Chỉ có giáo dục mới thay đổi được số phận cá nhân, vận mệnh quốc gia

03/07/2020 05:58
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dám “từ quan” để ra ngoài làm việc ở khu vực tư nhân là điều không mấy người lựa chọn. Nhưng ông Bạch Ngọc Chiến đã chọn hướng đi như vậy.

Dám “từ quan” để ra ngoài làm việc ở khu vực tư nhân là điều không mấy người lựa chọn. Nhưng, đã có những con người như thế. Họ chấp nhận mạo hiểm để theo đuổi đam mê, thoả sức sáng tạo, được tự do làm những việc mình yêu thích.

Những ngày cuối tháng 6/2020, ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam thông báo trên trang cá nhân của mình rằng:

“Từ 1/7/2020 tôi thôi làm việc nhà nước và chuyển sang làm cho một công ty tư nhân. Đây là một quyết định đã được suy xét kỹ càng”.

Ngày 1/7/2020, theo thông báo của Tập đoàn giáo dục EQuest thì ông Bạch Ngọc Chiến chính thức làm việc tại tập đoàn với chức danh Phó chủ tịch tập đoàn.

Ông Bạch Ngọc Chiến (ảnh: NVCC)

Ông Bạch Ngọc Chiến (ảnh: NVCC)

Thông tin về ông Bạch Ngọc Chiến rời cơ quan nhà nước sau 23 năm nắm giữ các vị trí quan trọng để ra làm việc cho một đơn vị tư nhân đã trở thành sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian vừa qua.

Sinh năm 1971, công việc ổn định với vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam. Một công việc ổn định, thu nhập ổn định và rất đáng mơ ước của bao người.

Thế nhưng lại gạt ngang, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam về lý do “từ quan” để ra ngoài làm việc ở khu vực tư nhân, ông Bạch Thái Chiến cho hay:

“Tôi vẫn được đồng nghiệp và cấp trên đánh giá là “có cá tính” và dám nói dám làm. Khi cảm thấy mình không thể phát triển hơn nữa trong công việc tôi lựa chọn thay đổi, chấp nhận thách thức mới để hoàn thiện mình.

Tôi đã từng làm cho công ty tư nhân trước khi thi vào công chức và cũng khá thành công. Lần này “vốn liếng” kinh nghiệm và kiến thức nhiều hơn nên tôi nghĩ mình có thể tồn tại được”.

Khi phóng viên băn khoăn, là người có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực như ngoại giao, truyền thông, quản lý nhà nước… vì sao khi “từ quan” ông lại chọn giáo dục là lĩnh vực để “đầu quân” thì được tân Phó chủ tịch tập đoàn EQuest chia sẻ rằng, chỉ có giáo dục mới thay đổi được số phận cá nhân và vận mệnh quốc gia, ngoài ra duyên nợ của mình với giáo dục khá sớm, khá nhiều.

“Tôi đã và vẫn tham gia giảng dạy đào tạo. Từ thực tiễn làm việc tôi nhận thấy giáo dục hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có thể đáp ứng được các thách thức trong tương lai.

Đây cũng là lĩnh vực sôi động và không thể thiếu trong xã hội. Khi tham gia EQuest tôi có thể thực hiện một số chương trình giáo dục mà tôi ấp ủ hoặc đang làm dở”, vị này trải lòng.

Bởi lẽ, ông Chiến từng khởi nghiệp là giáo viên tiếng Anh tại Trung tâm tiếng Anh Đại học Bách khoa, rồi sau đó là Viện Đại học Mở.

Khi đã có chút “danh” ông được mời làm giảng viên thỉnh giảng cho các trường như Học viện Báo chí, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Tư pháp, Học viện Ngoại giao…

"Tôi thích công việc này vì có thể chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện của mình", ông Chiến chia sẻ.

Trong lĩnh vực giáo dục, điều khiến ông Chiến trăn trở và muốn khai thông nhất đó chính là mong muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam để cung cấp cho học sinh Việt Nam một công cụ hữu ích tiếp cận kho tàng tri thức đồ sộ của nhân loại.

