Con người quyết định thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

06/07/2020 05:46
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Không chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, càng không nên tạo ra áp lực, căng thẳng cho học sinh, giáo viên”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Ngày 4/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 tỉnh Hưng Yên.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng và các thành viên Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hưng Yên tham dự buổi làm việc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông tỉnh Hưng Yên (Ảnh: moet.gov.vn)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông tỉnh Hưng Yên (Ảnh: moet.gov.vn)

Báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên cho biết:

Tỉnh Hưng Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh với 29 thành viên. Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi, ban hành thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, ban hành lịch công tác của Ban Chỉ đạo và tổ chức các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Ngay sau khi Quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hưng Yên đã tổ chức tập huấn Quy chế thi, Hướng dẫn thi và hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý thi cho cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách công tác thi và cán bộ phụ trách phần mềm các nhà trường có thí sinh dự thi.

Việc tập huấn cũng đã hoàn thành ở cấp phòng và tại các trường trung học phổ thông.

Để tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, trước thời điểm đăng ký, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên đã thực hiện rà soát khu vực ưu tiên đối với thí sinh trong toàn tỉnh; tổ chức phát hành phiếu đăng ký dự thi cho thí sinh; quy định mã đăng ký dự thi cho các đơn vị.

Toàn tỉnh đã tổ chức 70 đơn vị đăng ký dự thi nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng thí sinh khác nhau.

Theo tổng hợp đăng ký, năm 2020, tỉnh Hưng Yên có 12.821 thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong đó số thí sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp: 4.311 thí sinh (33.6%); thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học: 8.051 thí sinh (62.8%).

Dự kiến toàn tỉnh Hưng Yên sẽ có 28 điểm thi với 550 phòng thi. Lực lượng tham gia trực tiếp các khâu của kỳ thi dự kiến trên 2000 người.

Nhấn mạnh đến yếu tố của con người trong kỳ thi, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hưng Yên cho hay, tinh thần chung của tỉnh Hưng Yên là kế thừa cách thức chỉ đạo thi những năm trước đây để “thiết kế” kế hoạch năm nay theo hướng chặt chẽ, rõ việc, rõ người, rõ thời gian.

“Chúng tôi vận dụng quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngay với kỳ thi vào 10, coi đó như một cuộc tập dượt trước.

Trong quá trình làm đặc biệt chú ý tới con người, trong đó những vấn đề liên quan đến khả năng hoàn thành công việc của người được giao nhiệm vụ như chuyên môn, đạo đức, gia đình… đều được tính toán kỹ.

Chúng tôi không dám tự tin tuyệt đối nhưng dám mạnh dạn hứa, kỳ thi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sẽ đạt yêu cầu theo quy định”, ông Hưng nói.

Cũng coi trọng vai trò của con người, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho rằng: Máy móc chỉ hỗ trợ, con người mới là yếu tố quyết định của kỳ thi.

Trong quá trình chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, việc phân công, phân nhiệm từng người phải rõ ràng, mọi công đoạn đều phải gắn với trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa.

“Tổ chức kỳ thi không phải trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục”, ông Phóng nhấn mạnh.

Không chủ quan nhưng cũng không lo lắng, căng thẳng

Đánh giá những chuẩn bị của tỉnh Hưng Yên đến thời điểm này là “khá yên tâm”, nhưng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dù đã có truyền thống tổ chức tốt kỳ thi những năm trước đây, dù đã có những bước chuẩn bị ban đầu khá nhuần nhuyễn song thi cử là không thể chủ quan.

“Không chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, càng không nên tạo ra áp lực, căng thẳng cho học sinh, giáo viên”, Bộ trưởng nói.

Nhìn nhận vai trò quan trọng của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ trưởng cho biết:

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: moet.gov.vn)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: moet.gov.vn)

Kỳ thi này không chỉ đơn thuần là để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến kỳ thi và đã phân cấp cho địa phương chủ động tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên địa bàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chịu trách nhiệm chung, trong đó có việc xây dựng đề thi; phần mềm chấm thi trắc nghiệm; công tác tập huấn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi…

Chia sẻ về điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, Bộ trưởng nhắc đến việc có thêm sự tham gia của thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh.

Năm nay, dù không huy động lực lượng từ đại học tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động lực lượng hơn 6000 cán bộ, giảng viên đại học tham gia công tác thanh kiểm tra các khâu của kỳ thi.

“Kỳ thi năm nay, cùng một đối tượng, một thời gian nhưng có 3 lực lượng thanh tra. Chúng tôi đã làm việc với Thanh tra Chính phủ để các khâu không bị chồng chéo. Cán bộ làm công tác thanh tra cũng được tập huấn để làm tốt nhiệm vụ”, Bộ trưởng thông tin.

Để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ trong Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Trong đó, Ban Chỉ đạo các cấp phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tránh chung chung.

Các địa phương cũng cần quán triệt sâu rộng để tất cả những người tham gia kỳ thi hiểu rõ được trách nhiệm, “đều tay” trong thực hiện nhiệm vụ và có sự phối hợp nhịp nhàng. “Trong hàng ngàn người tham gia vào kỳ thi, chỉ 1-2 người còn "lơ mơ" sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung”, Bộ trưởng nhận định.

Khẳng định quyết tâm của tỉnh Hưng Yên là tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh: "Với quyết tâm chính trị rất cao, chúng tôi sẽ cố gắng cao nhất để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020".

Bí thư Tỉnh ủy Hưng cho biết, ngay trong tuần tới sẽ triệu tập Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và những cá nhân có liên quan để tổ chức họp quán triệt về kỳ thi.

Đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 tỉnh Hưng Yên nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi trên địa bàn tỉnh.

Thùy Linh