Cơ quan nào dám bổ nhiệm lại hiệu trưởng, hiệu phó chưa đạt chuẩn trình độ?

10/11/2021 08:44
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ai, cơ quan nào dám đứng ra ký quyết định bổ nhiệm lại cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực?

Sự việc một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục nhưng không được công nhận là những nhà giáo đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 đã được phản ánh ở nhiều khía cạnh trong những ngày qua trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Một luồng ý kiến cho rằng một khi những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục thì Bộ nên có chủ trương quy đổi để những nhà giáo này đủ chuẩn trình độ vì nó đã đáp ứng được tiêu chí: “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp”.

Nhưng, cũng có một luồng ý kiến cho rằng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng phải bắt buộc có bằng đại học sư phạm như những nhà giáo đứng lớp khác.

Theo quan điểm cá nhân của người viết, khi cùng một sự việc nhưng mỗi người có một góc nhìn khác nhau cũng là chuyện rất bình thường.

Song, vấn đề đặt ra là từ phản ánh của xã hội thì cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến về vấn đề này một cách thấu đáo để những nhà giáo đang làm công tác quản lý họ yên tâm công tác, không bị chi phối và điều quan trọng là họ không bị thiệt thòi khi chính sách mới ra đời.

Tấm bằng cử nhân quản lý giáo dục đang là nỗi đau, sự tiếc nuối cho nhiều nhà giáo (Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Tấm bằng cử nhân quản lý giáo dục đang là nỗi đau, sự tiếc nuối cho nhiều nhà giáo

(Ảnh do bạn đọc cung cấp)

Ai dám bổ nhiệm lại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi họ chưa đạt chuẩn trình độ?

Điểm lại những bài viết về chủ đề hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân Quản lý giáo dục nhưng không được công nhận là những nhà giáo đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm trong những ngày vừa qua, bạn đọc đã thấy có một số bài viết.

Đó là những bài viết sau: Bỗng dưng sắp tụt hạng vì Thông tư, hiệu trưởng khẩn thiết kêu cứu Bộ Giáo dục; Hiệu trưởng, hiệu phó có bằng cử nhân quản lý giáo dục vẫn không đủ chuẩn, vô lý;

Quá thiệt thòi cho cán bộ, giáo viên tụt hạng vì bằng Cử nhân Quản lý Giáo dục; Giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó tức tưởi vì xuống hạng sau chùm thông tư mới; Hiệu trưởng không phải chức danh suốt đời, không thể quy đổi bằng cử nhân QLGD; Không quy đổi bằng cử nhân QLGD, hiệu trưởng, hiệu phó tụt hạng còn lãnh đạo ai?

Ngày 8/11/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viêt Giáo viên hạng III làm hiệu trưởng, hiệu phó có sao đâu? của tác giả Minh Khôi tiếp tục phản ánh về sự việc không nên quy đổi bằng cử nhân quản lý giáo dục sang chuẩn trình độ cho những nhà giáo đang là quản lý của các nhà trường.

Đọc bài viết này, chúng tôi nhận thấy có một số chỗ còn băn khoăn với cách lý giải của tác giả Minh Khôi. Chính vì thế, chúng tôi xin được trao đổi thêm về vấn đề này.

Tác giả Minh Khôi cho rằng: “Người viết nhận thấy rằng thực tế giáo viên có các hạng I, II, III thì nếu hiệu trưởng ở hạng III vẫn là viên chức đạt chuẩn, vẫn là quản lý, lãnh đạo (được cấp thẩm quyền bổ nhiệm bằng quyết định), nên họ vẫn là lãnh đạo bình thường không ảnh hưởng gì đến việc lãnh đạo của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng”.

Chỗ này, chúng tôi e rằng tác giả Minh Khôi đã nhầm lẫn cơ bản và chưa nắm kĩ được quy trình khi bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường. Bởi, một khi nhà giáo đang là giáo viên hạng II, vì không đạt chuẩn trình độ phải xuống hạng III thì làm sao mà được cho là “viên chức đạt chuẩn” đây?

Nếu đạt chuẩn thì họ đang là giáo viên hạng II có phải xuống hạng III hay không bởi nhiều người đã đạt được các tiêu chuẩn ở hạng II nhưng thay vì có bằng đại học sư phạm thì họ lại có bằng cử nhân quản lý giáo dục. Trong khi, những thầy cô học lớp quản lý giáo dục là những người mà trước đây được cơ quan chức năng lựa chọn cho đi học.

Khi những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vì thiếu bằng đại học sư phạm phải xuống hạng III thì họ có còn cơ hội để làm lãnh đạo nhà trường nữa hay không mà tác giả Minh Khôi lại nói: “Họ vẫn là hiệu trưởng, nếu có tài, có tâm, có đạo đức thì vẫn được giáo viên ủng hộ, tôn trọng”?

Nếu có làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì hết khóa họ cũng không bao giờ được bổ nhiệm lại- đó là một thực tế mà ai cũng có thể nhìn thấy.

