Cô nữ sinh vượt qua hủ tục của bản làng để vào Đại học

29/07/2019 06:06
TẤN TÀI
(GDVN) - Vượt qua những hủ tục khắc nghiệt của bản làng, cô nữ sinh nghèo đã nỗ lực học tập để chạm đến ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.

Câu chuyện về hành trình đến trường của Hoàng Thị Mỹ Linh (sinh năm 2001, ở làng Tu, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, Gia Lai) khiến nhiều người cảm phục, thương mến.

Nữ sinh viên đầu tiên làng Tu

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng đất heo hút, nằm sát biên giới Campuchia, từ nhỏ Linh đã lớn lên cùng những hủ tục lạc hậu của bản làng.

Hoàng Thị Mỹ Linh vượt qua những hủ tục lạc hậu để bước chân vào giảng đường. Ảnh: TT
Hoàng Thị Mỹ Linh vượt qua những hủ tục lạc hậu để bước chân vào giảng đường. Ảnh: TT

Năm bốn tuổi, Linh được bố mẹ gửi ra nhà bà ngoại ở trung tâm xã Ia Ga để theo học con chữ.

“Hồi đó, bố mẹ cho em đi học cũng chỉ để biết mặt chữ, rồi ở nhà phụ giúp công việc gia đình. Ở trong bản, quan niệm của mọi người là con gái thì không được đi học lên cao mà phải ở nhà để lấy chồng”.

Quan niệm lạc hậu đó khiến bản làng của Linh nghèo xơ xác, cả bản không có ai được học lên đại học.

Những cô gái vừa đến tuổi trăng tròn đã phải ở nhà làm vợ, làm mẹ của những đứa trẻ nheo nhóc. Học hết lớp 9, Linh cũng bị bố mẹ ép ở nhà làm rẫy, chờ có người đến hỏi cưới.

Nam sinh mê đá bóng, xuất sắc đoạt huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế
Nam sinh mê đá bóng, xuất sắc đoạt huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế

Sau nhiều lần khóc hết nước mắt, Linh quyết định “đàm phán” với gia đình.

“Em rất thích đi học và muốn đi học lên cao nữa nhưng bố mẹ không cho. Bố mẹ dọa rằng nếu đi học thì phải tự túc lo cho bản thân, bố mẹ sẽ không chu cấp.

Em cũng đánh liều hứa sẽ tự lo. Vì lúc đó em nghĩ, mình có thể xin hỗ trợ của Đoàn thanh niên xã hoặc nhà trường, nơi mình sẽ theo học”, Linh tâm sự.

Ba năm theo học tại trường trung học phổ thông Pleime của Linh là cả một hành trình nhọc nhằn, vất vả.

Sau mỗi buổi đến trường, cô nữ sinh nhỏ lại phải theo bố mẹ vào rừng làm rẫy cách nhà gần 20 km. Thời gian học của Linh chủ yếu vào buổi tối và sáng sớm. 

“Buổi tối em tranh thủ làm bài tập về Toán, Lý, Hóa... Còn buổi sáng thì dậy sớm để học các môn cần phải thuộc lòng. Thời gian rảnh của em không có nhiều nên phải tận dụng từng giờ”, Linh vui vẻ nói.

Trong khi những người bạn cùng lớp phải “cày ngày, cày đêm” ở các trung tâm gia sư, học thêm ở nhà thầy cô thì Linh vẫn miệt mài trên nương rẫy và học theo cách riêng của mình.

Những tấm bằng khen, giấy khen đạt học sinh giỏi của Linh đã khiến bố mẹ cô xiêu lòng trước những quyết định táo bạo của cô con gái. Đó là vượt ra khỏi hủ tục của bản làng để trở thành một sinh viên.

Học kỳ 1 năm lớp 12, Linh đạt giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm 2018-2019. Sau đó, đề tài của Linh được gửi đi thi cấp quốc gia.

“Đề tài nghiên cứu của em là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở địa phương. Đây là vấn đề nan giải của bản làng, nơi em sinh sống.

Để làm đề tài này, em đã phải tìm các số liệu thống kế ở Trung tâm kế hoạch hóa gia đình huyện, số liệu ở xã rồi đi thực tế ở các bản. Do đề tài khó nên sau này em phải rủ thêm một bạn cùng làm”, Linh chia sẻ.

Chạm tay đến ước mơ

Chiều ngày 27/7, từ Gia Lai, vượt qua hơn 400 km, Linh đã có mặt tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh – VNUK (Đại học Đà Nẵng) để hoàn thiện các thủ tục nhập học, chính thức trở thành tân sinh viên đầu tiên của làng Tu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh trao học bổng cho Linh. Ảnh: TT
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh trao học bổng cho Linh. Ảnh: TT

“Em đăng ký vào ngành Khoa học Y sinh của VNUK vì đây là ngành học mà em đam mê. Em hy vọng rằng với những kiến thức học được trên giảng đường sẽ giúp ích cho dân bản sau này”, Linh vui vẻ nói.

Trong ánh mắt của cô nữ sinh nghèo ánh lên niềm vui sướng, tự hào. Bởi qua bao nhiêu khó khăn, thử thách, Linh đã dần chạm đến ước mơ của mình.

Những khó khăn về tài chính tưởng như sẽ kết thúc con đường học tập của Linh, nay lại được thắp sáng bởi suất học bổng của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh.

Linh cho biết, qua tìm hiểu trên mạng, biết nhà trường đang có suất học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó nên đăng ký xét chọn.

Ngưỡng mộ nữ sinh Bắc Giang đạt 10 điểm môn Lịch sử
Ngưỡng mộ nữ sinh Bắc Giang đạt 10 điểm môn Lịch sử

Trải qua vòng phỏng vấn, bài luận (viết bằng tiếng Anh) cùng với thành tích học tập tốt, Linh được Hội đồng Anh trao một học bổng Tate & Lyle trị giá 12.000 đô la Mỹ cho cả khóa học (4 năm).

“Với học bổng này, em đã có đủ chi phí để trang trải bốn năm đại học. Em vui lắm”, Linh sung sướng nói.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (Đại học Đà Nẵng) cho biết, VNUK luôn thúc đẩy và hỗ trợ nữ giới theo đuổi con đường khoa học và các ngành công nghệ.

Do đó, học bổng Tate and Lyle được dành cho những sinh viên xuất sắc  có hoàn cảnh khó khăn được học tập chương trình đại học và thạc sĩ tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu Việt Anh (VNUK) để có được một tương lai tươi sáng và được quản lý bởi Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Mỗi suất bao gồm học phí và sinh hoạt phí trong suốt 04 năm học tập tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng.

TẤN TÀI