“Trong thời điểm hiện nay, tôi cho rằng mấu chốt là tiếng Anh và giáo dục STEM và đã triển khai thử nghiệm tại Nam Định”, ông Chiến nói.

Bởi ông Chiến nhận ra rằng: “Trong gia đình tôi, anh em tôi đều làm được việc nhờ biết tiếng Anh. Từ trải nghiệm cá nhân tôi cho rằng mấu chốt là tiếng Anh và giáo dục STEM. Đây là chìa khoá thành công của các nước và có thể áp dụng được ở nước ta.

Nhiều người cũng đồng ý như tôi nhưng không phải ai cũng có giải pháp. Khi biết chương trình Ismart của EQuest dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh tôi nghĩ đây chính là giải pháp mà chúng ta cần. Vì thế, khi có cơ hội tôi quyết định gia nhập Equest để triển khai Ismart trong quy mô lớn nhất có thể được”.

Được biết, ông Bạch Ngọc Chiến (sinh năm 1971, tại Hà Nội), tốt nghiệp trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, ông thi đỗ vào Bộ Ngoại giao tháng 11/1996 và và kể từ đó đã kinh qua các vị trí: Chuyên viên Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao;

Tuỳ viên báo chí của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ;

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại Bộ Ngoại giao;

Trưởng ban Truyền hình Đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4);

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định;

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam.

Ông Chiến khẳng định: “Trong hơn 23 năm làm việc trong đó có 13 năm làm quản lý, tôi tự nhận là người chăm chỉ, cầu tiến và đàng hoàng. Tôi thấy hạnh phúc vì đã nói được điều mình nghĩ và làm được điều mình nói.

Cho đến nay, tôi thấy vinh dự cũng đã lớn, khả năng đáp ứng và thích ứng với yêu cầu công việc ở cấp độ cao hơn của tôi đã đến giới hạn và cũng không thấy có triển vọng phát triển hơn nữa. Vì thế tôi quyết định chuyển sang công việc mới phù hợp với sở thích và sở trường của tôi”.

Có người vui mừng và có người buồn trước quyết định của ông Chiến. Nhưng ông cho rằng, quyết định công việc của mình không thể phụ thuộc vào cảm xúc của người khác, dù đó là người yêu mến hay là người không thích mình.

“Cuộc đời của tôi phải do tôi quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tôi đã nhiều lần thay đổi công việc và mỗi lần thay đổi là một lần tôi tiến bộ vì tôi học thêm được kỹ năng và kiến thức mới.

Các kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức trong các công việc vừa qua đã giúp tôi tạo dựng được một vốn xã hội khá lớn, làm cho tôi “có giá” trong thị trường lao động hiện nay.

Tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của quyền lực chuyên môn nên luôn cố gắng tích luỹ kiến thức kỹ năng để có thể làm việc và có thu nhập tốt đến hết đời mà không cần phải sống nhờ lương hưu hay tài sản tích cóp, tiết kiệm được trong lúc đi làm.

Càng ngày tôi càng hiểu ra rằng năng lực của mình rất nhỏ bé so với nhiều người khác, sự thiệt thòi của mình cũng quá nhỏ bé so với thiệt thòi và bất công mà nhiều người phải chịu đựng”, ông Chiến nói.

Ông cũng chia sẻ đã trải qua vài lần khủng hoảng và nhờ nhận thức được điều đó và suy nghĩ tích cực nên tôi đều vượt qua được khó khăn và trưởng thành.

“Hơn nữa, tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều so với chính bạn bè cùng làng, cùng tuổi, cùng lớp cũng như vô số người khác trong xã hội.

Tôi luôn biết ơn đời đã cho tôi một sự nghiệp sôi nổi suốt 1/4 thế kỷ vừa qua và tin rằng sẽ tiếp tục như thế trong ít nhất 1/4 thế kỷ sắp tới.

Vì biết ơn đời nên tôi luôn tâm niệm phải trả ơn đời và đã hành động như thế trong những tháng năm qua và sẽ hành động như vậy cho đến hết cuộc đời này. Chỉ như thế, tôi nghĩ, cuộc đời mới có ý nghĩa và đáng sống”, ông Chiến chia sẻ.

Thùy Linh