Ngày 9/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề: “Thể chế hóa tầm nhìn, chỉ đạo của Trung ương về chuyển trường công lập sang tư thục ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa cao”.
Tới dự hội thảo, có Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội;
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí;
Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương;
Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội;
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An;
Ông Lê Mạnh Cường, đại diện Phòng giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.
Quang cảnh buổi hội thảo: “Thể chế hóa tầm nhìn, chỉ đạo của Trung ương về chuyển trường công lập sang tư thục ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa cao” - ảnh Trinh Phúc. |
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Đào Ngọc Tước - Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, năm 2017, Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 ban hành Nghị quyết số 19 trong đó có đặt ra chủ trương sẽ chuyển đổi một số trường công lập sang mô hình hoạt động tư thục.
Với chủ trương này thì trường Chu Văn An, trường Amsterdam ở Hà Nội đang là trường công lập có thể trở thành trường tư thục hay không? Đây là một chủ trương rất lớn.
Theo ông Đào Ngọc Tước: Hiện nay, đóng góp của giáo dục tư thục đối với hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng lớn. Mô hình hệ thống trường liên cấp, trường phổ thông tư thục, thậm chí thành phố giáo dục cũng đang phát triển mạnh.
Hoạt động hiệu quả như vậy nên nhiều ý kiến cho rằng trong hệ thống giáo dục công lập có một số trường mà đặc biệt những vùng có khả năng xã hội hóa cao hoàn toàn có thể chuyển đổi sang mô hình tư thục để đáp ứng thêm nhu cầu của học sinh.
Việc chuyển đổi là để đóng góp thêm cho hệ thống giáo dục quốc dân. Tạo thêm chỗ học tập đã chất lượng cao thì ngày càng tốt hơn nữa.
Hội thảo là để nhằm lắng nghe ý kiến của các trường, các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư để góp ý, đề xuất, kiến nghị giải pháp cơ chế chính sách thực hiện - ảnh Trinh Phúc. |
Ông Đào Ngọc Tước cho rằng: Chủ trương rất tuyệt vời, Hà Nội cũng đã có kế hoạch thực hiện nhưng chưa có một trường nào chuyển đổi trong khi Thủ đô là địa bàn có khả năng xã hội hóa cao nhất.
Vậy tại sao chủ trương của trung ương đến nay chưa được thực hiện, hay là chưa cụ thể hóa vào trong thực tế. Thực trạng này có vấn đề gì hay không?
Có 4 vấn đề đặt ra cho thấy vướng mắc, đầu tiên về phía nhà nước là đất đai, tài sản nhà nước khi chuyển sang mô hình tư thục thì sẽ ứng xử như thế nào? Những trường có giá trị thương hiệu như Trường Tiểu học Trưng Vương, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An sẽ cần tính toán ra sao?
Việc phụ huynh có con em học trong các trường công lập này chi phí thấp, mà được vào học ở những ngôi trường này thì rất tuyệt vời.
Nếu như vào học chuyển sang trường tư thục còn có được học tiếp hay không? Có còn cơ hội theo học nữa hay không?
Với cơ quan quản lý đó là vấn đề đời sống của các thầy các cô. Nếu như chuyển từ trường công lập sang tư thục thì nhà đầu tư chắc gì đã sử dụng các thầy cô?. Lấy cái gì ràng buộc để đảm bảo đời sống của các thầy các cô?
Những vấn đề gặp phải như vậy cho thấy từ năm 2017 đến nay chỉ mới có Hà Nội có kế hoạch nhưng chưa thực hiện được.
Vậy chủ trương đã rõ tại sao chưa đi vào thực tế đó là lý do tổ chức buổi Hội thảo: “Thể chế hóa tầm nhìn, chỉ đạo của Trung ương về chuyển trường công lập sang tư thục ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa cao” nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà lập pháp, nhà quản lý, các nhà trường, nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư để góp ý, đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện một chủ trương đúng của Đảng.