Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ đôi điều về giáo dục đầu xuân Tân Sửu

15/02/2021 06:20
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục đó chính là trao quyền và tôn trọng sự sáng tạo.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền - đoàn Phú Yên đã chia sẻ đôi điều về giáo dục dịp đầu xuân Tân Sửu.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng đăng tải.

Tôi nhận lời viết bài dịp Tân Xuân cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vào thời điểm hết sức đặc biệt, những ngày cận kề Tết Tân Sửu. Khi học sinh- sinh viên cả nước đang háo hức chuẩn bị chào đón Tết cổ truyền Tân Sửu 2021 thì bất ngờ nhận được thông báo nghỉ Tết sớm hơn dự định, đại dịch Covid -19 một lần nữa đã bùng phát trong cộng đồng. Có thể lúc này, các em học sinh- sinh viên cũng chẳng còn trạng thái tâm lý vui mừng như trước đây, là được nghỉ Tết sớm, là được tự do thoải mái tận hưởng không khí xum vầy bên gia đình, bạn bè, người thân…

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền. Ảnh: NVCC

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền. Ảnh: NVCC

Điều đáng lưu tâm ở làn sóng thứ 3 của đại dịch tại Việt Nam là hình ảnh các em nhỏ đang học mầm non, tiểu học, một số giáo viên và cha mẹ học sinh phải mang hành lý vào cách ly tập trung tại trường học vì có em đã bị dương tính với virus nguy hiểm này, cả lớp học cùng giáo viên chủ nhiệm bỗng nhiên trở thành F1.

Ở độ tuổi còn phụ thuộc nhiều vào sự bảo vệ chăm sóc hàng ngày của người lớn, chắc chắn các em vẫn chưa thể hiểu vì sao mình phải tạm rời vòng tay của bố mẹ ông bà, vì sao phải trùm kín áo mưa tiện lợi ngồi giữ khoảng cách với các bạn để đợi đến lượt mình xét nghiệm.

Hình ảnh ấy thật sự gây xúc động rất mạnh cho bất kỳ ai nhìn thấy. Hình ảnh ấy đã cho chúng ta nhận diện rõ nét hơn về những tác động quá lớn của virus SARS-CoV-2, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa- xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới phải đối mặt, phải thích nghi với sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện về nhận thức xã hội, hành vi con người với môi trường bên ngoài. Nó khiến cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách phải tập trung cao độ để ứng phó trước những diễn biến quá nhanh của virus, đó là vừa xử lý những vấn đề cấp bách, vừa xây dựng các chính sách nhằm kiểm soát, quản lý, phát triển xã hội với tầm nhìn dài hạn. Và lúc này, lĩnh vực giáo dục & đào tạo càng phải giữ vững vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong việc xây dựng kiến tạo xã hội.

Ở đó, thế hệ hiện tại và tương lai cần phải được giáo dục và rèn luyện kỹ càng để có thể vượt qua các thách thức và biến động xã hội. Chắc chắn, các chính sách giáo dục trong giai đoạn thích ứng “trạng thái bình thường mới” của xã hội và cả trong tương lai cần phải được nghiên cứu hoạch định bằng tư duy với tầm nhìn dài hạn, thay thế cho các chính sách, chương trình, kế hoạch ngắn hạn hoặc thực dụng theo kiểu cuốn chiếu đã tồn tại trong suốt nhiều năm qua.

Những lối mòn hay những vết xe đổ trong giáo dục hiện hành rất cần phải tránh xa, muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã không còn phù hợp, đó là điều hiển nhiên. Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và xã hội hóa sách giáo khoa lớp 1 trong năm vừa qua với những "hạt sạn" là một câu chuyện rất đáng phải quên đi, nhưng nó lại mang bài học kinh nghiệm đầy xương máu cho các nhà quản lý giáo dục trong năm mới này.

Nhất là khi năm học tiếp theo, chúng ta tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ sách giáo khoa mới cho cả lớp 2 và lớp 6, trong khi câu chuyện xử lý trách nhiệm, xử lý lỗi sai trong các bộ sách giáo khoa lớp 1 vẫn chưa có gì rõ ràng cả. Có không ít phụ huynh vẫn mang nhiều tâm tư trăn trở gởi đến tôi, họ lo lắng nhiều lắm, họ chờ đợi một phương hướng xử lý thật mạch lạc.

Giáo dục & đào tạo phải luôn gắn với trau dồi và rèn luyện, quan điểm của tôi từ trước đến nay luôn nghĩ như vậy. Việc tiếp nạp tri thức hay khai phóng năng lực con người không thể chỉ thông qua các bài học trên lớp và vô số bài tập về nhà, những kỳ thi đầy mệt mỏi trong suốt 12 năm giáo dục phổ thông. Không chỉ có truyền tải kiến thức, sứ mệnh mới của giáo dục phổ thông còn phải hướng đến việc rèn luyện cho học sinh- sinh viên có khả năng thích ứng linh hoạt, kỹ năng số thuần thục, kích hoạt năng lực phối kết hợp, nâng cao ý thức tự giác về nghĩa vụ, không chỉ là nghĩa vụ mang tính chất cá nhân đơn thuần mà còn là nghĩa vụ giữa cá nhân với xã hội.

Một nền giáo dục hướng tới sự bền vững là nền giáo dục truyền đạt cho người học khả năng linh hoạt trong tình cảm và trí tuệ, cho phép người học phát triển tư duy, kiến thức theo thiên hướng cá nhân, kết nối các giá trị và kỹ năng để tham gia vào những quyết định, hành động của cá nhân cũng như tập thể. Nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục đó chính là trao quyền và tôn trọng sự sáng tạo.

