Cho phép dạy thêm trên tinh thần tự nguyện, nhưng thế nào là tự nguyện?

19/10/2016 07:25
Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu không phân biệt và có cái nhìn đúng đắn giữa tự nguyện học thêm với học thêm bị ép buộc, vấn nạn dạy thêm, học thêm vẫn sẽ mãi là mớ bòng bong!

LTS: Sau bài viết “Ngăn chặn vấn nạn dạy thêm đã trở về vạch xuất phát” của cô giáo Đỗ Quyên đăng trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Phan Tuyết đã tiếp tục có bài viết bàn luận về vấn đề này.

Bài viết cho rằng khi vẫn tồn tại tâm lý lôi kéo của giáo viên và hoang mang của phụ huynh, học sinh thì rất khó để nhận dạng được việc học thêm tự nguyện với không tự nguyện và giải pháp dạy học 2 buổi/ ngày cũng sẽ không phát huy được hiệu quả như mong đợi ban đầu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Mới đây, sau một thời gian dài ban hành lệnh cấm dạy thêm trên địa bàn toàn thành phố thì thành phố Hồ Chí Minh lại cho phép dạy thêm trở lại trong nhà trường trên tinh thần tự nguyện của gia đình học sinh (ngoại trừ học sinh Tiểu học và học sinh học 2 buổi/ ngày).

Nghe ra thì rất hợp lý bởi học trên tinh thần tự nguyện nếu ai thích thì đi còn ai không thích thì không đi học thêm cũng chẳng làm sao.

Mà từ xưa đến nay, học sinh đăng kí học thêm đều dựa trên tinh thần tự nguyện, có đơn xin học thêm với chữ kí của cha mẹ hẳn hoi đó chứ?

Thành phố Hồ Chí Minh vừa cho phép các trường được tổ chức dạy thêm, học thêm lại trong trường (Ảnh: Vietnamnet.vn).
Thành phố Hồ Chí Minh vừa cho phép các trường được tổ chức dạy thêm, học thêm lại trong trường (Ảnh: Vietnamnet.vn).

Cũng lời cam kết thực hiện đầy đủ các nội quy theo quy định của nhà trường, nhiều học sinh, cha mẹ còn đích thân lên trường xin cho con được theo học thêm của giáo viên… Nhưng trong số những người tình nguyện đó, có mấy ai thật tâm tự nguyện? Còn ai tự nguyện trong thế bắt buộc?

Phân biệt rạch ròi hai hình thức này, có lẽ chỉ thầy cô, người trực tiếp giảng dạy mới hiểu rõ nhất mà thôi.

Đủ mánh khóe chiêu sinh

Với những giáo viên có tâm, không bao giờ họ dùng đến mánh khóe để chiêu sinh học trò đi học thêm, những giáo viên dạy giỏi, có tiếng tăm lại càng không bao giờ phải dùng đến “hạ sách” này.

Họ dạy bằng lương tâm, uy tín của một nhà giáo chân chính, dạy bằng kiến thức nổi trội, khả năng Sư phạm thành thạo của cá nhân mình, bởi thế, những giáo viên này, học sinh thường tìm đến học rất đông.

Cho phép dạy thêm trên tinh thần tự nguyện, nhưng thế nào là tự nguyện? ảnh 2

Học thêm thầy dạy hết rồi, còn gì đâu mà học nữa?

Không ít những học sinh lớp khác, trường khác cũng muốn đăng kí theo học, để được những giáo viên như thế dạy, phụ huynh phải đăng kí danh sách trước đó cả tháng.

Có phụ huynh đi “mòn đường mỏi gối” nhưng cũng chẳng thể chen chân, đôi khi phải nhờ đến các mối quan hệ khác mới xin được, đây mới đúng nghĩa là học thêm tự nguyện.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số giáo viên vì uy tín chưa đủ, khả năng truyền đạt kiến thức chưa sâu nên ít học sinh đăng kí theo học, thế là họ lại tìm mọi cách để dụ dỗ học sinh đi học như dễ dãi hơn trong việc cho điểm, ít bị la mắng nếu làm bài sai, không gọi lên bảng bất thình lình, tận tình giảng giải bài khi các em chưa hiểu.

Với phụ huynh, giáo viên thường xuyên gọi điện thoại thông báo việc con họ học chậm, khả năng tiếp thu bài yếu, nguy cơ không theo kịp các bạn hoặc ở lại lớp nếu gia đình không quan tâm…

Nóng ruột về lực học của con, chẳng phụ huynh nào không đăng kí cho con đi học thêm chính giáo viên ấy mặc dù có những em vẫn đang đi học thêm ở một nơi khác. Với những trường hợp này, có là học thêm tự nguyện không? Đương nhiên là tự nguyện vì cha mẹ đã đồng ý đăng kí cho con đi học, điều khác là đăng kí trong tâm thế bắt buộc.

Vì sao phụ huynh không mặn mà với việc con học thêm trong trường?

Nhiều phụ huynh muốn cho con đi học thêm nhưng lại không mặn mà lắm với việc con học thêm trong nhà trường, bởi nếu các em học thêm ở ngoài, nhóm đông cũng hơn chục em, nhóm học kèm chỉ dăm ba em.

Cho phép dạy thêm trên tinh thần tự nguyện, nhưng thế nào là tự nguyện? ảnh 3

Ngăn chặn vấn nạn dạy thêm đã trở về vạch xuất phát!

Các em được xếp học theo từng nhóm đối tượng nên học sinh rất dễ tiếp thu bài. Cũng một thời gian học như nhau nhưng lượng kiến thức được giáo viên truyền tải nhiều hơn hẳn những lớp học ghép vài ba trình độ trong nhà trường.

Học thêm trên trường, một lớp vài ba chục em; học yếu cũng chẳng được kèm riêng, học giỏi cũng không được nâng cao kiến thức, bởi chỉ có 1 tiếng rưỡi đồng hồ, giáo viên làm gì có thời gian dành riêng cho em nào?

Lượng kiến thức giáo viên truyền tải cũng chỉ nằm trong ngưỡng trên trung bình, do vậy, nhiều phụ huynh vì sợ mất lòng nên đăng kí cho con theo học lớp đại trà trên trường.

Mặt khác, các em vẫn được đi học thêm một lớp bên ngoài với các giáo viên khác.

Với nội dung kiến thức quá tải và cách thức thi cử đầy áp lực như hiện nay, học sinh còn phải đi học thêm nhiều.

Có cầu ắt có cung, do đó để cấm việc dạy thêm, học thêm là điều không thể; cần đưa việc dạy thêm vào khuôn phép, ngoài sự quản lý chặt chẽ của các ban ngành liên quan thì cái tâm của người thầy cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Phan Tuyết