Chuyện tuyển công chức ở Nam Định rồi sẽ trở thành cổ tích!

03/11/2011 10:32
PV
(GDVN) - Bị chê nhiều cũng có lợi. Bởi sẽ tức khí nỗ lực phấn đấu vươn lên. Tôi tin rằng không bao lâu nữa sẽ có một số trường NCL vươn lên top đầu các nước.
Rất bình tĩnh rồi chiêm nghiệm sâu xa - đó là quan điểm của GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Ngoài công lập trước câu chuyện Nam Định nói "không" với sinh viên ngoài công lập trong kỳ thi tuyển công chức.

Định kiến với trường NCL nhưng đừng coi SV NCL như công dân loại hai
!

Quan điểm của ông về việc tỉnh Nam Định kiên quyết “nói không” với sinh viên ngoài công lập trong kỳ thi tuyển công chức thế nào?


Trước hết, phải thừa nhận các trường ngoài công lập (NCL) chưa tự khẳng định chất lượng của mình trong dư luận. Tuy nhiên, 77 trường ĐH và CĐ NCL không phải là top dưới trong 440 trường của cả hệ thống.

Trong khoảng 300 trường mới thành lập hoặc mới nâng cấp trong hơn 5 năm qua, chỉ có khoảng 40 trường là NCL. Các trường công lập mới được thành lập này còn khó khăn hơn các trường NCL.

Các trường NCL là sản phẩm của chủ trương xã hội hóa đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Không tốn một đồng nào của ngân sách Nhà nước mà ta đã có 77 trường ĐH và CĐ NCL, đến nay đã cho ra trường vài vạn sv tốt nghiệp.

Mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục đại học là đến 2020 phải có 40% sinh viên là thuộc Ngoài Công Lập. Một chủ trương quan trọng như vậy, dù còn nhiều điều chưa như ý nhưng tốt hay chưa tốt cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước.

UBND tỉnh Nam Định là một bộ phận của hệ thống Đảng và Nhà nước này, không phải là người ngoài, không có lý do gì cấm cửa sinh viên NCL dự tuyển vào công chức của tỉnh. Sự cấm cửa cách đó vừa không đúng luật, vừa không có lý.
GS Trần Hồng Quân. ảnh: Tuổi Trẻ
GS Trần Hồng Quân. ảnh: Tuổi Trẻ
Thưa vì sao coi là không đúng luật và không có lý?

Trước hết, Luật Giáo dục coi bằng cấp các ĐH công lập và NCL là có giá trị pháp lý như nhau. Sự phân biệt như Nam định là sai luật.

Và lại, thời buổi này việc tự học là rất quan trọng và khá phổ biến, tự học ngay trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường và sau khi ra trường. Học thêm nhiều điều mà nhà trường không dạy hoặc dạy không đủ. Học thêm để chuyên sâu, để mở rộng, để dịch chuyển nghề nghiệp…Cái bằng cấp của Nhà trường làm sao nói hết tầm kiến thức và kỹ năng của người lao động?

Chẳng lẽ sinh viên tốt nghiệp trường Lương Thế Vinh của chính tỉnh Nam Định, dù thành đạt nơi đâu, sau mười năm trở về quê nhà Nam Định cũng bị cấm cửa không được dự tuyển vào công chức? Anh có thể định kiến với các trường NCL nhưng nên công bằng với người học, người lao động, đừng coi họ vĩnh viễn như công dân loại hai.


Mà cũng không sao! Bị chê cũng có lợi!


Thưa ông, phả chăng sự phân biệt ấy là  do định kiến ?


Có thể các đồng chí Nam định không nắm được thông tin rằng đã có khoảng 20 đến 30 trường ĐH và CĐ NCL có chất lượng đào tạo được thị trường lao động thừa nhận, nhất là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Cũng không cần thiết phải dẫn chứng sự tín nhiệm của nhiều cơ sở SX và xã hội đối với sinh viên tốt nghiệp các trường như ĐH Thăng Long, ĐH Quản trị và Công nghệ Hà Nội, ĐH Lạc Hồng, ĐH Duy Tân… cũng không cần giới thiệu cơ sở vật chất khang trang hiện đại của ĐH Quốc tế Miền Đông (Bình Dương ) mà khó trường công lập nào so sánh được dù chỉ mới xây dựng có hai năm, còn ĐH Công nghệ Saigon, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, ĐH Cửu Long, ĐH DL Hải Phòng, ĐH Bình Dương, ĐH Thành Tây... có trường sở đã khá đàng hoàng. Có thể kể đến vài chục trường như vậy.

Cũng không cần nhắc đến các chương trình tiên tiến của các trường nổi tiếng ở nước  ngoài đang được giảng dạy ở ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ở Cao đẳng Saigon Tech TP.HCM và nhiều trường khác.

Nhiều người chưa biết những điều đó. Trước sự cấm cửa vô tình như một sự xúc phạm kiểu như của UBND Nam Định, các trường NCL được nhắc nhở về những yếu kém và sẽ có thêm động lực để cố gắng tự khẳng định như một anh nhà nghèo ôm chí lớn.

Mà đâu chỉ riêng Nam Định. Sự vô cảm như vậy không chỉ thấy lần đầu. Tiếc rằng nó đến từ nhiều người Nhà nước. Có đồng chí có trách nhiệm nói rằng: “Các trường NCL phải xem lại mình vì sao thí sinh không thích đến với trường các anh…”.

Đương nhiên, các trường phải thẳng thắn nhìn nhận yếu kém của mình. Nhưng ta có thể lý giải: vì họ nghèo, họ yếu, họ đáng được mà không được nâng đỡ để trưởng thành mà ngược lại còn bị  đối xử lãnh cảm; vì mọi sinh viên NCL tuy họ cũng là những công dân, gia đình họ phải nộp thuế như mọi công dân khác, nhưng họ phải tự chi trả 100% chi phí đào tạo trong khi SV Công lập thì được Nhà nước bao cấp 60 – 70% chi phí đó; vì trường NCL phải đóng thuế, nếu đạt diện tích bình quân hơn 55m2/SV thì mới được hưởng thuế suất 10% còn không đạt diện tích đó thì phải đóng 28% toàn bộ quỹ học phí.

Thuế này (tất nhiên) là đổ lên đầu sinh viên qua việc nâng học phí vì các trường này làm gì có khoản thu khác. Như vậy thử hỏi thí sinh thích chọn loại trường nào? Các trường NCL dù là có năng lực đào tạo khá cũng không thể tuyển được thí sinh có điểm khá. Mà đầu vào thấp thì xã hội khẳng định chung là chất lượng đầu ra thấp và hình thành một thứ định kiến. Lại thử hỏi có mấy trường cả Công lập và NCL đạt được tiêu chuẩn đất như vậy? May mà các trường công lập không phải đóng thuế!
Định kiến với trường NCL nhưng đừng vĩnh viễn coi SV NCL như công dân loại hai!
Định kiến với trường NCL nhưng đừng vĩnh viễn coi SV NCL như công dân loại hai!
Các tập thể tâm huyết của các trường NCL cũng chịu nhiều áp lực, cố gắng lớn mà có được xã hội ghi nhận tương xứng không, thưa ông?

Trong hoàn cảnh như vậy, sự phấn đấu phi thường của tập thể sư phạm và tập thể các trường rất ít được lãnh đạo (và cả báo chí ) ghi nhận. Việc chê trách như là một khẩu vị của nhiều người.

Ít ai biết ký túc xá của Đại học dân lập Hải Phòng đẹp như khách sạn, do SV tự quản, ra vào có kiểm tra bằng thẻ từ. Đồng chí Hiệu trưởng Trần Hữu Nghị  thức dậy từ 5 giờ sáng trong nhiều tháng liền đến KTX để tập thể dục với sv để tạo nề nếp.

GS. Hoàng Xuân Sính, sau hơn 23 năm cùng tập thể gian khổ phấn đấu, đã xây dựng nên trường ĐH Thăng Long với môi trường đào tạo mẫu mực, trường sở khang trang văn minh, ai mới đến cũng ngạc nhiên vui mừng. Hỏi có vị chức trách nào đến chưa? Bà bảo chưa! Sao chị không mời? Bà chỉ cười, nói là chưa có ý định đó. Tôi hiểu bà! Làm sao tả hết những khó khăn phải vượt qua, làm sao kể hết tâm sức của bà và tập thể Nhà trường đã bỏ ra để có ngôi trường tuyệt vời này . Nhưng chắc gì ai cũng vui vẻ thừa nhận thành tựu của một trường NCL?

Cũng có một số trường  làm nhiều điều  sai trái đáng buồn, không ít trường do áp lực tài chính  mà chạy theo số lượng, chưa đảm bảo chất lượng, từ đó mà tô đậm thêm những định kiến vốn có của xã hội với trường NCL. Bị chê trách cũng đáng. Nhưng phủ nhận hoàn toàn và giữ định kiến với tất cả là không nên.

Mà cũng không sao! Bị chê nhiều cũng có lợi. Phải tự biết thân phận mà tức khí nỗ lực phấn đấu vươn lên. Bị định kiến lâu cũng có lợi. Phải biết tự thân vận động, tự sống sót, tự lực tự cường. Hãy làm nên lịch sử từ sự nhọc nhằn hẩm hiu. Tôi tin rằng sẽ có sự thừa nhận công bằng .Tôi tin rằng không bao lâu nữa sẽ có một số trường NCL vươn lên top đầu các trường nước ta. Và những câu chuyện như ở Nam Định sẽ trở thành chuyện cổ tích.

Bạn nhận xét gì về quy định chọn sinh viên trường công - chê sinh viên trường tư của tỉnh Nam Định. Mời phản hồi bên dưới, hoặc gửi email đến: toasoan@giaoduc.net.vn. Chân thành cảm ơn bạn đọc!
PV