờ người phụ nữ suốt ngày chỉ ngoài chợ bán cá mà lại có suy nghĩ thấu đáo như thế.

LTS: Là một giáo viên từng áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để phạt học trò mắc lỗi, cô giáo Đỗ Quyên đã nhìn nhận lại và có những thay đổi tích cực hơn trong việc giáo dục học trò sau một buổi trò chuyện với phụ huynh học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhân câu chuyện phụ huynh tới trường bắt cô giáo phải quỳ, tôi lại nhớ đến một phụ huynh học sinh của tôi hơn 20 năm về trước.

Nếu như ngày ấy, chị cũng hành động như vị phụ huynh mang danh luật sư kia thì có thể biết đâu đấy, tôi đã không còn được đứng trên bục giảng như bây giờ.

Tôi càng biết ơn về cách xử sự của chị. Nhờ thế, tôi đã rút được khá nhiều kinh nghiệm trong việc ứng xử với học sinh của mình.

Ngày ấy, tôi mới ra trường và được phân công giảng dạy tại một ngôi trường nhỏ ở một làng ven biển. Tôi chủ nhiệm lớp 3.

Việc sử dụng đòn roi có thể khiến học sinh bị áp lực tâm lý. (Ảnh minh họa: VTV)
Việc sử dụng đòn roi có thể khiến học sinh bị áp lực tâm lý. (Ảnh minh họa: VTV)

Dù dạy chưa lâu nhưng nhiều đồng nghiệp lớn tuổi trong trường đều nhận xét tôi rất nhiệt tình và luôn yêu thương học sinh.

Nhờ thế mà những học sinh trước đây thường xuyên không thuộc bài, không làm bài tập ở nhà hay nói tục chửi thề…đều đã tiến bộ rõ rệt.

Tan học nhưng tôi có thể ngồi thêm cả tiết để giảng thêm cho những học trò yếu… Có điều tôi vô cùng nghiêm khắc và thường hay dùng đến hình phạt chứ không thể nói suông.

Tôi thường áp dụng là phạt quỳ, úp mặt vào tường hoặc phạt roi tùy từng khuyết điểm của các em mắc phải.

Tôi càng trở nên mạnh tay phạt học trò khi có khá nhiều phụ huynh đến nhờ vả:

Nó (học sinh) sợ cô lắm. Từ ngày học với cô, nó chăm học hẳn lên chứ trước đây mẹ có la mắng hoài nó cũng chẳng sợ. Nó hư, không nghe lời, cô cứ đánh giùm tôi gia đình không có ý kiến gì cả".

Người lại “trăm sự nhờ cô. Cô cứ phạt mạnh tay cho nó chừa…”.

Chị chỉ bán cá ngoài chợ, nhưng tôi đã sửa được sai nhờ lòng bao dung của chị ảnh 2Thư gửi các đồng nghiệp thân yêu

Hôm ấy, sau khi gọi học trò lên làm bài tập, tôi đã rất giận vì một số em làm bài không được, hỏi đến bảng nhân chia các em không nhớ.

Tôi đã cầm thước quất cho mỗi em vài roi.

Riêng Thảo còn bị quất hơn các bạn 2 roi vì tội là cán bộ lớp nhưng chưa gương mẫu.

Ngày hôm sau, Thảo vắng học, tôi cứ ngỡ em bị bệnh gì đó nhưng ba mẹ chưa kịp xin phép. Ngày ấy chưa có điện thoại như bây giờ nên liên lạc giữa giáo viên và phụ huynh cũng vô cùng khó.

Hôm đó, vừa đi dạy về, tôi thoáng thấy bóng một người phụ nữ đang thập thò ngoài cổng.

Thấy tôi, chị nói nhỏ: “Tôi là phụ huynh em Thảo. Tôi muốn gặp cô một chút được không?

Nói thật lúc ấy, người tôi run bắn lên, tim đập loạn xạ. Tôi mường tượng ra cảnh chị sẽ xông vào nhà chửi bới, thậm chí hành hung tôi.

Thấy thái độ chị cũng nhã nhặn, tôi vội trấn tĩnh, mời chị vào nhà. Một số đồng nghiệp tò mò hỏi (chúng tôi ở cùng tập thể): Có chuyện gì vậy? Phụ huynh đến mắng vốn à?

Vào nhà, chị nói rằng Thảo đang bệnh nên không đi học được. Hôm ở lớp, cô đánh cháu mấy roi về bầm tím cả mông. Nó hoảng sợ nên phát sốt vì lần đầu tiên bị đánh đau và đánh nhiều như thế.

Rồi chị kể rằng, vợ chồng mình lấy nhau cả chục năm, đi chạy chữa khắp nơi, cầu khấn nhiều cửa đền trời thương mới sinh được Thảo. Thế nên cha mẹ cưng như trứng và chẳng bao giờ la mắng hay “đụng đến lông chân”.

Chị kể, hôm qua, Thảo đi học về khóc rất nhiều nên ba nó rất bực. Ông nổi nóng định chạy lên trường làm cho ra lẽ nhưng chị đã ghìm lại.

Chị nói mình biết tính chồng rất nóng lỡ không kìm chế mà xảy ra chuyện không hay. Trước khi đi đến đây chồng chị còn dặn lên ngay phòng hiệu trưởng để báo cáo nhưng chị không làm.

Chị chỉ bán cá ngoài chợ, nhưng tôi đã sửa được sai nhờ lòng bao dung của chị ảnh 3Có nên dùng đòn roi với học trò?

"Chị biết nếu làm thế, mọi người sẽ lên án, chửi bới em, em sẽ mất uy tín với trường. Và như thế sẽ khó khăn cho việc dạy của em sau này.

Chị hiểu em rất thương học trò nên mới nghiêm khắc nhưng đánh trò đến nỗi chúng sợ không dám đi học thì cô đã giáo dục sai rồi”.

Tôi ngồi nghe chị nói lại càng phục chị hơn. Không ngờ người phụ nữ suốt ngày chỉ ngoài chợ bán cá mà lại có suy nghĩ thấu đáo như thế.

Tôi đã rất may mắn khi gặp được chị. Một vài đồng nghiệp của tôi cũng từng đánh học sinh bị phụ huynh kiện hết cấp này đến cấp khác. Rồi bị nhà trường kỉ luật, cảnh cáo đến khổ sở.

Tiễn chị về rồi, tôi suy nghĩ mãi về chuyện phạt học sinh. Giá không phải là chị mà là một ai khác tôi sẽ phải rắc rối đến thế nào trong khi mình mới chỉ là giáo viên hợp đồng.

Thế là từ đó về sau, dù nóng giận đến thế nào trước sự lì lợm của trò tôi cũng cố gắng ghìm lại.

Tôi đã học hỏi, tìm tòi thêm những phương pháp giáo dục các đối tượng học sinh một cách hiệu quả từ những đồng nghiệp đi trước của mình và tôi đã thành công khi không phải dùng đến đòn roi mà trò vẫn luôn nghe lời.

Đỗ Quyên