Fukuzawa Yukichi, một nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại đã viết trong cuốn “Khuyến học” của ông rằng: “Quan sát, suy luận, đọc sách là cách để tích lũy tri thức; Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức; Viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức”.

Tôi cho đó là một tư tưởng còn khá mới mà chúng ta nên xem xét và nghiên cứu ứng dụng trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Điều đặc biệt trong cuốn sách này, nhà tư tưởng người Nhật gần như không nói nhiều về thi cử. Cá nhân tôi cũng nghĩ rằng, đổi mới giáo dục là đổi mới cả vấn đề thi cử đối với từng cấp học hiện nay. Ở khía cạnh nào đó, tôi chỉ thấy nó mang nhiều gánh nặng, nhiều áp lực bởi căn bệnh thành tích đã ăn sâu trong tiềm thức của không ít người Việt. Nếu thi cử mang ý nghĩa của một dấu mốc quan trọng, là đánh dấu một chân trời kiến thức đã được tìm thấy qua từng cấp học thì tôi hy vọng rằng các nhà quản lý, hoạch định chính sách của giáo dục sẽ biết cách đặt người học vào đúng trọng tâm để đổi mới công tác thi cử trong những năm sắp đến. Học để thi và điểm số là thành tích sẽ không giúp gì cho công cuộc cải cách, chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Ai cũng hiểu rằng phát triển và đổi mới giáo dục là sự nghiệp lâu dài đòi hỏi sự thận trọng và bền bỉ, không thể hoàn thành ngay trong ngày một ngày hai. Tuy vậy, tôi nghĩ chương trình giáo dục phổ thông ở thì hiện tại đã đến lúc cần được nâng lên ở mức cấp bách, một số chính sách cần phải được thay đổi mạnh mẽ và toàn diện mà không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Trước hết, ngoài việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy học tập, kịp thời duy trì việc trao đổi, tiếp thu kiến thức đối với người học bằng nhiều hình thức thì trong tương lai gần, việc xây dựng, phổ biến chương trình giáo dục phổ thông có tính tương thích với mọi điều kiện, mọi hiện trạng, thành phần đối tượng người học là điều mà ngành Giáo dục cần quan tâm nghiêm túc, đầu tư nghiêm túc.

Tôi và cũng như nhiều người dân rất mong Việt Nam mình sẽ sớm có một hệ thống giáo dục được xây dựng trên nền tảng vững chắc, có chiều sâu và đa ứng dụng. Mà ở đó, khi vận hành bằng phương tiện hay công cụ gì cũng đều đáp ứng thật tốt, thật thông suốt hướng tới mục tiêu cuối cùng của Giáo dục. Suy cho cùng, đổi mới giáo dục cần bắt đầu từ đổi mới tư duy trong quản lý Giáo dục.

Hãy thử hình dung như thế này, chúng ta đang ngồi trên chiếc xe mang tên “giáo dục” và có nhiệm vụ phải vận hành nó tiến về phía tương lai. Con đường mà chúng ta đang đi được xem như là hành trình tìm kiếm tri thức, khai phóng sức mạnh nội lực con người, xây dựng và phát triển xã hội. Khi lái xe, chúng ta phải tập trung quan sát thật tốt, phải nhìn vào gương chiếu hậu, thao tác sử dụng thuần thục các thiết bị; song điều chắc chắn rằng chúng ta phải luôn nhìn thẳng phía trước, nơi mà chúng ta hướng đến, tiến đến. Nếu không muốn xe dừng lại đột ngột hoặc gây ra một sự cố nào trên đường thì chúng ta bắt buộc phải học cách đối mặt, xử lý, ứng phó kịp thời và chuẩn xác với những tình huống có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, lựa chọn thắng gấp hoặc bẻ lái theo những thay đổi trên đường, miễn là để có thể điều khiển chiếc xe một cách vững vàng nhất mà không bị mất lái. Trong tiến trình đổi mới giáo dục cũng thế, quan trọng nhất là cách chúng ta điều khiển, vận hành công cuộc ấy như thế nào, và người cầm lái người tham gia vận hành chắc chắn sẽ là nhân tố quyết định trong cải cách, đổi mới Giáo dục Việt Nam hiện nay.

Với tâm thế và vai trò của mình hiện tại, đôi khi tôi luôn phải giữ một trạng thái tâm lý thật “tĩnh” vì đã từng nhiều lần chứng kiến sự sốt ruột, bức xúc cho đến ở đâu đó có sự suy giảm niềm tin của dư luận xã hội, của phụ huynh học sinh trước những vấn đề nóng, những câu chuyện buồn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thời gian qua. Cố gắng giữ cho mình “vốn niềm tin” đủ để có thể chia sẻ với phụ huynh và cả giáo viên những lúc như vậy là trách nhiệm của một đại biểu dân cử. “Vốn niềm tin” ấy không hẳn tự nhiên mà tôi có, càng không phải là niềm tin sáo rỗng tôi tự huyễn hoặc mình, mà bởi vì khi đặt để tâm thế của mình ở góc nhìn đa chiều, tôi nhận thấy có rất nhiều tín hiệu tích cực, trân trọng những kết quả mà công tác Giáo dục- Đào tạo nước nhà đã và đang đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Tôi tin rằng những thay đổi sẽ thật sự khởi sắc và chúng ta có quyền đặt nhiều hy vọng trong giai đoạn mới này, bởi giá trị cốt lõi của giáo dục đó chính là kiến tạo tương lai.

* Bài viết thể hiện quan điểm của người viết.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền