Có bộ phận giáo viên rất... nhàn nhã

16/02/2020 06:31
HỮU SƠN
(GDVN) - Một số giáo viên không tâm huyết với nghề, dạy học và làm việc ở trường thường qua loa, hời hợt, được chăng hay chớ, nặng hình thức, đối phó...

Đúng là nghề giáo rất vất vả, lao tâm khổ tứ, không nhàn nhã như một số người từng nghĩ. Tuy nhiên, ở các trường học phổ thông hiện nay đang tồn tại một bộ phận giáo viên đúng nghĩa nhàn nhã nhưng hằng tháng vẫn hưởng lương nhà nước đều đặn.

Đó là một số giáo viên thiếu tiết. Theo quy định, chuẩn giáo viên Trung học cơ sở là 19 tiết/ tuần, chuẩn giáo viên Trung học phổ thông là 17 tiết thế nhưng một số giáo viên bộ môn vừa giảng dạy vừa kiêm nhiệm (như chủ nhiệm, tổ trưởng…) chỉ có 10-12 tiết/ tuần, nguyên nhân là do thừa giáo viên, cấp trên chưa thể sắp xếp, điều tiết được. 

Đảm nhiệm xong số tiết trên là họ được nghỉ, vì các công việc khác có thể phân công giáo viên thiếu tiết đảm nhiệm thì nhà trường đã bố trí đủ người rồi.

Trong khi đó nhiều giáo viên bộ môn khác phải dạy hoặc cộng với công tác kiêm nhiệm đủ tiết chuẩn hoặc vượt tiết chuẩn.     

Đó là một bộ phận cán bộ, giáo viên mặc dù dạy đủ tiết chuẩn, có tham gia một số hoạt động, công việc của nhà trường nhưng hiệu quả, chất lượng dạy học và công việc còn hạn chế.

Còn có giáo viên vi phạm quy định. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Thefederalistpapers.org)
Còn có giáo viên vi phạm quy định. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Thefederalistpapers.org)

Vẫn còn tình trạng giáo viên “ăn cắp” giờ của nhà nước như: đi lên lớp trễ (năm, ba phút), kết thúc tiết dạy, buổi học thường trước, sớm hơn tiếng trống (tiếng chuông) của trường cũng năm, ba phút.

Làm phép tính, tổng cộng lại, một năm học, học sinh cả nước mất biết bao thời giờ được học ở trên lớp.

Chưa kể, trong tiết dạy, không ít giáo viên làm việc riêng, ra ngoài nghe gọi điện thoại… vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ làm việc của giáo viên. Ban Giám hiệu, tổ trưởng phát hiện, nhắc nhở thì rãy nảy, khó chịu, biện minh đủ thứ.

Đó là một số giáo viên không tâm huyết với nghề, dạy học và làm việc ở trường thường qua loa, hời hợt, được chăng hay chớ, nặng hình thức, đối phó, luôn trông về nghỉ sớm, việc khó khăn thì đùn đẩy, né tránh cho người khác…

Nhiều người cứ nghĩ giáo viên nhàn lắm
Nhiều người cứ nghĩ giáo viên nhàn lắm

Nhưng khi ở nhà, việc làm ăn, thu nhập thêm của mình thì lại rất tích cực tổ chức dạy học thêm tối ngày, những ngày cuối cũng không ngừng nghỉ.       

Nhà trường và cấp trên cần nhận diện ra ba nhóm đối tượng cán bộ, giáo viên nhàn nhã nêu trên để có biện pháp điều chỉnh, xử lý, giải quyết.

Giáo viên thiếu tiết chuẩn thì cân đối, điều chuyển sang các trường đang thiếu giáo viên, chú ý đến hoàn cảnh gia đình và cự ly đi lại cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên được điều chuyển.

Còn diện giáo viên thiếu tâm huyết, làm việc, dạy học cầm chừng, đối phó, chỉ lo nghĩ dạy học thêm… thì phụ thuộc vào khả năng quản lý của Ban Giám hiệu và trách nhiệm của tập thể sư phạm nhà trường.

HỮU SƠN