"Cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học" là ai, để làm gì?

28/10/2019 15:01
Trinh Phúc
(GDVN) - Tự chủ đại học có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc vào các văn bản hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo Đại học.

Ngày 28/10, Báo điện tử giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm: “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo Đại học”.

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm, ảnh: Ngọc Vân / GDVN.
Toàn cảnh cuộc Tọa đàm, ảnh: Ngọc Vân / GDVN.

Tới dự tọa đàm Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng;

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam;

Tọa đàm cũng thu hút của nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí trên cả nước.

Phát biểu tại Tọa đàm, nhà báo Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019.

Đây được xem như một bước tiến lớn trong việc thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Tuy nhiên, tự chủ đại học có thực sự đi vào cuộc sống hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sau đó.

Các chuyên gia đến tham dự buổi tọa đàm (ảnh Trinh Phúc).
Các chuyên gia đến tham dự buổi tọa đàm (ảnh Trinh Phúc).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật số 34/2018/QH14, vấn đề tự chủ đại học được dư luận đặc biệt quan tâm, cụ thể là một số vấn đề sau:

- Xuất hiện "cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học" vốn dĩ không có trong  Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trái tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 14/2005/NQ-CP năm 2005 của Chính phủ lẫn Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản.

Đổi mới tư duy phát triển giáo dục Đại học trong cách mạng 4.

- Chỉ đạo của Trung ương “Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học” chưa được thể chế hóa, quyền lực còn bị hạn chế/can thiệp nhiều bởi “cơ quan quản lý trực tiếp”. Gần nhất, có cơ quan còn yêu cầu, can thiệp trực tiếp vào quá trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh ở các trường khiến cho tự chủ nhân lực không được đảm bảo. Quyền của các nhà trường bị can thiệp thô bạo.

- Quan điểm "quản lý theo mô hình doanh nghiệp" chưa được thể chế hóa, dẫn đến những rủi ro cho cơ sở giáo dục đại học và người đứng đầu tiên phong thực hiện cơ chế tự chủ.

Việc này tiềm ẩn rất nhiều các nguy cơ cho những người đứng đầu các trường đại học, thậm chí là các nguy cơ pháp lý liên quan hình sự. 

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh Trinh Phúc
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. Ảnh Trinh Phúc

Vì vậy, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ” để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ để có những phân tích, phản biện, góp ý và đề xuất nội dung hoàn thiện cơ chế tự chủ đại học, góp phần thực hiện thắng lợi một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Trinh Phúc