Chủ tịch nước: Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu

27/01/2015 17:11
Phương Thảo
(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh về chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp còn thấp so với yêu cầu.

Sáng nay (27/1), nhân kỷ niệm 20 năm xây dựng và trưởng thành của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và có bài phát biểu đáng chú ý. 

Chủ tịch nước đánh giá cao những đóng góp của hai Đại học Quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) trong thời gian xây dựng và trưởng thành. Đây là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn, mang tầm chiến lược của Đảng khi quyết định “xây dựng hai Đại học Quốc gia thành những  trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực , chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần dần đạt trình độ quốc tế”.

Chủ tịch nước: Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu  ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam Trần Hồng Quân tại buổi lễ.

Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ  và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, các nước vừa hợp tác, vừa cạnh tranh quyết liệt trên mọi lĩnh vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, mọi nước đều có cơ hội, thời cơ phát triển khi tham gia vào thị trường thế giới.

Nhưng bên cạnh đó cũng sẽ đối mặt với những thách thức bị tụt hậu, vượt qua, bị đào thải. Theo Chủ tịch nước, yếu tố quyết định bảo đảm thắng lợi trong cuộc cạnh tranh toàn cầu là năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia mà nền tảng là trình độ khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. 

“Cả hai nhân tố này; trình độ khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực đều trực tiếp có quan hệ tới lĩnh vực giáo dục, đào tạo, là sản phẩm của giáo dục đào tạo. Đây chính là cơ sở để Đảng, Nhà nước xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước” Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước: Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu  ảnh 2

Chủ tịch nước trao tặng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chữ Trí.

Đánh giá về thực trạng của chất lượng giáo dục hiện nay, Chủ tịch nước cho rằng chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, phương pháp  dạy và học, việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất, đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo còn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việc.

Đây là những vấn đề được Chủ tịch nước cho rằng đã gây bức xúc trong xã hội, cản trở sự phát triển của đất nươc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng này ngay tại Hội nghị TƯ 8 (Khóa XI) đã ra Nghị quyết “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Đối với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, xác định vị trí, vai trò là Đại học trọng điểm của cả nước, Chủ tịch nước yêu cầu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần phải đi đầu, thực hiện sáng tạo, có hiệu quả cao mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra.

Chủ tịch nước: Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu  ảnh 3

Chủ tịch nước giao 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cho Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, trong những năm tới Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ:

Một là, quán triệt sâu sắc mục tiêu Nghị quyết Trung ương  đề ra cho việc đổi mới, căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, giáo dục đại học tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước...

Hai là, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiềm tra, thi cử, kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, theo các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc tế.

Ba là, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học. Bởi nghiên cứu khoa học không chỉ để phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học của trường vào giải quyết các vấn đề của đất nước mà còn là cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ cả giảng viên và sinh viên.

Chủ tịch nước yêu cầu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong những năm tới cần có thêm nhiều đề tài, công trình nghiên cứu, góp phần giải quyết những vấn đề lớn, thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bốn là, các nhiệm vụ trên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức, có tâm huyết với nghề, say sưa công tác nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó Chủ tịch nước cũng nhắc đến việc mở rộng quan hệ quốc tế, quan hệ nghiên cứu khoa học và liên kết đào tạo với các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo trong nước là cần thiết.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, mở rộng việc giao quyền tự chủ cho các trường Đại học là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cần phải đi đầu về chủ trương này. 

Cũng trong buổi kỷ niệm 20 năm Đại học Quốc gia TP. Hồ chí Minh, giám đốc - PGS. TS. Phan Thanh Bình cho biết, 20 năm, chỉ là một quãng ngắn trong lịch sử một cơ sở đại học, nhưng ở đây không là một đơn vị mới hình thành mà là sự nối tiếp của ngành giáo dục đại học Việt Nam từ thuở Văn Miếu. 

Trong thờ gian đó, đã và đang hình thành một mô hình tổ hợp các trường đại học mạnh, một hệ thống các trường đại học hiện đại từ quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Sức mạnh hệ thống, trong tương tác với xã hội, ngày càng bền vững và phát huy mạnh mẽ đóng góp hiệu quả vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Sau 20 năm xây dựng - phát triển - hội nhập, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã trở thành một hệ thống giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực lớn nhất ở phía Nam, tọa lạc trên diện tích 643,7ha, gồm 6 trường đại học, một viện thành viên và 29 khoa, trung tâm, viện trực thuộc; với 5.662 cán bộ, giảng viên, trong đó có 3.413 giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ từ thạc sĩ trở lên; đào tạo trên 60.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Mỗi năm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cung cấp cho xã hội hơn 10.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ.

Trong 20 năm qua, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh luôn là một trong những đơn vị tiên phong về đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, gắn kết cộng đồng, hội nhập quốc tế; đồng thời đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP.Hồ Chí Minh và cả nước.

Thành quả và mô hình của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã và đang ảnh hưởng tích cực đến tư duy, tầm nhìn của xã hội về vấn đề cải cách và phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai.

Phương Thảo