Điều này nghe có vẻ ngược so với quy trình hàng năm khi phải sau Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng các trường mới được phép công bố chỉ tiêu và hình thức xét tuyển. Việc làm của các trường cũng khiến khá nhiều phụ huynh và thí sinh bất ngờ.
Năm 2015 cũng là năm mà ngành giáo dục và đào tạo đổi mới cách thi và kiểm tra đánh giá, trong đó quan trọng nhất là gộp 2 kỳ thi làm một gọi là kỳ thi THPT quốc gia, kết quả của kỳ thi này là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng trong cả nước xét tuyển.
Tuy nhiên, để có phương án xét tuyển đầu vào các trường phải lập đề án tuyển sinh (gọi là đề án tuyển sinh riêng), cũng theo đó các trường sẽ có hai đợt tuyển sinh trong năm, trong đó đợt một xét theo kết quả điểm học bạ với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2014 về trước, từ những ngày đầu năm.
Ảnh minh họa VNE. |
Ngay từ tháng 1/2015 này, một số trường đại học đã công bố hình thức xét tuyển và chỉ tiêu các ngành học. Theo quan sát của phóng viên, hiện có Trường Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội) tổ chức xét tuyển đợt một năm 2015, từ ngày 1/1 đến hết ngày 15/2/2015. Việc xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập tính theo điểm tổng kết lớp 10, 11 và học kỳ một lớp 12 của ba môn đăng ký xét tuyển theo ngành đào tạo.
Mức điểm trung bình tối thiểu để xét tuyển đối với hệ Đại học là 6 điểm, hệ Cao đẳng là 5,5 điểm. Trường Đại học Thành Đô (Hà Nội) nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 15/1 đến 10/2/2015 và tổ chức nhập học vào ngày 9/3 với tổng số 1.800 chỉ tiêu.
Theo đó, hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT hoặc tương đương tính theo điểm tổng kết lớp 10, 11 và học kỳ một lớp 12 của tổ hợp ba môn xét tuyển lấy từ cao xuống thấp.
Trường sẽ dành 100 suất học bổng trị giá 500 nghìn đồng cho các sinh viên có thành tích xuất sắc. Ngoài ra, quá trình học tập, sinh viên có thể được đăng ký thêm một chương trình đào tạo để được cấp hai văn bằng theo quy định.
Chốt nhiều điểm mới trong Kỳ thi quốc gia năm 2015
(GDVN) - Trong buổi Tọa đàm góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia diễn ra chiều 22/1 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chốt một số điểm ở Kỳ thi quốc gia
Ngoài ra, một số trường cũng thông báo xét tuyển đợt một năm 2015 trên trang thông tin điện tử của mình như Trường Đại học Đông Đô (Hà Nội) xét tuyển từ ngày 1 đến 30/1; Trường Đại học Thành Đông (Hải Dương) xét tuyển từ ngày 2/1 đến 15/3; Trường Đại học Phan Thiết (Bình Thuận) tuyển sinh từ ngày 16/1 đến 5/2…
Theo Bộ GD&ĐT, đến nay đã có hơn 60 trường Đại học, Cao đẳng chính thức được xác nhận đề án tuyển sinh riêng từ năm 2015. Trong đó, có khoảng gần 10 trường được phép tổ chức xét tuyển đợt một ngay từ đầu năm trên cơ sở điểm trung bình học bạ hoặc điểm kết quả học tập THPT theo tổ hợp môn xét tuyển của thí sinh. Đây là lần đầu, các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện đợt xét tuyển sớm ngay từ đầu năm mà không phải đợi đến sau kỳ thi.
Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề, theo quy định của Luật giáo dục Đại học thì cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh; Bộ trưởng GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh. Nhưng cho tới giờ phút này Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được Quy chế tuyển sinh năm 2015 nhưng đã cho một số trường được tổ chức xét tuyển theo đề án tuyển sinh riêng. Hơn ai hết, nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều học sinh, phụ huynh cũng đang chờ nội dung Quy chế này.
Việc một số trường Đại học, Cao đẳng thông báo xét tuyển vào thời gian hiện tại có thể hiểu các trường này vẫn áp dụng theo quy chế từ năm 2014 về trước.
Trong khi chờ Quy chế mới ra đời, các trường có đề án tuyển sinh riêng đã thông báo tuyển sinh. Vậy, khi có Quy chế mới thì liệu các trường này có phải thay đổi (hoặc sửa chữa lại thông tin tuyển sinh) hay không? Và nếu thay đổi thì không ít thí sinh và người nhà của các em sẽ bị ảnh hưởng.
Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Đô TS Ngô Xuân Hà cho rằng, việc triển khai xây dựng đề án mất khá nhiều thời gian, từ đầu năm học, đến ngày 31/12-2014 được Bộ GD&ĐT xác nhận cho tuyển sinh riêng. Nếu quy chế mới ra đời mà khác quy chế cũ, phải xây dựng lại đề án sẽ đẩy các trường vào tình thế quá khó.
Có hai phương án trong tình huống này; nếu Bộ GD&ĐT thay đổi Quy chế mới so với Quy chế cũ sẽ ảnh hưởng tới các trường đã công bố thông tin tuyển sinh và trực tiếp ảnh hưởng tới thí sinh. Thứ hai, nếu Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên quy định như trong Quy chế tuyển sinh năm 2014 thì đó cũng là cách “đổi mới” không giống ai.
Được biết, phải tới đầu tháng 2/2015 Quy chế tuyển sinh mới (Quy chế thi quốc gia) mới được Bộ GD&ĐT ban hành. Và, hiện đang trong quá trình xin ý kiến góp ý từ chuyên gia, từ xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có thể thấy khá nhiều ý kiến bày tỏ trái chiều xung quanh bản Dự thảo Quy chế này.
Có thể nói, chủ trương đổi mới thi cử được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ tháng 2/2014 là chủ trương xuyên suốt, nhất quán cho công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo. Đầu tháng 9/2014, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp và làm căn cứ cho tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Hơn hết, lúc này Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy chế và tránh đưa ra những quyết sách gây nên những rắc rối, băn khoăn không cần thiết, bởi mỗi ngày qua đi, công tác tổ chức thi, tuyển sinh lại càng đến gần khiến cho phụ huynh, học sinh càng thêm lo lắng.