Tác giả Minh Khôi nhầm lẫn khi cho rằng: “nếu hiệu trưởng ở hạng III vẫn là viên chức đạt chuẩn, vẫn là quản lý, lãnh đạo (được cấp thẩm quyền bổ nhiệm bằng quyết định), nên họ vẫn là lãnh đạo bình thường không ảnh hưởng gì đến việc lãnh đạo của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng”….

… “Chưa có quy định nào giáo viên hạng III không được làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng đang ở hạng II cũ chuyển xuống hạng III mới phải mất chức, nên việc đề xuất quy đổi bằng cử nhân quản lý giáo dục xem như bằng chuyên môn là không cần thiết, có phần cảm tính”…

Vấn đề này, chúng tôi tìm giúp tác giả Minh Khôi một số văn bản như sau:

Tại điểm a, khoản 3-Tiêu chuẩn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học (trong đó có cấp trung học cơ sở), Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn:

Về trình độ đào tạo và thời gian công tác: phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 05 năm (hoặc 04 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

Tại tiêu chí 3 (mức đạt) của tiêu chuẩn 1, Thông tư 14/2018/TT/BGDĐT hướng dẫn hiệu trưởng có chuẩn sau:

Đạt chuẩn trình độ đào tạo và hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; có kế hoạch thường xuyên học tập, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân; cập nhật kịp thời các yêu cầu đổi mới của ngành về chuyên môn, nghiệp vụ”.

Và, trong nhiều văn bản khác nói về điều kiện, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đều có câu: “Phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục”.

Vậy, khi mà hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục thì họ có được bổ nhiệm lại hay không? Ai, cơ quan nào dám đứng ra ký quyết định bổ nhiệm lại cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo?

Tác giả Minh Khôi còn cho rằng: “việc đề xuất quy đổi bằng cử nhân quản lý giáo dục xem như bằng chuyên môn là không cần thiết, có phần cảm tính”.

Xin thưa, khi đề xuất về sự việc này, chúng tôi không hề cảm tính, bởi “cảm tính” thì chúng tôi đã không viện dẫn Luật Giáo dục 2019; các Điều 4, Điều 10 ở Thông tư Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT làm gì.

Hơn nữa, chúng tôi cho rằng đây là những đề xuất "rất cần thiết" bởi đó là quyền lợi của nhiều nhà giáo trên cả nước. Ngành giáo dục không quy đổi bằng quản lý giáo dục là phủ nhận quá trình học tập của họ và mâu thuẫn với một số văn bản hiện hành.

Nếu không quy đổi bằng cử nhân quản lý giáo dục cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là một bất cập rất lớn

Hiện nay, không có văn bản nào quy định, bắt buộc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường phải có cả văn bằng đại học sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục. Nhưng, vì sao nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học và trung học cơ sở lại đi học lớp quản lý giáo dục?

Tại vì những năm trước đây họ được cơ quan chức năng, có thẩm quyền đã cử họ đi học để về phục vụ cho công việc mà họ đang đảm nhận.

Bản thân người viết bài này không phải hiệu trưởng, cũng không phải là phó hiệu trưởng và cũng chẳng có người thân nào đang làm các chức vụ này. Tuy nhiên, trước những bất cập của chính sách giáo dục buộc chúng tôi phải lên tiếng.

Những bài viết vừa qua, chúng tôi bảo vệ quan điểm những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học đã có bằng cao đẳng sư phạm và bằng cử nhân quản lý giáo dục nhưng không được công nhận là những nhà giáo đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 là xuất phát từ thực tế ở nhiều địa phương.

Chúng tôi lên tiếng là bảo vệ sự công bằng, phù hợp với Luật Giáo dục 2019; các Điều 4, Điều 10 ở Thông tư Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT mà cơ quan tham mưu bộ luật này hay ban hành các Thông tư này là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua bài viết nhỏ này, chúng tôi mong muốn lãnh đạo Bộ Giáo dục cần lên tiếng, làm rõ nội dung cụm từ “có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp” bởi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường đã có bằng cử nhân quản lý giáo dục mà không phù hợp thì bằng nào phù hợp hơn?

Đặc biệt, một số trường đại học sư phạm đã và đang đào tạo ngành quản lý giáo dục cũng cần lên tiếng bởi những giáo viên dạy lớp bình thường chẳng ai đi học lớp quản lý giáo dục làm gì mà những nhà giáo tham gia lớp học này phần lớn là những người được cơ cấu hoặc đã được bổ nhiệm thì họ mới đi học chuyên ngành này.

Đừng để những nhà giáo đã bỏ 3 năm trời đằng đẳng để đi học lấy văn bằng quản lý giáo dục nhưng bây giờ lại không được quy đổi. Trong khi, những nội dung họ học tập từ chuyên ngành này đang giúp cho họ làm tốt công việc quản lý ở các nhà trường!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ MINH