Cô học trò phố núi và ước mơ chữa trị dứt điểm căn bệnh ung thư

19/10/2020 06:05
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những tìm tòi, nghiên cứu của Nhật Minh đã vượt khỏi những kiến thức của một học sinh phổ thông, để hướng tới một nghiên cứu khoa học đúng nghĩa.

Với đề tài “nghiên cứu khả năng đánh dấu và ức chế tế bào gốc ung thư từ hệ nano đất hiếm - kháng thể (TMC) của Lê Nhật Minh (học sinh lớp 11C2A - trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương, thành phố Pleiku, Gia Lai) đã xuất sắc giành tấm huy chương vàng Olympic phát minh và sáng chế thế giới 2020 (WICO).

Lê Nhật Minh cùng dự án hỗ trợ, điều trị dứt điểm căn bệnh ung thư. Ảnh: MT

Lê Nhật Minh cùng dự án hỗ trợ, điều trị dứt điểm căn bệnh ung thư. Ảnh: MT

Cuộc thi được tổ chức bởi Hiệp hội phát minh sáng chế các trường đại học Hàn Quốc và được Quốc hội Hàn Quốc bảo trợ với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Canada, New Zealand…

Đây là kết quả của những ngày miệt mài lăn lộn trong các phòng thí nghiệm của Nhật Minh nhằm tìm ra một định hướng điều trị đích căn bệnh ung thư thuộc lĩnh vực Y học chuyển dịch.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghiên cứu khoa học, từ nhỏ, Minh đã hứng thú đặc biệt với phòng thí nghiệm, nơi có những hoá chất, máy móc hiện đại.

“Hồi đó, cứ thấy mẹ hướng dẫn các anh, chị làm thí nghiệm thì em rất thích. Mơ ước sau này lớn lên mình sẽ có một phòng thí nghiệm thật hiện đại để tha hồ nghiên cứu, điều chế”, Minh vui vẻ nói.

Nhưng ước mơ đó chỉ bắt đầu bừng lên khi Minh bước vào lớp 10, nơi thầy cô có những khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học.

“Khi bước vào tìm hiểu về căn bệnh ung thư, em phải nhờ sự hướng dẫn, chỉ bày của các thầy cô. Hầu hết, những phương pháp điều trị bệnh hiện nay như xạ trị hay hoá trị đều gây ra những hậu quả khủng khiếp với người bệnh.

Do đó, dự án của em hướng đến một phương pháp điều trị trực tiếp vào tế bào gốc ung thư mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào lành, dựa trên nền tảng của công nghệ nano và liệu pháp miễn dịch”, Minh chia sẻ thêm.

Ngoài những giờ học ở lớp, cô bé Nhật Minh lại lao vào phòng thí nghiệm. Ở đó, em được cô giáo Phùng Thị Kim Huệ (trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương) uốn nắn, giúp đỡ.

Với nền tảng của một học sinh phổ thông để cho ra đời một nghiên cứu về y học thì rất khó nên em phải nhờ sự cố vấn, hỗ trợ rất nhiều của cô giáo.

Ngoài những kiến thức của cô giáo truyền đạt thì em phải tự mày mò các tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Anh. Càng đến gần ngày hoàn thiện dự án thì có đêm em phải thức trắng để hoàn thành các báo cáo nghiên cứu”.

Do thời gian nhận đề tài đến khi nộp đề tài tham dự cuộc thi khá ít ỏi nên Nhật Minh phải làm rất nhiều cuộc thử nghiệm để chứng minh kết quả nghiên cứu. Cô bé chia sẻ rằng, để đi đến những bước tiến thành công thì phải trải qua rất nhiều cuộc thí nghiệm thất bại.

Sau mỗi lần thất bại đó, Nhật Minh lại “giam mình” trong phòng thí nghiệm với hàng tá tài liệu được viết bằng hai thứ tiếng Anh - Việt.

“Ngày nhận được kết quả từ ban tổ chức, em không ngờ đề tài của mình lại vinh dự đạt huy chương vàng. Đó là kết quả ngoài mong đợi của em”, Nhật Minh vui vẻ chia sẻ.

Những thành công bước đầu trong dự án “nghiên cứu khả năng đánh dấu và ức chế tế bào gốc ung thư từ hệ nano đất hiếm - kháng thể (TMC)đã thôi thúc Nhật Minh muốn tiến sâu hơn với công trình này.

Bởi để điều trị triệt để căn bệnh ung thư và xoa dịu nỗi đau của những người không may mang trong mình “căn bệnh tử thần” là mong mỏi lớn nhất của cô gái phố núi.

Ngoài tấm huy chương vàng Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới (WICO) 2020, nữ sinh này còn xuất sắc đạt học sinh giỏi toàn diện với điểm tổng kết trung bình các môn học là 9,2. Nhật Minh còn đạt giải nhì cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng năm 2020.

MINH THẢO