"Con đò sang sông"

20/11/2013 14:41
Vũ Tuấn Anh- Viện Quản Lý Việt Nam
(GDVN) - Giáo dục được ví như những con đò âm thầm đưa từng lớp học sinh sang bến bờ bên kia. Người lái đò đưa các học sinh thành công sang sông lại lo lắng khi các em chuyển sang con đò tiếp để vượt qua những con sông lớn hơn, trở ngại hơn. Hơn thế nữa, họ lo lắng cho các em hơn khi các em không sớm thì muộn sẽ phải tự mình lái con đò cuộc đời vượt qua biển lớn tới thành công của mỗi cá nhân.

Gia đình tôi cả hai bên nội và ngoại đều ba đời là giáo viên hoặc công tác trong ngành giáo dục. Từ bé, ngày 20/11 luôn là những ngày vui khi thấy các anh chị học sinh từ các năm quay về thăm bố mẹ tôi.

Lớn hơn nữa, chúng tôi những cậu học sinh cấp 2- 3 đạp xe quanh hà nội tới thăm thầy cô giáo những năm 80. Thời gian khắc nghiệt và trôi qua rất nhanh. Cậu bé ngày nào đã trở thành người đàn ông trung niên. Các thầy cô năm xưa người còn người mất nhưng hình ảnh và kỷ niệm các thầy cô còn mãi trong tâm trí.

Lễ 20/11 năm nay có lẽ đối với tôi đặc biệt hơn cả khi trong năm nay tôi quay về các chương trình giáo dục và đào tạo cho các bạn trẻ nhiều hơn. Cũng tình cờ năm nay là năm phát pháp hiệu khởi đầu cho chương trình cải cách toàn diện hệ thống giáo dục nước nhà- một trận đánh vĩ đại như bộ trưởng Phạm Vũ Luận tâm tình.

Trong thời gian giảng dạy tại đại học chúng tôi hay nói vui “Giáo dục là 3 trắng – 3 đen - bảng đen phấn trắng, giấy trắng mực đen , bàn tay trắng cuộc đời đen". Trong các nghề nghiệp, nhà giáo và y tế là hai nghề rất cao quý. Có lẽ như vậy, những người làm nghề phải chịu gian khổ và khó khăn hơn chăng. Tới giờ ngẫm lại, thầy cô giáo niềm vui nhất đó chính là sự ghi nhận công lao cống hiến tinh thần của mình chứ không phải vì vật chất.

Ngày 20/11 các thầy cô giáo đều rất vui khi nhận những lời chúc mừng và bó hoa từ tay các học sinh cũ. Các thầy cô giáo rất vui nhưng có lẽ trong tâm trí các thầy các cô còn vui hơn khi vợ chồng, những người thân yêu nhất của giáo chức cũng cảm nhận được sự trân trọng và tình cảm người thân mình có được. Ở đây tôi muốn thay mặt tất cả học sinh gửi những lẵng hoa và lời cám ơn tới hậu phương của các thầy cô giáo trên toàn quốc- người vợ, người chồng, người cha , người mẹ đứng đằng sau các thầy cô.

Để bàn tay nhà giáo vững vàng, tinh thần tỉnh táo  tâm huyết với học sinh, những người thân trong gia đình mỗi thầy cô phải cố gắng rất nhiều. Trong những ngày này, những người thân trong gia đình các thầy cô giáo hẳn sẽ rất vui lòng và mãn nguyện khi nỗ lực trong cả năm trời đã được học sinh chân thành cám ơn.

Giáo dục được ví như những con đò âm thầm đưa từng lớp học sinh sang bến bờ bên kia. Người lái đò đưa các học sinh thành công sang sông lại lo lắng khi các em chuyển sang con đò tiếp để vượt qua những con sông lớn hơn, trở ngại hơn. Hơn thế nữa, họ lo lắng cho các em hơn khi các em không sớm thì muộn sẽ phải tự mình lái con đò cuộc đời vượt qua biển lớn tới thành công của mỗi cá nhân. Xã hội ngày hôm nay hình như quá khắc nghiệt với những người lái đò.

Xã hội quên mất rằng con đò sang sông cũng chỉ là mỏng manh giữa cơn sóng dữ và những bất trắc của thiên nhiên và cuộc sống. Người lái đò nào cũng buồn khi một vài hành khách không thể nào sang được sông. Có thể đâu đó có những người lái đò không tốt nhưng từ tâm khảm , tôi vẫn tin rằng tỷ lệ những người lái đò không tốt vẫn ít hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác.

Người lái đò trong thế kỷ 21 buồn nhiều hơn vui khi hành khách qua đò dường như không còn quan tâm tới lái đò như thế nào nữa. Hành khách chỉ muốn qua sông mà quên mất một điều quan trọng rằng kỹ năng lái đò qua sông là cái quan trọng nhất trong cuộc đời. Chẳng có người lái đò nào sẽ lái cho học sinh  trong suốt cả cuộc đời.

Bạn có thể qua sông nhưng học sinh sẽ không thể tự lái chiếc đò số phận của mình. Người lái đò còn buồn nhiều hơn nữa khi ban quản lý đò chỉ chăm chăm đếm số lần đò và hành khách sang sông làm chỉ tiêu thi đua và khen thưởng. Mục tiêu của lái đò là giúp các em tự lái thành công vận mện của chính mình. Thật nguy hiểm cho xã hội khi những hành khách đi đò ảo tưởng vào năng lực của mình khi được chuyên chở nhầm tới bến  xa khi bản thân họ không có đủ năng lực để tự bơi.

Suy nghĩ như vậy nhưng tôi vẫn tin tưởng mãnh liệt rằng con đò Việt Nam với vị tổng tư lệnh Phạm Vũ Luận sẽ vượt qua những cơn sóng dữ để đưa chuyến đò giáo dục Việt Nam tới đích đến- Khát Vọng Việt Nam như Trung Nguyên đang thực hiện trong tuần lễ này. Một suy nghĩ của riêng tôi, có lẽ nên thay “ Trận Đánh Lớn Nhất “ Bằng “ Cuộc Hải Trình Giáo Dục Vĩ Đại Nhất “ cho chương trình cải tổ giáo dục.

Trận đánh thì có ta địch, thắng, thua. Hải Trình thì tất cả chúng ta giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội chung tay để đưa con tầu giáo dục Việt Nam cập bến. Nhân ngày 20/11 xin một lần nữa gửi lời chúc tới toàn thể các thầy cô giáo, và hơn thế nữa gửi những lời tri ân tới hậu phương các thầy cô- những người còn âm thầm hơn cả người đưa đò cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam.



Vũ Tuấn Anh- Viện Quản Lý Việt Nam