Cô giáo top 10 toàn cầu Hà Ánh Phượng dự định gì khi trúng cử đại biểu Quốc hội?

12/06/2021 07:16
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi sẽ tiếp tục lan toả mô hình lớp học xuyên biên giới cùng với phương pháp dạy 4.0 để có thêm nhiều học sinh Việt Nam trở thành công dân toàn cầu.

Chiều ngày 10/6, Văn phòng Quốc hội đã công bố danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, trong đó có 25 người là cán bộ, giáo viên, giảng viên công tác trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, cô giáo top 10 toàn cầu Hà Ánh Phượng, là giáo viên tiếng Anh trường Trung học phổ thông Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ được sự tin tưởng của cử tri đã trúng cử đại biểu Quốc hội.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã cuộc trò chuyện với tân đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ để nghe những chia sẻ về dự định của cô trong chặng đường sắp tới.

Khi được hỏi về cảm xúc của mình khi biết đã trúng cử đại biểu Quốc hội, cô Phượng chia sẻ: “Tôi cảm thấy vinh dự nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm lớn lao và bản thân mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, vì tôi nhận thấy mình không chỉ là đại diện cho nhiều thầy cô giáo, mà còn là đại diện cho người dân tộc thiểu số, đại diện cho phụ nữ và đại diện cho người thanh niên trẻ tuổi nữa, mong muốn sẽ đem được tiếng nói của mọi người đến nghị trường Quốc hội.

Cô Hà Ánh Phượng, giáo viên trường Trung học phổ thông Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ đã trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV. Ảnh: NVCC

Cô Hà Ánh Phượng, giáo viên trường Trung học phổ thông Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ đã trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV. Ảnh: NVCC

Riêng có một điều đặc biệt mà sau đợt bầu cử vừa qua tôi mới nhận ra, đó là theo lẽ thông thường thì ứng cử viên sẽ đi vận động cử tri. Tôi cũng tham gia đi vận động bầu cử nhưng bên cạnh đó lại thấy nhiều cử tri cũng chủ động lên mạng để tìm kiếm và tải ảnh của tôi để về vận động online giúp cho mình.

Tôi thấy việc vận động này nó còn “‘mạnh” hơn so với việc tôi tự đi vận động bầu cử nữa. Trong đó, tôi cũng rất cảm kích việc các cử tri kêu gọi lẫn nhau và sáng tác thơ về tôi. Không những thế, từ bác nông dân đến chú bán xăng, bác quay vịt hay là các đồng nghiệp và những người tôi chưa từng gặp mặt họ cũng đều tỏ ra rất lo tôi không trúng cử.

Từ những việc làm đáng trân quý ấy của các cử tri, tôi thấy mình sẽ phải phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của mọi người dành cho tôi”.

Chia sẻ về những dự định sắp tới của mình với vai trò đại biểu Quốc hội, cô giáo người Mường mong sẽ có nhiều đóng góg cho sự phát triển của nền giáo dục.

Cô Phượng bày tỏ: “Tôi mong rằng, mình có thể đề xuất với Quốc hội để đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy - học môn tiếng Anh trong các nhà trường nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ quan tâm tới các vấn đề nhiều học sinh Việt Nam đang gặp phải như văn hoá đọc, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, vấn đề thanh thiếu niên an toàn khi sử dụng mạng..v.v..

Tôi tin rằng, nếu trở thành Đại biểu Quốc hội, những dự án mình đang thực hiện như: Thư viện hạnh phúc, An toàn trên không gian mạng, Mô hình lớp học xuyên biên giới và nhiều dự án khác sẽ được tiếp thêm sức mạnh”.

Ngoài ra, trên cương vị là giáo viên, cô Phượng cũng rất quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi của nhà giáo – một trong những vấn đề cấp bách được đội ngũ nhân sự ngành quan tâm hàng đầu. Cô Phượng cho biết sẽ ủng hộ các chính sách liên quan đến vấn đề quyền lợi của giáo viên, giúp giáo viên chuyên tâm với nghề dạy học.

Khi đề cập đến những hành động cô dự định sẽ làm cho bà con dân tộc miền núi, tân đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng: “Tôi cũng rất quan tâm tới chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thực tế hiện nay, đời sống của một bộ phận dân cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại một số khu vực vẫn ở mức cao so với nhiều địa phương trong cả nước.

Cùng với đó, tôi cũng sẽ tiếp tục lan tỏa và chia sẻ mô hình lớp học xuyên biên giới cùng các phương pháp giảng dạy tích cực 4.0 với các trường trong và ngoài tỉnh Phú Thọ.

Việc làm này nhằm mục đích để có thêm nhiều em học sinh sớm trở thành những công dân toàn cầu, đặc biệt trước những thách thức của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến đối với ngành giáo dục”.

Kết thúc câu chuyện, cô Hà Ánh Phượng cũng không quên chia sẻ niềm vui với chúng tôi về giải “Công chúa Thái Lan” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới thông báo. Cô cho biết, đây được coi là một giải thưởng lớn nhất khu vực dành cho 11 thầy cô xuất sắc ở 11 quốc gia Đông Nam Á được thông báo vài ngày trước kết quả bầu cử. Như vậy với sự nghiệp của cô nó như là một sự kiện “song hỉ”.

Cô Hà Ánh Phượng, sinh năm 1991, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hương Cần, tỉnh Phú Thọ vừa chính thức trở thành đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tôi sẽ tiếp tục lan toả mô hình lớp học xuyên biên giới cùng với phương pháp dạy 4.0 để có thêm nhiều học sinh Việt Nam trở thành công dân toàn cầu. Ảnh: NVCC

Tôi sẽ tiếp tục lan toả mô hình lớp học xuyên biên giới cùng với phương pháp dạy 4.0 để có thêm nhiều học sinh Việt Nam trở thành công dân toàn cầu. Ảnh: NVCC

Năm 2020 là một dấu ấn đặc biệt với cô Hà Ánh Phượng khi cô được tổ chức Varkey Foundation vinh danh là một trong 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu. Theo đó, cô Hà Ánh Phượng là giáo viên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này nhận được danh hiệu trên.

Cũng trong năm 2020, cô Hà Ánh Phượng đã được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, là một trong những điển hình tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành giáo dục năm 2020.

Là người dân tộc Mường, sinh ra từ vùng quê nghèo tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cô giáo Hà Ánh Phượng rất thấu hiểu những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc nhưng cô Phượng đã từ chối nhiều cơ hội việc làm tốt hơn để trở về quê hương làm một giáo viên dạy ngoại ngữ.

Cô đã có nhiều giải pháp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối lớp học của mình với lớp học của hàng chục quốc gia trên thế giới qua mạng Internet. Với phương pháp giáo dục hiện đại như học qua dự án, qua thuyết trình, những tiết học xuyên biên giới không chỉ giúp học sinh của cô có cơ hội thực hành tiếng Anh mà còn giúp các em hiểu và quảng bá với bạn bè quốc tế về văn hóa Việt Nam như giới thiệu các món ăn, phong tục tập quán của người Việt.

Trung Dũng